Theo đó, thiết kế kiến trúc nhà ga hành khách cho giai đoạn 1 của dự án có quy mô đáp ứng công suất 25 triệu hành khách/năm; có tổng diện tích sàn khoảng 400.000m2. Nhà ga đảm bảo các tiện ích đáp ứng nhu cầu của hành khách đạt tiêu chuẩn mức độ dịch vụ tương đương với các sân bay hàng đầu thế giới theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO)/ Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA).
Thiết kế tổng thể nhà ga đảm bảo đủ diện tích kết nối hoàn chỉnh với sân đỗ máy bay, sân đỗ ôtô, đường giao thông ra vào sân bay và các công trình lân cận; đảm bảo khai thác đồng bộ và đáp ứng công suất thiết kế của cảng hàng không theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Theo lãnh đạo ACV, mục tiêu của thi tuyến thiết kế kiến trúc công trình nhà ga hành khách nhằm lựa chọn phương án thiết kế tốt nhất, đáp ứng tối đa các yêu cầu về công năng sử dụng, thẩm mỹ, quy hoạch kiến trúc, cảnh quan; thể hiện được ý nghĩa, tính chất quan trọng của công trình đồng thời phải có tính khả thi cao và phù hợp với quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Long Thành và báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.
“Kết quả thi tuyển là cơ sở đề chủ đầu tư tổ chức triển khai lập dự án và thiết kế xây dựng công trình nhà ga hành khách. Hình thức thi tuyển rộng rãi trong và ngoài nước. Thời gian thi tuyển trong vòng 90 ngày (từ tháng 4-6/2016),” lãnh đạo ACV khẳng định.
Bên cạnh đó, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam sẽ thành lập hội đồng bao gồm các Bộ, ngành liên quan tham gia nhằm đánh giá xếp hạng phương án dự thi theo quy định.
Trước đó, Chính phủ Nhật Bản đã đặt vấn đề với Bộ Giao thông Vận tải về khả năng tài trợ thực hiện nghiên cứu khả thi cho riêng hạng mục nhà ga hành khách của Cảng hàng không quốc tế Long Thành với kinh phí 4,3 triệu USD.
Ngay sau đó, Bộ Giao thông Vận tải đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ tiếp tục làm việc với phía Nhật Bản về khoản viện trợ không hoàn lại trị giá khoảng 4,3 triệu USD thực hiện nghiên cứu khả thi hạng mục nhà ga hành khách dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Kết quả nghiên cứu này sẽ được hợp nhất trong báo cáo nghiên cứu khả thi tổng thể dự án để trình Thủ tướng Chính phủ.
Sau khi hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sẽ xác định được các dự án thành phần với hình thức đầu tư tương ứng (đầu tư trực tiếp từ ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp tự đầu tư, đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP).
Theo mục tiêu của Bộ Giao thông Vận tải, Cảng hàng không quốc tế Long sẽ được khởi công trong năm 2019, tới năm 2022 hoàn thành và đầu năm 2023 đưa vào khai thác. Trong đó giai đoạn 1 chậm nhất năm 2025 phải hoàn thành và đưa vào khai thác 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm./.
Tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là 336.763 tỷ đồng (tương đương 16,036 tỷ USD), trong đó giai đoạn 1 là 114.569 tỷ đồng (tương đương 5,456 tỷ USD). Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách Nhà nước, vốn ODA, vốn doanh nghiệp, vốn cổ phần hóa, vốn đối tác công tư (PPP) và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật. Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành gồm ba giai đoạn: Giai đoạn 1: Đầu tư xây dựng một đường cất hạ cánh và một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2025. Giai đoạn 2: Tiếp tục đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 02, cấu hình mở và một nhà ga hành khách để đáp ứng công suất 50 triệu khách/năm, 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Giai đoạn 3, sẽ hoàn thành các hạng mục của Dự án để đạt công suất 100 triệu khách/năm, 5,0 triệu tấn hàng hóa/năm. |