Tốc độ tăng trưởng của thị trường nhà ở trên thế giới vẫn đang chậm lại đáng kể, cho thấy ảnh hưởng của lãi suất tăng lên các lĩnh vực nhạy cảm của nền kinh tế.

Số lượng các giao dịch nhà mới đang chờ xử lý và đã hoàn thiện ở Mỹ đều giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm vào tháng 7 vừa qua sau khi các chỉ số tăng trưởng chính có sự biến động. Trong khi đó, kinh tế Úc sụt giảm tiếp tục làm tăng nguy cơ suy thoái của thị trường nhà ở. Giá nhà tại London không đổi hoặc giảm ở gần một nửa số quận được khảo sát trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng. Tại Trung Quốc, giá bất động sản lao dốc đang là phép thử với ngân hàng trung ương trong việc kiên định với các biện pháp kích thích kinh tế.

Mỹ

Các chỉ số tăng trưởng kinh tế chính trong nửa đầu năm 2022 đi theo các hướng khác nhau, làm nổ ra những cuộc tranh luận về sức khỏe của cường quốc kinh tế số 1 thế giới. GDP điều chỉnh theo lạm phát đã giảm 0,6% tháng 4 đến tháng 6, nhưng tổng thu nhập quốc nội lại tăng 1,4% trong cùng thời điểm. Chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ tăng chậm trong tháng 7, tiền lương và tiền công tăng 0,8% trong bối cảnh lạm phát đã giảm bớt.

Các giao dịch bán nhà đang chờ xử lý tại Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch vào tháng 7. Nguyên nhân là chi phí đi vay cao khiến người mua trì hoãn quyết định để tránh được đà suy thoái mạnh của thị trường nhà ở. Doanh số bán nhà mới trong tháng 7 cũng giảm lần thứ sáu trong năm nay và là mức thấp nhất kể từ đầu năm 2016.

Anh và châu Âu

Nhiều ý tưởng không tưởng đang được đưa ra để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng tại Anh, bao gồm cả chấm dứt thời kỳ lãi suất thấp. Giá năng lượng tăng vọt đã đẩy tỷ lệ lạm phát vượt tầm kiểm soát và nguy cơ suy thoái hiện hữu. Các yếu tố độc hại này khiến thị trường nhà ở rơi vào thế bị động, nhiều người lo ngại rằng thị trường sẽ có những điều chỉnh mạnh mẽ trong thời gian sắp tới.

Châu Á – Thái Bình Dương

Các đơn đặt hàng xuất khẩu của Đài Loan đã ít đi đáng kể trong tháng 7 do nhu cầu từ khách hàng Trung Quốc và Hoa Kỳ sụt giảm. Giới chức hiện đang cảnh báo sẽ có thêm những đợt giảm tiếp theo, tác động tiêu cực lên nền kinh tế.

Trong khi đó, cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản Trung Quốc tiếp tục lan rộng và ảnh hưởng tới các ngành có liên quan, bao gồm ngân hàng. Điều này đặt ra bài toán khó cho ngân hàng trung ương trong việc triển khai các biện pháp kích thích, dù Thống đốc Yi Gang gần đây đã cam kết rằng sẽ duy trì chính sách tiền tệ “ở mức phù hợp” để hỗ trợ tăng trưởng.

Tại Úc, lãi suất tăng cao đang đe dọa tình hình tài chính của các gia đình có khoản vay cũng như đe dọa tạo ra sụt giảm chưa từng thấy trên thị trường nhà ở kể từ trước cuộc suy thoái năm 1991.

Chủ đề: Bất động sản 2022,
Lam Vy (Bloomberg)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.