Thị trường nhà ở tại Mỹ thường sôi động vào mùa xuân, khi người mua xuất hiện trong thời tiết ấm áp hơn. Nhưng mùa xuân năm nay, thị trường dường như rơi vào tình trạng đóng băng sâu và nguyên nhân lớn nhất là không có mấy người muốn bán nhà.
Nhu cầu từ phía người mua rất lớn, các đơn xin vay thế chấp mua nhà đã tăng 10% trong tháng 3 vừa qua so với tháng trước đó. Tuy nhiên, số lượng nhà rao bán lại quá thấp. Sự lệch pha này một phần là do những người sở hữu nhà có dự định bán, nhưng lại sợ hãi trước giá nhà quá cao và lãi suất thế chấp tăng vọt mà họ sẽ phải đối mặt với tư cách là người mua sau khi bán nhà.
Theo một cuộc khảo sát gần đây của Realtor.com, hơn ba phần tư người bán cho biết họ cảm thấy “bị khóa chặt” với ngôi nhà bởi không muốn mất đi mức lãi suất thế chấp đang được hưởng. Hơn một nửa cho biết sẽ đợi lãi suất giảm rồi mới rao bán nhà.
Sự bế tắc này đã khiến thị trường nhà ở Mỹ sa lầy thay vì phát triển mạnh mẽ hơn nhờ vào nhu cầu mua tăng mạnh. Doanh số bán nhà trong tháng 3 đã giảm 22% so với năm trước đó, theo Hiệp hội Môi giới Bất động sản Mỹ (NAR). Lượng nhà tồn kho vào cuối tháng 3 tương đương với nguồn cung trong 2,6 tháng. Thông thường, lượng hàng tồn kho phải gấp đôi tỷ lệ này để cân bằng cung và cầu.
Robert Frick, nhà kinh tế doanh nghiệp tại ngân hàng Navy Federal Credit Union, cho biết: “Chúng tôi đang ở trong tình trạng bế tắc thực sự. Sẽ rất phức tạp và mất nhiều thời gian để giải phóng thị trường cũng như đưa cán cân cung – cầu trở lại bình thường”.
Số lượng người bán hơn có nghĩa là cạnh tranh giữa những người mua sẽ nhiều hơn, dẫn đến cuộc chiến đấu thầu và đẩy giá cả lên cao. Mặc dù giá nhà gần đây đã giảm so với mức cao được ghi nhận trước đó, thì giá trung bình của một ngôi nhà vẫn cao hơn khoảng 40% so với đầu năm 2020, theo chỉ số đo lường giá nhà S&P CoreLogic Case-Shiller.
Một người mua nhà nói: “Lãi suất tăng và định giá nhà quá cao làm tình hình trầm trọng gấp đôi, khiến chúng tôi càng e ngại chưa muốn bán nhà. Tôi chưa muốn từ bỏ mức lãi suất đang được hưởng khi mua căn nhà hiện tại”.
Khoản vay mua nhà phổ biến nhất tại Mỹ là khoản thế chấp có lãi suất cố định 6,43% trong 30 năm, theo tập đoàn tài chính Freddie Mac, cao hơn gấp đôi so với hai năm trước. Lãi suất thế chấp đạt mức cao nhất trên 7% vào cuối năm ngoái, nhưng kể từ đó, tốc độ sụt giảm diễn ra chậm và không đồng đều.
Theo một cuộc khảo sát của công ty tư vấn John Burns Research and Consulting, để khiến người bán có động lực trở lại, lãi suất sẽ phải giảm xuống mức “kỳ diệu” là 5,5%. Hơn 70% những người mua nhà tiềm năng trong khảo sát cho biết họ không sẵn sàng chấp nhận một khoản thế chấp có lãi suất cao hơn tỷ lệ đó.
Maegan Sherlock, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao tại công ty John Burns, cho biết: “Hiện tại, các chủ nhà dường như khá kiên nhẫn. Họ sẽ cầm cự cho đến khi tình hình khá hơn”.
Danielle Hale, nhà kinh tế trưởng của Realtor.com, cho biết: “Đây là một năm chuyển tiếp. Khi bước sang năm 2024, chúng ta sẽ thấy nhiều người có nhu cầu mua hơn.”
Thị trường cũng có thể tan băng khi nhu cầu mua nhà được đáp ứng bởi các chủ đầu tư, những người “đã từng tạo ra cơ hội cho người mua nhà lần đầu và cả những người muốn đổi sang một căn nhà to đẹp hơn”.
Việc thiếu nguồn cung hiện nay dường như đang đẩy người mua đến những ngôi nhà mới xây, một thị trường nhỏ hơn nơi doanh số bán hàng tăng tốt hơn. Theo Cục điều tra dân số Mỹ, doanh số bán nhà thổ cư mới xây đã tăng gần 10% trong tháng 3 so với tháng trước đó.
NAR dự đoán doanh số bán nhà mới sẽ tăng 4,5% trong năm nay và 12% vào năm 2024. Hiệp hội này cũng cho rằng doanh số bán nhà đã qua sử dụng sẽ giảm khoảng 9% trong năm nay và sau đó phục hồi trở lại vào năm 2024.
Iliana Abella, Giám đốc điều hành bán hàng của Abella Group, một công ty môi giới bất động sản ở Miami, cho biết luôn có những lý do khiến những chủ nhà bất đắc dĩ phải bán nhà, chẳng hạn như chuyển chỗ làm, thu hẹp quy mô gia đình, hoặc ly hôn.
“Nếu bạn dự định ở trong căn nhà của mình lâu hơn 5 năm, lãi suất 6% sẽ không giết chết bạn”, bà nói.
Tuy nhiên, nhiều chủ nhà vẫn sẵn sàng chờ đợi lãi suất xuống thấp hơn.
Một chủ nhà cho biết: “Chúng tôi cũng muốn bán nhà ngay, nhưng cũng không buộc phải làm vậy. Chúng tôi không vội vàng, nên tạmthời sẽ vẫn ở lại căn nhà này”.
-
Thị trường nhà ở Mỹ mất 2.300 tỷ USD, suy yếu nhất kể từ năm 2008
Tổng giá trị của thị trường nhà ở tại Mỹ đã giảm 2.300 tỷ USD, tương đương 4,9%, trong nửa cuối năm 2022 sau khi đạt đỉnh 47.700 tỷ USD vào tháng 6. Theo công ty môi giới bất động sản Redfin, đây là mức giảm lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng nhà ở năm 2008, khi giá trị nhà giảm 5,8% từ tháng 6 đến tháng 12 cùng năm.
-
Một thế hệ tại Mỹ giàu nhanh chưa từng thấy, nhưng vẫn không mua nổi nhà
Thế hệ Millennials của Mỹ đang bước vào giai đoạn tăng trưởng tài sản nhanh chưa từng thấy sau nhiều năm thắt lưng buộc bụng vì mòn mỏi trả các khoản vay sinh viên và lạm phát lối sống. Tuy nhiên, khả năng mua nhà của họ vẫn không chắc chắn....
-
Mỹ: Thị trường nhà ở khó khăn, vợ chồng đã ly hôn vẫn phải sống chung
Theo tờ Wall Street Journal, một số cặp vợ chồng đã ly hôn đang buộc phải sống cùng nhau do việc tìm một ngôi nhà khác trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
-
FED: Cổ phiếu và bất động sản đang quá đắt đỏ
Các nhà kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết cổ phiếu, nhà ở và bất động sản thương mại đều đang được định giá quá cao, nhưng giá trị của chúng có nhiều khả năng sẽ đi xuống....