12/07/2011 7:05 AM
Thị trường BĐS hiện nay đang chứng kiến hàng loạt phi vụ thoái vốn không chỉ là các Tập đoàn, TCty lớn mà ngay cả các cá nhân cũng tìm mọi biện pháp giải phóng hàng thu tiền bảo toàn vốn và cơ cấu lại danh mục đầu tư.

Thị trường BĐS thời thoái vốn

Các dự án nhà liền kề được rao bán “nhan nhản” trên mạng. Ảnh chỉ mang tính minh họa


Tháng 4 vừa qua, ông Nguyễn Đình Lâm - Chủ tịch HĐQT PVFC chính thức công bố thoái vốn khỏi BĐS, theo đó DN này sẽ chuyển nhượng 10% vốn đang sở hữu tại Petroland cho đơn vị khác. Tại Đại hội cổ đông năm 2011 của FPT ngày 15/4, ông Nguyễn Thế Phương - Tổng giám đốc công bố quyết định dừng đầu tư vào dự án 89 Láng Hạ (Hà Nội), chuyển sang mô hình hợp tác kinh doanh để tập trung vốn vào lĩnh vực kinh doanh chính. Cty VinaLand Limited - thành viên Tập đoàn Capital Land cũng thông báo bán toàn bộ cổ phần trong dự án phát triển nhà ở tại Q.9 (TP.HCM). Ông Chi Edward - Tổng giám đốc Cty Coldwell Banker Việt Nam cho biết: Tình hình chuyển nhượng các dự án của DN trong nước thực sự rất sôi động. Từ đầu năm đến nay, số thương vụ mà Savills tham gia tư vấn tăng 20 - 30% so với năm ngoái, trong đó thương vụ chuyển nhượng thành công chiếm khoảng 50%.


Nhan nhản trên mặt báo rao vặt và các trang web mua bán các tin rao bán BĐS với thông tin chính chủ, giá thấp, cần bán gấp, ưu tiên thanh toán tiền mặt… mà trước đây phần lớn diện tích là phương tiện của các cò nhà đất hay văn phòng môi giới, sàn giao dịch… Điển hình quá trình thoái vốn của nhà đầu tư cá nhân là việc một nhóm khách hàng đã tìm cách khởi kiện chủ đầu tư dự án Mulberry Lane (Hà Đông) vi phạm pháp luật các quy định về pháp lệnh quản lý và sử dụng ngoại hối để đòi lại tiền đặt cọc căn hộ. Tại nhiều dự án, các nhà đầu tư kiện chủ đầu tư không thực hiện đúng tiến độ dự án theo cam kết. Một thực trạng thường thấy ở hầu hết các dự án trước đây được khách hàng chấp nhận nhưng giờ đây, để lấy lại được vốn chủ đầu tư không bỏ qua cơ hội “bới lông tìm vết”.


Giá BĐS giảm xuống xảy ra ở tất cả các phân khúc của thị trường như: Đất nền, văn phòng cho thuê, mặt bằng bán lẻ chứ không chỉ căn hộ chung cư như trước. Các chủ đầu tư áp dụng các hình thức khuyến mại, chiết khấu, giá công bố bán ra đợt sau thấp hơn đợt trước nên lợi nhuận ở BĐS giai đoạn này bằng 0. Dự án Rừng cọ (KĐT EcoPark) vừa có chương trình giảm giá 10 - 12% giá bán triết khấu trực tiếp cho khách mua, Cty Sông Đà - Thăng Long thì quyết định tặng thêm diện tích từ 18 - 35m2 sàn thương mại khi mua sản phẩm dự án Usilk City nếu khách hàng trả một lần các khoản góp vốn còn lại. Lợi nhuận không như kỳ vọng trong khi lãi suất ngân hàng cao khiến chủ đầu tư sử dụng vốn ngân hàng bắt buộc phải đẩy hàng đi để cắt lỗ.


Hợp đồng mua bán BĐS sẽ là cơ sở để nhà đầu tư cá nhân kiện các chủ đầu tư đòi lại vốn nếu dự án không được thực hiện đúng các điều khoản đã cam kết. Với các tập đoàn, quỹ đầu tư, DN lớn muốn thoái vốn có thể thông qua M&A (chuyển nhượng, sáp nhập). Đây là phương án tối ưu thông dụng nhất có thể đem lại lợi nhuận cho nhà đầu tư chứ không đồng nghĩa là với việc tháo chạy khỏi dự án. Trong trường hợp quá khó khăn thì chủ đầu tư chỉ còn cách bán rẻ dự án cho các nhà đầu tư trong nước hoặc nước ngoài, cơ cấu lại danh mục đầu tư kinh doanh của mình để tiếp tục phát triển.

Theo Ninh Toàn (Báo Xây Dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.