Tự tìm cho mình một lối đi riêng là điều mà nhiều DN bất động sản (BĐS) đang chủ động thực hiện để có thể đứng vững trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Địa ốc Hoàng Quân cho rằng, trước tiên cần làm sao để tiết kiệm được chi phí sản xuất . Ví dụ, để làm một dự án BĐS thì giá thành của nó phụ thuộc rất nhiều vào thiết kế và xây dựng. Các DN có thể tiết kiệm trong khâu thiết kế để giảm giá thành cho sản phẩm BĐS, mà không bị giảm chất lượng. Hai là, các DN nên xem lại khâu đầu tư, nếu thị trường tốt thì có thể đầu tư "tràn lan", nhưng khi khó khăn thì nên cắt bớt những khoản đầu tư kém hiệu quả, tập trung đầu tư nhanh hơn để thu hồi vốn và giảm áp lực về lãi suất ngân hàng.


Ông Đỗ Quang Huy, Phó phòng kinh doanh Sàn giao dịch BĐS Hapulico thì cho rằng, về dài hạn, để giúp thị trường BĐS phát triển trở lại mà không bị ảnh hưởng bởi những thay đổi của chính sách, cũng như không bị phụ thuộc quá nhiều vào nguồn tín dụng từ hệ thống ngân hàng, thì cần tìm thêm các nguồn tài chính ngoài hệ thống ngân hàng, cung cấp nguồn vốn cho thị trường. Các chủ đầu tư có chiến lược kinh doanh ổn định, sử dụng vốn đúng mục đích và ít phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng sẽ phát triển bền vững. Các DN cần khai thác hiệu quả nguồn vốn huy động từ khách hàng. Sử dụng vốn đúng mục đích cho lời hứa tiến độ, hạn chế đầu tư gối đầu dự án.


Theo các chuyên gia, việc thắt chặt tín dụng, thêm vào đó là một số chỉ tiêu đáng lo ngại của nền kinh tế đã khiến thị trường BĐS trở nên khan hiếm về vốn, nhiều dự án BĐS bị đình trệ hoặc trì hoãn. Giá BĐS sụt giảm tại nhiều khu vực và phân khúc, nhưng tỷ lệ bán hàng trung bình vẫn giảm.


Bên cạnh đó, tỷ lệ lạm phát cao dẫn tới tăng chi phí xây dựng và giảm doanh thu thực tế của các chủ đầu tư. Giá vàng tăng cũng ảnh hưởng đến nguồn vốn để mua BĐS. Khung pháp lý cho lĩnh vực BĐS vẫn chưa hoàn thiện và có những thay đổi khó dự tính trước, dẫn tới khó khăn cho các DN trong quá trình thực hiện dự án.


Xét về nguồn cung, cơ cấu hàng hóa BĐS vẫn là một bất cập. Thị trường thiếu hàng hóa có quy mô và giá cả phù hợp với đa số nhu cầu của người dân. Trong khi đó, nhiều chủ đầu tư tính phí dịch vụ tại các khu đô thị mới, các chung cư quá cao, góp phần khiến người mua nản lòng.


Sau 2 năm đương đầu với tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế, điều tích cực có được là thị trường BĐS đã thanh lọc các đối tượng tham gia, đặc biệt là các nhà đầu tư ăn xổi, theo phong trào, không chuyên nghiệp. Đặc biệt, thị trường có chuyển biến tích cực khi có sự cạnh tranh gay gắt về giá theo hướng giảm dần. Nhiều chuyên gia kỳ vọng, cuộc cạnh tranh này sẽ giúp giá bán BĐS gần hơn với thu nhập của người dân, qua đó thúc đẩy giao dịch, giúp thị trường thoát khỏi tình trạng trầm lắng. Nếu chủ đầu tư chọn hướng đi đúng, thì trong bối cảnh nhiều khó khăn này, họ vẫn có chỗ đứng nhất định.


Trước những khó khăn của thị trường, không ít ý kiến lo ngại rằng, sẽ có DN đổ vỡ, phá sản. Tuy nhiên, ông Trương Anh Tuấn cho hay, tại Mỹ, thị trường BĐS nước này sụp đổ do việc cho vay vào lĩnh vực BĐS quá nhiều và dưới chuẩn cho phép. Nhà đầu tư BĐS chỉ có 5 - 10% vốn tự có và họ vay từ ngân hàng đến 90%. Còn tại Việt Nam, theo quy định của pháp luật, một DN BĐS tối thiểu phải có 20% vốn. Trên thực tế, mỗi chủ đầu tư phải có khoảng 50% tài sản thì ngân hàng mới cho vay. Vì vậy, theo ông Tuấn, trong tình hình này, để DN BĐS phát triển thì khó, nhưng để thị trường đổ vỡ là rất khó. Giả sử tình hình từ nay đến cuối năm vẫn khó khăn, thị trường BĐS cũng không thể đổ vỡ được.

Theo Duy Khánh (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.