Doanh nghiệp vẫn “cố đấm ăn xôi”
Vòng quanh một vòng các gian hàng trưng bày, giới thiệu dự án tại phiên giao dịch có thể thấy hầu hết các dự án nhà chung cư chẳng có dự án nào chủ đầu tư chấp nhận giảm giá. Dự án khu căn hộ nằm trong Trung tâm thương mại Chợ Mơ tại 459C Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng do Công ty cổ phần Phát triển thương mại Vinaconex làm chủ đầu tư với 100 căn hộ các loại diện tích từ 91 đến 178m2 vẫn được chào bán theo mức giá cũ là 28 triệu đồng/m2. Để khuyến khích người mua, chủ đầu tư chỉ tặng thêm một số thiết bị gia dụng như: lò vi sóng, máy hút bụi, máy điều hòa, máy giặt… nhưng cũng chỉ trong thời gian từ 19/10 đến hết ngày 19/11/2012 gọi là “tri ân khách hàng”.
Một trong những chiêu nhằm kích thích người mua nhà hiện nay mà đa số các doanh nghiệp đang áp dụng là chào bán với mức giá rất hấp dẫn, nhưng đó là giá xây thô và chưa tính thuế VAT. Dự án Star Tower do Công ty cổ phần toà nhà CFTD-VLA làm chủ đầu tư được chào bán với mức giá 28 triệu đồng/m2 chưa bao gồm VAT. Cách đây 4 tháng, chủ đầu tư đã mở bán dự án với giá 31,2 triệu đồng/m2, thời điểm hiện tại giá của dự án là 28 triệu, nếu cộng thêm VAT thì giá là không hề giảm.
Cũng với cách giới thiệu như trên là dự án Xuân Mai Tower do Vinaconex Xuân Mai làm chủ đầu tư tại Hà Đông, cách đây 2 tháng, chủ đầu tư công bố mở bán dự án với mức giá 17,6 triệu đồng/m2 (đã bao gồm VAT và 2% phí bảo trì), hiện đang được chào bán tại phiên giao dịch với mức giá khiến khách hàng sẽ phải quan tâm là 14 triệu đồng/m2. Nếu tính cả giá hoàn thiện, VAT và phí bảo trì thì giá là không đổi.
Không những không giảm giá, dự án Skyview Phương Thành tại vị trí Lô E2- Khu ĐTM Cầu Giấy do Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phương Thành và Tập đoàn Trí tuệ Việt làm chủ đầu tư, giá còn tăng chút ít. Nhân viên giới thiệu dự án này cho hay hiện dự án mới đang trong giai đoạn khoan cọc nhồi thí nghiệm nhưng giá được chào bán tăng thêm 1 triệu đồng/m2, theo đó khách hàng ký hợp đồng góp vốn giá hiện tại từ 21,8 triệu đồng/m2, trước đó giá là 20,8 triệu/m2.
Chỉ khi khôi phục được niềm tin vào thị trường, BĐS mới có thể phát triển ổn định trở lại.
Trong khi đó, với những dự án mới bắt đầu triển khai dạng này không biết chủ đầu tư có thực hiện đúng cam kết theo tiến độ hay không bởi trong bối cảnh thị trường khó khăn hiện nay đang xuất hiện ngày càng nhiều khách hàng khóc dở, mếu dở với những hợp đồng góp vốn.
Thị trường đã bị mất niềm tin
Thời gian qua, các chủ đầu tư liên tục tung ra các chiêu “giảm giá”, khuyến mại nhưng thị trường vẫn im ắng. Giờ đây câu hỏi của người mua trước các đợt “giảm giá” là liệu đây có phải là giảm giá thực sự? Chất lượng, tiến độ dự án còn nhiều băn khoăn... Khách hàng là thượng đế nhưng các chủ đầu tư vẫn "nắm đằng chuôi" bởi khi soạn thảo các hợp đồng mua bán, hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư... họ đã đưa ra các điều khoản rất chặt chẽ để ràng buộc trách nhiệm đối với người mua.
Thậm chí chủ đầu tư còn cài vào đấy những câu chữ để đẩy rủi ro về phía khách hàng. Bằng chứng là ngày càng xuất hiện nhiều tranh chấp, kiện tụng giữa khách hàng và chủ đầu tư, hàng loạt dự án chậm tiến độ, thậm chí có những dự án khởi công từ lâu đến nay vẫn là những bãi đất trống, nhiều khách hàng gian nan đi tìm chủ đầu tư để đòi tiền… khiến người mua nhà càng trở nên thận trọng. Trong khi đó, ngay cả việc giảm giá hiện các doanh nghiệp cũng thông tin rất mập mờ, không rõ ràng nhằm thu hút người mua nhưng thực tế thì giá không hề giảm, có giảm cũng không đáng kể.
Theo ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, giảm giá không chỉ mang lại lợi ích cho người dân mà còn giúp người bán có nguồn vốn để xử lý các khó khăn trước mắt như kết thúc dứt điểm dự án, có cơ hội tái cấu trúc doanh nghiệp, có cơ hội đầu tư vào các dự án tốt hơn.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam phát biểu tại lễ khai mạc hội chợ giao dịch BĐS thừa nhận, mặc dù thị trường đóng băng nhưng người mua nhà vẫn chưa được đặt lên vị trí cao nhất. Theo ông Nam, nhu cầu về nhà ở thực của người dân vẫn rất nhiều, cũng không phải người dân không có tiền nhưng thị trường thiếu thông tin, thiếu minh bạch dẫn đến việc người dân mất niềm tin. Việc người dân mất niềm tin thể hiện thời gian qua lượng giao dịch rất thấp. Do vậy, doanh nghiệp cần thiết phải lấy lại lòng tin của khách hàng.
Lối thoát cho thị trường hiện nay không chỉ là giảm giá mà còn là niềm tin của người mua nhà. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng sẽ có các điều chỉnh như giảm bớt nguồn cung, điều chỉnh lại cơ cấu sản phẩm. Đạt được tất cả các yếu tố này thì thị trường mới phát triển ổn định trở lại.