Đó là nhận xét của ông Richard Leech – Giám đốc Điều hành CBRE tại Hà Nội về thị trường bất động sản Việt Nam trong thời gian tới, tại buổi gặp mặt các công ty hoạt động trong lĩnh vực BĐS trong hai ngày 1 và 5 tháng 8 năm 2011 tại Hà Nội và Tp.HCM. Đây là một hoạt động thường niên nhằm chuẩn bị cho Hội trợ Triển lãm Bất động sản Quốc tế MIPIM ASIA 2011 sẽ diễn ra tại Hồng Kông từ ngày 15 đến 17 tháng 11 năm 2011.
Những gì đang thực sự diễn ra
Năm 2011 thị trường bất động sản đã ghi nhận một bức tranh đầy biến động, và hiện đang trong giai đoạn khá khó khăn. Có thể nói là bức tranh ảm đạm, đám mây đen đang bao phủ hầu hết các phân khúc bất động sản ở thời điểm hiện tại.
Do chính sách thắt chặt tín dụng, đối với chủ đầu tư thì ngừng cho vay, đối với cá nhân do lãi suất cao nên hạn chế cho vay thế chấp. Tuy nhiên, dòng tiền vẫn còn ở đâu đó trong dân cư, và đây cũng là một tia he vọng nhỏ nhoi cho thị trường, khi tâm lý người mua vẫn đang chờ đợi.
Theo dự báo của CBRE, tại Hà Nội năm 2011 có đến hơn 30.000 căn hộ sẽ được chủ đầu tư tung ra thị trường. Trong khi đó, hiện tại nguồn cung lại lớn hơn nguồn cầu.
Đây cũng là một sức ép không nhỏ lên các chủ đầu tư dự án khi nguồn tín dụng đang cạn dần, các sàn giao dịch hiện nay rất vắng khách. Giao dịch bán đang chậm lại rất rõ rệt ở phân khúc biệt thự, nhà phố và căn hộ. Giá giao dịch trên thị trường thứ cấp hiện nay đã giảm khoảng từ 15% -20%, thanh khoản yếu.
Ông Richard Reech cho rằng, từ xưa đến nay chưa bao giờ giá đất tại Việt Nam lại giảm, nhưng bây giờ thì khác, giá đất đã bắt đầu giảm tại Hà Nội. Cũng chính những khó khăn của thị trường mà hoạt động sáp nhập và mua lại (M&A) đang rất thịnh hành.
Đối với thị trường văn phòng cho thuê, giá thuê vẫn tiếp tục xu hướng giảm nhẹ và điều này có lợi cho người đi thuê khi có nhiều sự lựa chọn hơn, hoặc họ đang cân nhắc chuyển từ văn phòng hạng B sang hạng A để được hưởng những dịch vụ cao cấp hơn, khách thuê cũng cân nhắc kỹ hơn.
Một thực tế cũng đang diễn ra trên thị trường bất động sản Việt Nam đó là chủ đầu tư Việt Nam là các doanh nghiệp nhà nước, họ đang chiếm ưu thế và nằm giữ nhiều dự án tốt trong tay.
Tương lai thuộc về các “ông lớn”
Những khó khăn của thị trường một mặt khiến nhiều doanh nghiệp phải lao đao. Các dự án thiếu vốn ngưng trệ lại tạo điều kiện chi các dự án khác.
Thị trường thực sự khó khăn, nhưng vẫn còn có rất nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư. Ông Richard ví von “có rất nhiều đá, nhưng trong đá vẫn có ngọc” để nói về thị trường bất động sản của Việt Nam trong tương lai.
Bên cạnh những khó khăn do chính sách thắt chặt tiền tệ, thị trường vẫn được hỗ trợ mạnh mẽ từ việc đầu tư cơ sở hạ tầng của Chính phủ. Đây được xem là yếu tố hỗ trợ tốt nhất cho thị trường bất động sản trong thời gian tới như việc hoàn thành QL32 đoạn Diễn – Nhổn vào tháng 8 năm 2011, hoàn thành GPMB giai đoạn 1 đoạn Cầu Chui – Cầu Đuống, khánh thành nhà ga mới sân bay Nội Bài trong quý 3/2011, xây dựng đường nối cầu Nhật Tân – Nội Bài,…Ngoài ra, còn một số yếu tố khác như tỉ giá tiền Đồng ổn định đến hết năm, lãi suất dự kiến giảm vào quý 4 năm 2011 và lạm phát cũng dự kiến giảm vào quý 4 năm 2011.
Cũng trong buổi hội thảo, ông William Young, Giám đốc Dự án
cấp cao MIPIM ASIA cho biết, hiện nay
các nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm đến thị trường BĐS Việt Nam. Các nhà
đầu tư nước ngoài đang có xu hướng di chuyển dòng tiền ra ngoài lãnh thổ của
mình, và trong đó Việt Nam
là một trong những mối quan tâm hàng đầu của họ. Chính vì vậy, MIPIM ASIA 2011
chúng tôi đặc biện chú trọng đến công tác tại Việt Nam. Năm nay chúng tôi không những
giới thiệu tại TP.HCM mà còn tổ chức giới thiệu đến các doanh nghiệp lớn tại Hà
Nội, và cũng đón nhận được rất nhiều những tên tuổi lớn như Vincom, Vinaconex,
CEO Group, Viglacera Land, Vihajico,…
Thị trường BĐS tại Việt Nam còn đang khó khăn, nhưng đó cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam thu hút vốn đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài. Khi xem xét đến khía cạnh ngân hàng, tín dụng,…tôi cho rằng trong vòng 3 năm đến 5 năm tới đây, tính thanh khoản của thị trường BĐS tại Việt Nam sẽ cải thiện đáng kể.
Đánh giá tương lai của bất động sản Việt Nam, nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng vẫn có rất nhiều cơ hội cho các nhà phát triển dự án. Tuy nhiên, thị trường cũng ngày càng cạnh tranh khốc liệt hơn, ngay cả những phân khúc bất động sản tốt cũng phải điều chỉnh lại những con số quan trọng của mình như giá vốn, lợi nhuận, giá thuê, tỷ lệ thuê/bán,…Thị trường sẽ dần thanh lọc những nhà đầu cơ ngắn hạn và tương lai cuộc chơi trên thị trường bất động sản chỉ dành cho những “đại gia” thực thụ.
Ông Richard Reech ví von thị trường thời gian tới bằng câu: “không bao giờ có cầu vồng mà trước đó lại không có mưa giông”, hiện chúng ta đang ở trong giai đoạn mây đen kéo đến, nhưng hi vọng thị trường sẽ trở lại thời hoàng kim trong thời gian ngắn”.