Sự phục hồi của thị trường BĐS còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đứng trên góc độ vĩ mô, Giáo sư - TSKH Nguyễn Mại cho rằng, điều này phụ thuộc rất nhiều vào sự phục hồi của kinh tế vĩ mô. Điều đáng mừng là diễn biến kinh tế Việt Nam gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn.
Đầu tiên là lạm phát đã giảm, kèm theo là lãi suất giảm mạnh, trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu tăng, đầu tư nước ngoài khả quan. Tính từ đầu năm đến 20/5/2013, vốn FDI đăng ký đạt 8,517 tỷ USD, tăng 8,9%, vốn FDI thực hiện ước đạt 4,6 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2012. Đặc biệt, niềm tin của giới đầu tư vào Việt Nam đang tăng mạnh, tính đến ngày 30/4/2013, đã có 16.328 nhà đầu tư nước ngoài được cấp tài khoản giao dịch chứng khoán tại Việt Nam so với 16.000 tài khoản của cả năm 2012; lượng mua ròng tổng cộng là 253 triệu USD, mức cao nhất kể từ năm 2008, đây là dấu hiệu của giới đầu tư tin rằng lợi nhuận của doanh nghiệp Việt sẽ lần đầu tiên tăng lên kể từ năm 2010.
Xét riêng thị trường BĐS, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: “Thị trường BĐS muốn phục hồi thì trước mắt phải giải quyết được sự mất cân đối cung - cầu và vấn đề nợ xấu trong bất động sản”.
Đứng trên quan điểm doanh nghiệp, ông Chris Brown, Tổng giám đốc Công ty Cushman & Wakefield, khó khăn kéo dài của thị trường BĐS đã khiến nhiều chủ đầu tư không thể tiếp tục các dự án dang dở. Lúc này cũng chính là cơ hội vàng cho các chủ đầu tư có tiềm lực mạnh và tầm nhìn dài hạn tại Việt Nam mua lại các dự án phát mãi.
“Hiện tại, những quốc gia thuộc châu Á đã từng đầu tư vào thị trường Việt Nam quan tâm nhất tới những tài sản thanh lý của Việt Nam, bao gồm: Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc... Họ vẫn đang phát triển dự án của mình tại Việt Nam theo chiến lược dài hạn”.
Nhưng dù vậy, ông Chris Brown cũng cho rằng cần có sự điều chỉnh kịp thời về giá đất và giải quyết triệt để vấn đề nợ xấu để thúc đẩy sự phục hồi của thị trường.