- Thưa bà, việc triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã có tác động thế nào đến thị trường nhà ở? Hiện đang có ý kiến cho rằng, lãi suất hỗ trợ chỉ nên ở mức 3% thay vì 6% như NHNN xây dựng. Theo quan điểm của bà, con số 6% có đủ thu hút người mua bỏ tiền mua?
Theo tôi, tất cả các hoạt động nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển theo chiều hướng tích cực đều rất đáng được khuyến khích, và gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ mới đây của NHNN cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, để triển khai cũng như biết chính xác ảnh hưởng của gói hỗ trợ này, vẫn cần phải chờ tới một độ trễ nhất định vì chúng ta cũng cần phải mất một thời gian để gói tín dụng này có thể đến tận tay người tiêu dùng, có thể từ 9, 10 hay đến 12 tháng. Thêm nữa, lãi suất 6% của NHNN chủ yếu được áp dụng phần nhiều dành cho người thu nhập thấp, còn đối với người mua nhà ở thương mại thì vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn một cách hiệu quả.
- Ở vị trí trung gian kết nối bên bán, bên mua, xin bà có thể cho biết tâm lý của người mua bất động sản hiện nay đang diễn biến như thế nào? Và ở chiều ngược lại, tâm lý của chủ đầu tư dự án bất động sản ra sao? Theo bà, phải làm gì để kéo người bán và người mua lại gần nhau và khiến cho thị trường có sức mua trở lại?
Đứng về phía người mua tại thời điểm hiện tại, có thể thấy niềm tin của khách hàng đang bị ”lung lay” rất rõ, thị trường lên xuống thất thường khiến cho khách hàng băn khoăn khi quyết định mua nhà vào thời điểm này. Ngoài ra, còn thêm một số tác động khác như chất lượng, tiến độ của sản phẩm, năng lực tài chính của chủ đầu tư, các vấn đề pháp lý… Còn về phía chủ đầu tư, họ cũng đang chịu rất nhiều sức ép về giá cũng như thanh khoản của sản phẩm.
Theo tôi, để kéo cung và cầu gần nhau hơn khiến thị trường có sức mua trở lại, cần có sự tương trợ của rất nhiều các yếu tố, bao gồm chính sách của chính phủ (nhằm hỗ trợ các thủ tục pháp lý), hỗ trợ lãi suất từ phía ngân hàng đối với những người mua có nhu cầu thiết thực, nỗ lực của chủ đầu tư (về chất lượng, tiến độ của dự án, giảm thiểu những chi phí không cần thiết) để kéo giá phù hợp với sức mua.
Thêm vào đó, vai trò của các nhà trung gian như Savills trong việc phân tích sản phẩm, giải thích rõ tính năng, chất lượng, các điều khoản thanh toán cũng là một yếu tố giúp cả hai bên cung và cầu có thể tiến đến gần nhau hơn.
- Chưa lúc nào, bán bất động sản lại khó như giai đoạn hiện nay, theo bà, các chủ đầu tư đã phải thay đổi chiêu thức kinh doanh như thế nào?
Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang vô cùng cạnh tranh như hiện nay, việc thay đổi các phương thức kinh doanh nhằm tiếp cận khách hàng hiệu quả là một việc không thể không làm. Ngoài các phương thức “cơ bản” không thể thiếu như nghiên cứu kỹ mục tiêu khách hàng, phân tích dự án sao cho sản phẩm có mức độ khả thi cao nhất trước khi triển khai, các chủ đầu tư cũng cần phải “sáng tạo” ra các sản phẩm phù hợp, tiết kiệm chi phí xây dựng như sử dụng công nghệ mới, vật liệu xây dựng hiện đại, cách thức quản trị tốt và quan tâm đến dịch vụ hậu mãi lâu dài để đưa giá hợp lý và cung cấp lợi ích tối ưu cho khách hàng. Bên cạnh đó, cần tạo dựng lại niềm tin cho người mua, nâng cao uy tín bằng việc công khai nguồn lực tài chính, cam kết tiến độ và chất lượng công trình bằng các văn bản minh chứng cụ thể.
- Ở lĩnh vực tư vấn bất động sản, dường như cũng đang có sự cạnh tranh quyết liệt giữa các công ty trong và ngoài nước. Bà có thể phác họa về thị trường này? Liệu các công ty có phải thay đổi phương thức kinh doanh?
Theo tôi, cạnh tranh trên thị trường bất động sản là một việc hết sức bình thường và tại thời điểm nào cũng có. Cạnh tranh càng lớn thì các chất lượng dịch vụ càng cần phải được đẩy mạnh nhằm đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của khách hàng. Để tồn tại, không chỉ các công ty trong nước mà cả các công ty nước ngoài cũng phải có những chiến lược phát triển riêng, những phương thức kinh doanh mới để thu hút khách hàng. Mỗi đơn vị đều có một thế mạnh riêng và Savills cũng không phải là ngoại lệ. Tiêu chí của chúng tôi đặt ra là làm sao có thể tư vấn và định hướng cho chủ đầu tư cách tiếp cận khách hàng với một tầm nhìn dài hạn mang tính ổn định và bền vững nhất.
- Việc Savills triển khai sang cả phân khúc bán hàng cho các dự án nhà ở xã hội có phản ánh sự cạnh tranh quyết liệt trên?
Từ trước đến nay, Savills luôn tập trung vào tất cả phân khúc nhà ở, các dự án có tính khả thi cao mang tầm nhìn phát triển dài hạn và bền vững nhằm đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của khách hàng. Do tình hình thị trường bất động sản hiện tại đã có chút thay đổi về việc tăng nhu cầu đối với các sản phẩm phân khúc hạng B và C, chính vì thế Savills đã cố gắng đa dạng hóa các loại sản phẩm, nhằm đáp ứng một cách đầy đủ nhất các yêu cầu của khách hàng. Trong thời gian tới đây, chúng tôi sẽ không chỉ tập trung vào phân khúc trung và cao cấp, mà sẽ mở rộng ra các phân khúc khác theo thị hiếu của thị trường. Tuy nhiên, yếu tố chủ chốt khi quyết định lựa chọn sản phẩm vẫn phải là chất lượng của dự án.
- Xin bà bình luận về triển vọng bán căn hộ từ nay đến cuối năm? Theo bà, còn cần những giải pháp gì nữa từ cơ chế chính sách, từ chủ đầu tư để giúp thị trường hồi phục?
Hy vọng với những hỗ trợ tích cực từ nhiều phía, từ giờ đến cuối năm thị trường sẽ có những đợt sóng nhỏ, sẽ dần ấm trở lại. Thị trường mới đã và đang trên con đường hình thành, tuy chưa được rõ nét, nhưng cũng đã xuất hiện những “lối đi” khác hoàn toàn. Savills đã có cơ hội nhìn thấy rõ ràng những dự án với các diện tích phù hợp, giá bán phù hợp và được chào bán một cách chuyên nghiệp thành công trên thị trường trong thời điểm hiện tại. Chính vì thế, xét ở một góc độ nào đó, thị trường đã và đang tìm những lối đi phát triển riêng của mình, vấn đề bây giờ là cần thêm thời gian cũng như những hỗ trợ về nền kinh tế vĩ mô và đường lối kinh doanh của từng doanh nghiệp, cá nhân trên thị trường.
- Xin cảm ơn bà!