Ảnh minh hoạ
Việt Nam là đích nhắm của những tập đoàn công nghệ hàng đầu
Trong hơn một năm qua, FDI tại khu vực châu Á Thái Bình Dương đã ghi nhận xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng một cách rõ nét của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, kéo theo nhu cầu lớn cho lĩnh vực bất động sản công nghiệp, thương mại đến từ các khách hàng này.
Báo cáo Đầu tư Thế giới 2022 của United Nations Conference on Trade and Development (UNCTAD) cho thấy tại châu Á, nơi nhận 40% vốn FDI toàn cầu, đã chứng kiến dòng chảy tăng trong năm thứ ba liên tiếp vào năm 2021 lên mức cao nhất từ trước tới nay là 619 tỉ USD. FDI vào Trung Quốc tăng 21% và ở Đông Nam Á tăng 44%.
Ông Christopher J Marriott, Tổng giám đốc Savills Đông Nam Á, cho biết trong những năm gần đây các khoản tư vào khu vực Châu Á Thái Bình Dương có xu hướng chuyển dịch vào lĩnh vực sản xuất, chuỗi cung ứng và trung tâm dữ liệu.
“Với sự phát triển của thương mại điện tử, mở rộng và đa dạng hoá chuỗi cung ứng, chúng tôi nhận thấy sự phát triển trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh ở Đông Nam Á. Các Quỹ đầu tư đang tập trung vào thị trường có sự phát triển của sản xuất và logistic. Thêm vào đó, sự phát triển công nghệ nói chung và thương mại điện tử nói riêng đã thúc đẩy nhu cầu về trung tâm dữ liệu để xử lý lưu lượng truy cập”, Tổng giám đốc Savills Đông Nam Á phân tích.
Chia sẻ bên lề Hội nghị Savills Cross-Border Tenant Advisory APAC 2022 tại TP.HCM đầu tháng 8 vừa qua, ông Dominic Harding, Phó chủ tịch kiêm Trưởng bộ phận Khách thuê xuyên biên giới Savills Mỹ, cho biết khi các công ty công nghệ của Mỹ mở rộng sang ra các thị trường nước ngoài, họ nhận thấy sự gia tăng của tầng lớp trung lưu trên khắp Đông Nam Á. Đây chính là thị trường mà họ muốn đầu tư và mở rộng doanh nghiệp để phát triển.
“So với Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam là thị trường hấp dẫn để đầu tư với rủi ro tương đối thấp. Điều này tạo động lực thúc đẩy dòng vốn của nhiều công ty công nghệ và doanh nghiệp khác ở Mỹ đầu tư vào Việt Nam”, ông Dominic Harding nói thêm.
Vị chuyên gia dẫn chứng các doanh nghiệp Mỹ đã đến Việt Nam và đưa ra những đánh giá về thị trường này. Họ coi đây là một nơi hấp dẫn để kinh doanh với đội ngũ người lao động chất lượng, phân phối tốt và sức cầu của thị trường cao.
Với các doanh nghiệp này, đây là thị trường với sức tăng trưởng mạnh mẽ, phù hợp để kinh doanh tiếp tục đầu tư trong thời gian dài.
Thị trường hấp dẫn hàng đầu khu vực
Theo ông Christopher J Marriott, một trong những lợi thế lớn mà Việt Nam có được ở thời điểm hiện tại là năng lực sản xuất nhóm ngành công nghệ cao.
Hiện nay, chi phí sản xuất và logistic phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa tại Việt Nam đang ở mức rất hấp dẫn. Nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp và xuất khẩu hàng hoá đang bắt đầu cải thiện nhờ mạng lưới logistic nên các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.
“Khi so sánh với các thị trường khác trong khu vực, có thể thấy chi phí đầu tư tại Việt Nam rất phù hợp. Chi phí tại các thị trường như Singapore, Trung Quốc hiện nay đều đã tăng cao. Do đó, chi phí cho hoạt động kinh doanh cũng tăng cao, hoạt động xuất nhập khẩu trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, các doanh nghiệp đang tìm đến những thị trường thay thế và Việt Nam đang làm rất tốt trong việc đón đầu các xu hướng đó, đặc biệt sau đại dịch”, vị này nói thêm.
Ở góc độ vĩ mô, Tổng giám đốc Savills Đông Nam Á cho rằng sự mở rộng chuỗi cung ứng và sản xuất đang được thúc đẩy bởi chính sách Trung Quốc + 1 với các công ty Trung Quốc có nhu cầu mở rộng sang thị trường nước ngoài và nhu cầu từ các công ty đa quốc gia mở rộng chuỗi cung ứng tại Đông Nam Á. Việt Nam có thể được hưởng lợi từ các điều này.
Bên cạnh đó, Việt Nam được đánh giá là một nơi có thái độ làm việc tốt, lực lượng lao động có trình độ cao. Trong đó, TP.HCM và Hà Nội là hai thành phố lớn sản xuất các mặt hàng cao cấp về công nghệ và điện tử trên thị trường.
Đây sẽ là nền tảng cho các ngành công nghiệp cơ bản và ngành công nghiệp cấp cao trong lĩnh vực công nghệ và điện tử. Nó sẽ thu hút các nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực logistic từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất và phát triển nền kinh tế.
Có thể thấy các doanh nghiệp thường sẵn sàng chi trả cho lực lượng lao động có thể giúp họ tăng doanh thu. Trong tương lai, chuyên gia Savills đánh giá thị trường sẽ đón nhận nhiều hơn các dự án nhà ở, văn phòng và trung tâm bán lẻ.
-
Bùng nổ FDI vào khu vực ASEAN: Việt Nam là một câu chuyện thành công điển hình
Trong báo cáo thường kì ASEAN NEXT vừa phát hành, Ngân hàng HSBC đã có phần đánh giá chi tiết về sự bùng nổ FDI vào khu vực ASEAN, với Việt Nam là một câu chuyện thành công điển hình.
-
Doanh thu đạt hơn 11 tỷ USD, thị trường bất động sản TP.HCM đã vui trở lại?
Cục Thống kê TP.HCM nhận định, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu hồi phục khi các chính sách hỗ trợ của Nhà nước phát huy hiệu quả, lãi suất huy động và cho vay sản xuất kinh doanh giảm giúp tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồ...
-
Hơn 6,3 tỷ USD vốn ngoại vào bất động sản
Trong năm 2024, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 6,31 tỷ USD, chiếm 16,5% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 18,8% so với năm 2023.
-
“Thủ phủ” công nghiệp phía Bắc phấn đấu thu hút 100 dự án FDI trong năm 2025
Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bắc Ninh vừa tổ chức tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.