Một góc thủ đô Tokyo, Nhật Bản. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Trào lưu mua sắm bất động sản tại Nhật Bản chủ yếu xuất phát từ tính toán giá trị thực của bất động sản giảm do đồng yen mất giá. Các tour mua sắm bất động sản tại Nhật Bản dành cho các nhà đầu tư cá nhân thậm chí còn nở rộ tại Đài Loan, Hongkong.
Xu hướng này đã giúp bất động sản thương mại tại Nhật Bản năm 2014 đứng giá, sau bảy năm liên tục lao dốc.
Theo thống kê của các trung tâm môi giới địa ốc, các khách hàng cá nhân đến từ Đài Loan, Hongkong thường mua các căn nhà nhỏ, giá trị vừa phải với mục đích cho thuê mở cửa hàng kinh doanh.
Đây được coi là khoản đầu tư an toàn, vừa có thu nhập từ hoạt động cho thuê, vừa kỳ vọng giá bất động sản sẽ tăng trở lại khi đồng yen tăng giá hoặc khi nền kinh tế Nhật Bản hồi phục.
Đồng yen mất giá khiến nhiều bất động sản tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản chỉ tương đương 50% một bất động sản được đánh giá tương đương tại Đài Bắc, Đài Loan.
Trong khi đó, các tập đoàn, các quỹ đầu tư cũng liên tiếp thực hiện các hợp đồng giao dịch quy mô lớn. Ngày 2/3, một quỹ đầu tư có trụ sở tại Hongkong vừa tuyên bố đã hoàn tất thỏa thuận mua một tòa nhà tại thành phố cảng Osaka của Nhật Bản với số tiền 10 tỷ yen.
Vào tháng 10/2014, quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore đã xuống tiền cho tòa nhà văn phòng có vị trí đắc địa ở gần Nhà ga trung tâm Tokyo với số tiền lên tơi 170 tỷ yen. Trong tháng 1/2015, một khách sạn khá lớn tại quận Meguro của Nhật Bản cũng đã được một quỹ đầu tư nước ngoài mua lại với số tiền được giữ kín.
Đồng yen rẻ, nên tính trên cơ sở giá trị của đồng USD, giá bất động sản tại Nhật Bản đang rẻ hơn khoảng 10% so với các đô thị lớn khác trên thế giới. Theo công ty môi giới, dịch vụ bất động sản Johns Langrasal, bình quân giá thuê một mét vuông văn phòng tại Tokyo trong năm 2014 là 94 USD/năm, rẻ hơn rất nhiều so với giá bình quân 179 USD của London, 166 USD của Hongkong và thậm chí rẻ hơn mức 95 USD của Singapore.
Tuy nhiên, cùng với dòng tiền đổ vào, thị trường bất động sản Nhật Bản bắt đầu "ấm" lên. Giá thuê cửa hàng tại các khu phố thương mại hàng đầu ở các thành phố lớn như Tokyo, Osaka... đang tăng lên.
Theo thống kê, giá thuê cửa hàng tại các khu phố thương mại ở Tokyo và 7 tỉnh lân cận tăng thêm 2%. Không chỉ các bất động sản dành cho thương mại, các bất động sản dành cho sinh hoạt có môi trường thuận lợi, cảnh quan đẹp cũng đang bị các nhà đầu tư nước ngoài “nhòm ngó” và đẩy giá.
Giới chuyên gia bất động sản cho rằng dòng tiền đầu tư nước ngoài đổ vào thị trường bất động sản Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng trước Thế vận hội Olympic Tokyo 2020.
Thị trường bất động sản Nhật Bản, đặc biệt là Tokyo, sẽ đón những cơn sóng mới. Tuy nhiên, đây cũng chính là nhân tố nguy hiểm cho thị trường bất động sản Nhật Bản vì dòng tiền đầu tư nước ngoài dễ đến và rút đi cũng rất nhanh, để lại những khoảng trống khó lấp đầy./.
-
Nửa cuối năm 2024 là cơ hội để thu mua bất động sản
Theo khảo sát của CBRE, đầu tư bất động sản thương mại tại châu Á - Thái Bình Dương (APAC) có thể phục hồi vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau, tạo cơ hội lớn cho các nhà đầu tư.
-
Nhà đầu tư châu Á tăng cường vốn vào bất động sản trong trung hạn
Bất động sản, một danh mục phụ lớn thuộc tài sản tư nhân, đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư châu Á, với 64% kỳ vọng sẽ tăng lượng nắm giữ trong trung hạn.
-
Sóng đầu tư Trung Quốc thoái trào, để lại 500 “tòa nhà ma” ở Campuchia
Các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc rút đi đã khiến Sihanoukville, điểm nghỉ dưỡng ven biển nổi tiếng của Campuchia, phải đối mặt với hàng trăm dự án còn dang dở.