Số lượng căn hộ tồn đọng trên thị trường hiện nay xấp xỉ 60.000 căn. Có nghĩa là hàng tỷ USD nằm chết cùng BĐS. Sắp tới đây, hàng loạt dự án BĐS sẽ bị thanh tra "sờ gáy".

Đó là tín hiệu tối màu đối với thị trường BĐS. Nếu vẫn tiếp tục làm ăn kiểu "chụp giật", doanh nghiệp sẽ đổ sập hoàn toàn.

Hàng loạt dự án chung cư chạy đua hạ giá. Ảnh minh hoạ

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, những cơn sốt giá và lợi nhuận trong kinh doanh đã tạo nên làn sóng doanh nghiệp điện lực, dầu khí, bảo hiểm, ngân hàng ồ ạt đầu tư BĐS. Lãnh đạo Bộ Xây dựng chia sẻ, cách đây 3 năm, bản thân ông đã nhiều lần lên tiếng nhắc nhở về sự bất hợp lý trong cơ cấu BĐS. Các chủ đầu tư chạy đua đầu tư căn hộ cao cấp và đến nay đã phải "lĩnh đủ" khi phân khúc này rơi vào trạng thái bão hòa.

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam đánh giá, trước mắt, thị trường vẫn gặp nhiều khó khăn, chưa thể sôi động ngay. Tuy nhiên, việc Nhà nước có sự điều chỉnh chính sách tín dụng linh hoạt, lãi suất ngân hàng tiếp tục giảm thêm, thậm chí có trường hợp được vay với mức 12-13% sẽ giúp cải thiện tình hình, tạo đà phát triển cho những năm sau. "Thị trường BĐS sẽ ấm dần hơn cùng với phục hồi kinh tế, nhưng sẽ là ấm và ph?c hồi từ từ", ông Nam nói.

TS. Vũ Đình Ánh, thành viên tổ chuyên gia Ban chỉ đạo Trung ương về nhà ở và thị trường BĐS cảnh báo, con số dư nợ BĐS dù hiện nay vẫn còn nhiều thông tin khác nhau, song con số 348 nghìn tỷ đồng theo thống kê của Ủy ban Giám sát Tài chính là tương đối chính xác, vì nó bao gồm cả cho vay BĐS và xây dựng. Nếu so với giá trị của GDP cả nước hiện nay thì đó là một con số "không hề nhỏ".

Theo ông Nguyễn Văn Đực, sự khó khăn như hiện nay như một cơn đại hồng thuỷ đang dần huỷ diệt các doanh nghiệp BĐS. Kể cả những doanh nghiệp cực lớn, vốn cực nhiều thì cũng sẽ bị cơn sóng này đánh gục nếu như chọn phân khúc thị trường không hợp lý. "Có thể công ty đó có vốn lớn nhưng cứ thử đặt họ ngồi trên đống hàng hoá ế ẩm một vài năm xem có thể chống chọi được hay không", ông Đực nhấn mạnh.

Hiện nay các doanh nghiệp đang thi nhau bán giảm giá, thậm chí giảm gần gấp đôi vẫn không cứu vãn được thị trường BĐS chứ nói gì đến giảm thuế. Mấy năm trước, thị trường Hà Nội không có khu chung cư nào dưới 20 triệu đồng/m2 thì nay có chỗ bán 12-13 triệu đồng/m2. Hay ở trong TP.HCM, trước đây chung cư không có giá dưới 15 triệu đồng/m2 thì nay đã xuất hiện chung cư 11 triệu đồng/m2, thậm chí là thấp hơn.

Lấy ví dụ như vậy để cho thấy, hiện nay thị trường BĐS đang hết sức khó khăn và rất khó tháo gỡ. Họ thậm chí chịu lỗ để bán được hàng hoá lấy tiền tiếp tục đầu tư sang phân khúc khác.

Theo Văn Anh (Người đưa tin)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.