21/08/2017 4:23 PM
Nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục phát tín hiệu cho thấy tốc độ tăng trưởng chậm lại, khi chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất, hoạt động đầu tư và tiêu dùng đều trì trệ.
Thực tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến guồng quay kinh tế Trung Quốc giảm tốc, tuy nhiên, một trong những yếu tố quan trọng nhất chính là xu hướng lao dốc của thị trường bất động sản.
Theo UBS Group AG, kể từ năm 2011, bất động sản là lĩnh vực quan trọng bậc nhất đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Thị trường bất động sản Đại lục tạo hàng trăm việc làm, thúc đẩy nhu cầu đối với nguyên vật liệu xây dựng như thép, xi măng, kính và là nền tảng của hoạt động tiêu thụ mọi thứ, từ phụ tùng, nội thất cho tới xe hơi. Chính bởi vậy, một khi Trung Quốc tìm cách kìm cương đà tăng giá của bất động sản, hệ quả là đã kích hoạt quá trình giảm tốc của bán hàng và đầu tư, phát triển.
“Đỉnh cao của chu kỳ tăng trưởng đã ở lại phía sau”, Yao Wei, nhà kinh tế trưởng tại Societe Generale SA (Pháp) nhận định và cho rằng, việc tăng trưởng doanh số bán nhà đi xuống là yếu tố dẫn tới nền kinh tế Đại lục giảm tốc.
Trong tháng 7, giá trị nhà mới bán ra tăng 4,3% so với cùng thời gian năm ngoái, mức tăng thấp nhấp kể từ tháng 3/2015, theo số liệu của Bloomberg dựa trên các thông tin được công bố bởi Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc.
Biến động của hoạt động kinh doanh luôn ảnh hưởng tới sự tự tin của nhà phát triển bất động sản và dẫn tới những thay đổi trong đầu tư. Tăng trưởng đầu tư, vốn là yếu tố cơ bản đối với nhu cầu vật liệu xây dựng, giảm 7,9% trong tháng 7. Trong bối cảnh giá cả hàng hóa tại Trung Quốc nhích nhẹ nhờ giảm năng suất sản xuất công nghiệp, diễn biến này từ thị trường bất động sản có thể xói mòn đà tăng của giá hàng hóa.
Bên cạnh đó, hoạt động xây dựng cũng trong tình trạng chậm chạp. Diện tích đất trống để bắt đầu xây nhà mới giảm 4,9% trong tháng 7 so với cùng thời gian năm ngoái, giảm so với mức tăng 14% tháng trước đó. Dù hoạt động xây dựng có thể bị ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết, tuy nhiên, việc xu hướng này chưa có dấu hiệu dừng lại cũng tạo nên nỗi bất an với giới đầu tư, đồng thời ảnh hưởng tới thị trường vật liệu xây dựng và việc làm.
Thực tế, thị trường bất động sản Trung Quốc mất động lực cùng với thời điểm các trụ cột kinh tế khác có diễn biến không lấy làm tích cực. Hoạt động đầu tư đối với cơ sở hạ tầng, bao gồm đường, cầu, các dự án nước và công trình công cộng đều đi xuống. Mức đầu tư dành cho sản xuất công nghiệp cũng giảm 4,8% trong 7 tháng năm 2017.
Bối cảnh này khiến giới chức Trung Quốc gặp thêm nhiều khó khăn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm với biện pháp đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, bởi chính quyền Đại lục đang “chùn bước” trước núi nợ khổng lồ tại các thị trường tài chính.
Hiện tại, theo các chuyên gia kinh tế, người tiêu dùng chính là chiếc chìa khóa tạo nền sự ổn định của nền kinh tế Trung Quốc, tuy nhiên, đây cũng là đối tượng bị ảnh hưởng bởi sự ảm đạm của thị trường bất động sản.
Người sở hữu nhà tại các đô thị chịu thiệt thòi khi giá nhà chững lại hoặc giảm xuống. Đồng thời, thị trường nhà ở cũng có mối liên hệ trực tiếp tới doanh số bán lẻ. Cụ thể, hoạt động bán hàng nội thất, phụ kiện, đồ điện tử, thiết kế… đều giảm trong tháng 6.
Lam Phong (Đầu tư BĐS)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.