09/04/2012 4:15 PM
Nhiều người nghĩ sau khi lãi suất điều hành và lãi suất tiền gửi tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng chính thức giảm 1%, thị trường bất động sản có chút hy vọng nhen nhóm. Song điều đó đã không xảy ra.

Kết quả khảo sát thị trường bất động sản trong quý I tại Hà Nội vừa được các công ty quản lý công bố cho thấy, các dòng sản phẩm trên thị trường tiếp tục đà sụt giảm, tuy nhiên, giá một vài phân khúc vẫn ở mức cao. Savills Việt Nam cho biết, từ đầu năm đến nay, giá biệt thự và nhà liền kề có xu hướng giảm, nhưng vẫn ở mức cao, hơn 120 triệu đồng/m2. Khu vực có giá biệt thự chào bán cao nhất ở mức hơn 120 triệu đồng/m2 là Cầu Giấy, Tây Hồ và Từ Liêm. Còn tại các huyện Mê Linh, Quốc Oai và Ðan Phượng, giá chào bán dưới 40 triệu đồng/m2.


Ðối với phân khúc căn hộ, giá chào bán sơ cấp dao động từ 19 đến 64 triệu đồng/m2. Tỷ lệ hấp thụ của toàn thị trường chỉ đạt 7%, giảm mạnh so với những tháng cuối năm 2011.


Ông Nguyễn Tiến Quốc, chuyên viên cấp cao về nghiên cứu thị trường và định giá của Công ty Colliers International Vietnam cho biết, thị trường căn hộ tiếp tục đà chững lại với số lượng căn hộ chào bán cũng như số lượng giao dịch thành công vẫn rất thấp, do người mua nhà vẫn trông chờ giá căn hộ sẽ giảm sâu hơn nữa. Phần lớn giao dịch trong ba tháng qua đều ở phân khúc trung cấp và bình dân với giá trị giao dịch dưới 2,5 tỷ đồng. Ðáng chú ý, giá bán ở cả ba phân khúc đều giảm trung bình 6% so với quý trước, đặc biệt ở phân khúc cao và trung cấp. Nhiều dự án như IPH hay Star City, giá giảm 11% so với cuối năm 2011. Nhiều dự án có giá bán giảm 30%.


Tổng hợp báo cáo từ các công ty cho thấy, vào quý III, sẽ có ba dự án, chuyển sang hợp đồng mua bán, cung cấp thêm cho thị trường 580 căn hộ. Tổng nguồn cung sơ cấp từ 34 dự án đang mở bán khoảng 9.800 căn. Nguồn cung thứ cấp sẽ đạt 56.000 căn hộ, tập trung tại Từ Liêm, Hà Ðông và Cầu Giấy. Tuy vậy, các chuyên gia nhận định, mức giá chào bán sắp tới vẫn cao so với mặt bằng thu nhập của người làm công ăn lương.


Mấy ngày qua, vài hội thảo được tổ chức để bàn tính gỡ khó cho thị trường bất động sản, đặc biệt là nguồn vốn. Thực chất, đó là gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản. Ngoài hội thảo, một số chuyên gia đăng đàn, như hùa theo các doanh nghiệp, đề xuất với cơ quan chức năng, cứu thị trường bất động sản. Cứu là đúng, gặp khó đương nhiên phải cứu, nhưng đã đến thời điểm chưa và cứu như thế nào, nên chăng cần suy xét kỹ. Bởi giá bất động sản hiện vẫn cao, và điều này do các chủ đầu tư không tiết kiệm được chi phí, nên đẩy giá thành sản phẩm lên cao buộc người mua gánh chịu. Bao giờ giá bất động sản về sát giá trị thực và chủ đầu tư đưa ra sản phẩm đúng với nhu cầu của phần lớn khách hàng cần thì mới bán được và người mua mới mua được. Có chuyên gia thẳng thắn cho rằng, nếu Nhà nước cứ phải có chính sách để cứu các đại gia bất động sản, thì đến bao giờ, người lao động mới mua nổi chốn an cư? Câu hỏi để các nhà quản lý suy ngẫm, trả lời.

Theo Nhân Dân
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.