04/12/2012 2:06 PM
Trước tình trạng đóng băng kéo dài, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (Horea) vừa đề xuất năm giải pháp chính để tháo gỡ khó khăn, khơi thông thị trường bất động sản.

Trong các giải pháp được đề xuất, có ba giải pháp đang được người có nhu cầu cải thiện chỗ ở rất quan tâm. Ðó là, hỗ trợ tín dụng cho người mua nhà với lãi suất khoảng 8%/năm trong thời hạn từ năm đến mười năm. Hoặc việc đề nghị Nhà nước có kế hoạch mua lại các dự án căn hộ có diện tích phù hợp để phục vụ chương trình tái định cư và làm quỹ nhà ở xã hội. Thứ hai, Bộ Xây dựng sớm ban hành mới bộ quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn thiết kế chung cư căn hộ vừa và nhỏ để các doanh nghiệp có cơ sở thực hiện. Ðồng thời, bãi bỏ quy định tỷ lệ căn hộ trong chung cư theo công thức 1 - 2 - 1 (25% căn hộ diện tích nhỏ, 50% căn hộ diện tích trung bình, 25% căn hộ diện tích lớn), mà để doanh nghiệp tự lựa chọn cho phù hợp với nhu cầu của thị trường và phù hợp với quy hoạch... Thứ ba, phát triển căn hộ cho thuê giá bình dân (khoảng hai triệu đồng/căn hộ/tháng) vào Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia để đáp ứng nhu cầu của người dân đô thị và góp phần làm thay đổi nhận thức, thói quen cũ.

Trong khi đó, những đề xuất liên quan đến vấn đề "cứu" thị trường bất động sản bằng hỗ trợ tín dụng, theo như thông tin từ một cuộc họp cách đây hơn một tháng của Bộ Xây dựng, thì con số dự kiến khoảng 100 nghìn tỷ đồng, lại không được các chuyên gia kinh tế, tài chính và bất động sản đồng tình.

Nhiều ý kiến cho rằng, muốn giải quyết vấn đề tồn kho bất động sản cần nhìn nhận đâu là "địa chỉ" thật sự giải quyết được. Và, "cứu" bất động sản lúc này cách duy nhất là bán được hàng. Vậy, rõ ràng, cần tập trung giúp các đối tượng có nhu cầu thật sự, chứ không thể bỏ tiền ra cứu giới đầu cơ, những người đã thao túng thị trường trong suốt những năm qua. Có nhiều giải pháp cần phối hợp đồng thời, trong đó có hai giải pháp quan trọng hơn cả cần làm. Thứ nhất, cho phép các chủ đầu tư chia nhỏ diện tích căn hộ. Thứ hai, điều hành lãi suất ngân hàng ổn định trong giai đoạn dài hạn tạo tâm lý tin tưởng cho người vay mua nhà ở (phần lớn những người mua nhà để ở đều không đủ tài chính, họ cần vay thêm nhưng lãi suất không ổn định nên họ không còn tâm lý mua vì họ không kiểm soát được việc trả nợ trong tương lai).

Còn việc chủ đầu tư chấp nhận lỗ hạ giá là điều đương nhiên, theo quy luật thị trường. Khi sản phẩm có giá thành quá cao, khiến người tiêu dùng không mua nổi, tất yếu phải hạ. "Thị trường bất động sản cũng giống như ngành, nghề kinh doanh khác, phải tuân theo quy luật cung cầu. Bất động sản tại thời điểm hiện tại do cung và cầu không gặp nhau. Giá nhà quá cao so với thu nhập của người dân. Vì vậy hãy để cho nó điều chỉnh theo quy luật của thị trường. Nếu cứ "ôm" thì phá sản. Thế nên, muốn tồn tại, các doanh nghiệp cần tiếp tục hạ giá thành, cùng với đó, Nhà nước có chính sách loại bỏ đầu cơ, làm minh bạch thị trường" - một chuyên gia thẳng thắn nói.

Song cũng không vì thế mà các chuyên gia tỏ ra bi quan cho tương lai của thị trường này. Nhiều ý kiến phân tích, nhu cầu về nhà ở vẫn rất lớn, nhưng vì giá quá đắt nên khó bán. Thực tế, thị trường bất động sản vẫn được đánh giá là tiềm năng, bởi các nhà đầu tư nước ngoài vẫn không ngừng rót vốn vào bất động sản tại Việt Nam. Tám tháng đầu năm 2012, kinh doanh bất động sản đứng ở vị trí thứ hai trong danh sách các lĩnh vực thu hút nhiều vốn FDI nhất, với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm 1,726 tỷ USD. Ngoài các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Ma-lai-xi-a, thì những doanh nghiệp Xin-ga-po cũng đầu tư khá nhiều tại Việt Nam. Với lĩnh vực bất động sản, chỉ riêng Công ty Keppel Land (Xin-ga-po) đã có 18 dự án được cấp phép với tổng vốn đầu tư hai tỷ USD.

Theo Nguyễn Vũ (Báo Nhân dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.