09/09/2023 12:03 PM
Hôm nay (9/9), Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023, thảo luận nhiều nội dung quan trọng, trong đó có các báo cáo giữa kỳ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, phiên họp hôm nay rất quan trọng. Bởi bên cạnh việc thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 9 và đến cuối năm 2023, Chính phủ còn đồng thời cho ý kiến về các tờ trình, báo cáo quan trọng trình Bộ Chính trị, Trung ương và Quốc hội.

Trong đó có các báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội, đầu tư công, ngân sách nhà nước năm 2023, kế hoạch năm 2024; các báo cáo giữa kỳ về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023 - Ảnh: VGP

Người đứng đầu Chính phủ đánh giá bối cảnh quốc tế, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp; khó khăn, thách thức tiếp tục nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, hậu quả của dịch Covid-19 còn kéo dài; cạnh tranh chiến lược gia tăng; xung đột tại Ukraine còn phức tạp.

Tình hình kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng tăng trưởng giảm, lạm phát có chững lại nhưng neo ở mức cao, phục hồi chậm, cả tổng cung và tổng cầu khó khăn. Nhiều thị trường lớn của Việt Nam đều gặp khó khăn về tăng trưởng.

Ở trong nước, nền kinh tế chịu “tác động kép” từ các yếu tố bất lợi bên ngoài (nhất là thị trường xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng, đầu tư, tiền tệ, tài chính…) và các hạn chế, tồn tại kéo dài nhiều năm bộc lộ rõ hơn trong khó khăn.

Trong khi đó, Việt Nam là nước đang phát triển, là nền kinh tế đang chuyển đổi, có độ mở cao, quy mô còn khiêm tốn, khả năng thích ứng, sức chống chịu có hạn, nên một biến động nhỏ bên ngoài có thể gây tác động, ảnh hưởng lớn đến bên trong.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng đánh giá kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi được kiểm soát tốt.

Nhìn chung 8 tháng, kết quả tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước; tạo đà đạt kết quả cao hơn trong những tháng cuối năm.

Tuy nhiên, còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, vướng mắc liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp; thị trường bất động sản có khởi sắc nhưng còn khó khăn; những vấn đề liên quan tới các dự án thua lỗ, các ngân hàng yếu kém; lĩnh vực da giày, dệt may đã có đơn hàng nhiều hơn nhưng tăng trưởng công nghiệp vẫn có khó khăn; tiếp cận tín dụng khó khăn, tăng trưởng tín dụng thấp...

Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận, phân tích kỹ, đánh giá khách quan, sát thực tiễn, phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan, bài học kinh nghiệm, nhận diện, dự báo bối cảnh, tình hình thời gian tới, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để chỉ đạo, điều hành tốt hơn trong tháng 9, những tháng còn lại của năm 2023 và thời gian tới, với tinh thần là kết qủa năm 2023 phải cao hơn năm 2022.

Chủ đề: Kinh tế Việt Nam
Phương Vy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.