Những yếu tố như áp lực về biến động giá nguyên vật liệu, rủi ro lạm phát, chủ trương kiểm soát tín dụng bất động sản và tồn kho thép tăng cao đã và đang tác động không nhỏ đến tình hình sản xuất và tiêu thụ của các doanh nghiệp ngành thép trong năm nay.
Hòa Phát gia tăng thị phần thép xây dựng
Hiện nay, đa phần các nhà máy sản xuất thép đều trong tình trạng khó khăn do hàng tồn kho cao. Mặc khác, mức độ cạnh tranh giữa các thương hiệu thép xây dựng ngày càng khốc liệt về giá bán và xâm lấn thị phần của nhau.
Cạnh tranh giữa các thương hiệu thép xây dựng ngày càng khốc liệt và xâm lấn thị phần của nhau
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản xuất thép thành phẩm của toàn ngành trong tháng 7.2022 đạt 2,25 triệu tấn, giảm 12,5% so với cùng kỳ 2021; tiêu thụ thép các loại đạt gần 2 triệu tấn, giảm 11,5% so với tháng trước và giảm 12,1 so với cùng kỳ.
Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 7, sản xuất thép thành phẩm đạt 18,8 triệu tấn, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài ra, tổng bán hàng các sản phẩm thép trong giai đoạn này đạt hơn 17,1 triệu tấn, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Phân chia theo từng nhóm sản phẩm, bán hàng thép xây dựng ghi nhận có sự tăng trưởng trong khi các mặt hàng khác như ống thép, tôn mạ, thép cán nguội đều đi xuống.
Hòa Phát tiếp tục gia tăng thị phần thép xây dựng trong năm 2022
Cụ thể, về tiêu thụ thép xây dựng, Hòa Phát tiếp tục khẳng định vị trí số 1 khi tăng thị phần từ 32,6% lên 36,2%. Các thương hiệu xếp ngay sau Hòa Phát lần lượt là VNSteel với tỷ trọng chiếm 11,3%; Formosa với 6,8%; Vina Kyoei xếp thứ 4 với 6,15% và Pomina đứng thứ 5 với 4,1% thị phần toàn ngành.
Trong khi sản lượng toàn ngành đi ngang thì trong năm 2022, Hòa Phát tiếp tục mở rộng sản xuất với dự án nhà máy thép Dung Quất 2. Dự án giai đoạn 2 có diện tích trên 280ha với công suất thiết kế gồm 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng HRC mỗi năm.
Cũng trong báo cáo sản xuất kinh doanh tháng 7.2022 của Hòa Phát, doanh nghiệp này cho biết sản lượng tiêu thụ các sản phẩm thép đạt 526.000 tấn, tương đương cùng kỳ 2021 nhưng đã suy giảm trong các tháng gần đây.
Cụ thể, bán hàng thép xây dựng đạt 372.000 tấn, cao hơn 2% so với cùng kỳ. Kênh xuất khẩu là động lực tăng trưởng chính với sản lượng tăng 81% so với cùng kỳ, ở mức 147.000 tấn, đóng góp chính vào đà tăng trưởng của mặt hàng này.
Hoa Sen giảm cả thị phần lẫn sản lượng tôn mạ
Tôn mạ là ngành có sản lượng sản xuất đứng thứ 2 sau thép xây dựng. Năm nay, thị trường ngành tôn mạ đang chứng kiến những thay đổi trong chiến lược kinh doanh của một số doanh nghiệp lớn.
Hoa Sen giảm cả thị phần lẫn sản lượng tôn mạ
Theo đó, Hoa Sen dù thị phần đã sụt giảm đáng kể nhưng vẫn duy trì được vị trí dẫn đầu với 29,5% trong nửa tháng đầu năm 2022.
Ngược lại, thị phần của Tôn Đông Á có sự cải thiện rõ rệt từ 14,3% trong năm 2021 lên 23%; Nam Kim cũng có sự tăng trưởng từ 17,4% lên 18% trong nửa đầu năm 2022. Các doanh nghiệp có tỷ trọng lớn trong ngành tôn mạ còn có lần lượt là TVP, Hòa Phát.
Theo VSA, Hoa Sen đã tiêu thụ 98.700 tấn tôn mạ trong tháng 6, giảm 36% so với cùng kỳ 2021. Tính chung nửa đầu năm 2022, tập đoàn của Chủ tịch Lê Phước Vũ đã bán ra gần 710.000 tấn tôn mạ, giảm 24% so với nửa đầu năm ngoái. Thị phần của “vua tôn mạ” theo đó đã giảm từ 35,9% trong cả năm ngoái xuống còn 29,5% ở thời điểm hiện tại.
Tôn mạ là ngành có sản lượng sản xuất đứng thứ 2 sau thép xây dựng
Với Tôn Đông Á, trong năm 2022, doanh nghiệp tiếp tục tập trung chiến lược cao cấp hóa sản phẩm với giá trị gia tăng cao trên mỗi sản phẩm, mở rộng hệ thống phân phối và triển khai đầu tư Nhà máy thứ 3 giai đoạn 1: 2022 – 2024 với sản lượng là 350.000 tấn/năm. Dự kiến, tổng công suất của cả 3 nhà máy là 1,2 triệu tấn/năm trong 2 năm tới.
Ngoài ra, doanh nghiệp này sẽ điều chỉnh tỷ trọng bán hàng kênh nội địa từ 50-60%, gia nhập vào thị trường tôn mạ chất lượng cao phục vụ cho các công trình xây dựng và tôn mạ chất lượng cao dùng trong sản xuất thiết bị gia dụng.
Ở thị trường ống thép, Hòa Phát và Hoa Sen tiếp tục chia nhau 2 vị trí đầu bảng với lần lượt chiếm 38,2% và 17,9% sau nửa đầu năm 2022. Tuy nhiên, Thép TVP và Minh Ngọc cũng đang tăng dần thị phần ở cả mảng tôn và ống thép trong giai đoạn này.
Tồn kho thép tăng cao
Theo thống kê, tổng lượng tồn kho của các doanh nghiệp thép trên sàn chứng khoán tại thời điểm 30.6 ước tính lên đến 110.000 tỉ đồng, tăng 20.000 tỉ so với cuối quý 1.2022. Đây là mức tồn kho kỷ lục của ngành thép từ trước tới nay.
Tồn kho của các doanh nghiệp thép trên sàn chứng khoán tại thời điểm 30.6 ở mức 110.000 tỉ đồng
Cụ thể, Hòa Phát đang nắm giữ tới gần 58.000 tỉ đồng hàng tồn kho, Nam Kim giữ 8.400 tỉ đồng, còn Hoa Sen đang nắm trong tay hơn 12.000 tỉ đồng hàng tồn kho. Tồn kho ngành thép tăng vọt trong bối cảnh giá thép liên tục giảm mạnh từ đầu tháng 5.
Mới đây, nhiều doanh nghiệp thông báo tiếp tục hạ giá sản phẩm từ ngày 15/8, tổng mức giảm khoảng 4-5 triệu đồng/tấn tùy từng thương hiệu và loại thép. Hiện giá mặt hàng này đã về mức thấp hơn thời điểm đầu năm nay.
Theo đó, thép Hòa Phát, Việt Ý, Việt Đức, Pomina... đồng loạt giảm giá trên toàn quốc đối với sản phẩm thép cuộn xây dựng và thép cây ở mức trung bình 300.000-400.000 đồng/tấn (chưa bao gồm thuế VAT). Thép miền Nam là thương hiệu có mức giảm mạnh nhất khi giảm 360.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240, xuống còn 15,12 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 giảm tới 510.000 đồng/tấn xuống còn 15,73 triệu đồng/tấn.
Giữa lúc nhu cầu yếu ớt, các doanh nghiệp thép sẽ bị mắc kẹt với đống hàng tồn kho giá cao và có thể sẽ phải bán với giá chiết khấu.
Lượng thép tồn kho nội địa đến hết tháng 7 đã đạt mức kỷ lục là 1,7 triệu tấn. Sang quý 3.2022, sản lượng tiêu thụ thép vẫn bị đánh giá ở mức thấp do đây là mùa mưa, mùa thấp điểm xây dựng dẫn tới nhu cầu về ngành thép không cao.
Lượng hàng tồn kho lớn trong bối cảnh giá thép liên tục giảm sẽ khiến giá vốn ở mức cao, qua đó ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành thép trong thời gian tới.
-
Thị trường thép xây dựng cạnh tranh khốc liệt về giá bán
Nhu cầu thép suy yếu đã tác động trực tiếp đến giá nguyên liệu đầu vào, kéo theo giá các mặt hàng thép xây dựng trong nước giảm liên tiếp trong thời gian qua.