24/01/2013 1:19 PM
Để cứu thị trường bất động sản, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) vừa trình Chính phủ đề xuất thành lập công ty tái cho vay thế chấp nhà ở quốc gia với kỳ vọng sẽ giải phóng tồn kho BĐS và đáp ứng nhu cầu mua nhà của người thu nhập thấp. Song, không ít ý kiến cho rằng, đây là ý tưởng tốt nhưng để hiện thực hóa nó không dễ.
Chỉ khi lấy lại được niềm tin người tiêu dùng,
thị trường bất động sản mới có thể ấm lên
Cơ hội cho người thu nhập thấp
Theo đề xuất vừa được Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) trình Chính phủ, cơ quan tái cho vay thế chấp nhà ở quốc gia dự kiến được thiết lập dưới hình thức công ty tài chính TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn hoặc nắm chi phối trên 75% vốn điều lệ.
BIDV cũng nhấn mạnh, mọi giải pháp cứu thị trường BĐS cần phải làm ngay chứ không chỉ nói rồi để đó. Do vậy, với đề xuất này, BIDV mong muốn Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét để sớm thành lập công ty tái cho vay thế chấp ngay trong quý II năm 2013 nhằm kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của nền kinh tế và thị trường BĐS, kích thích sản xuất lưu thông hàng hóa phục hồi nền kinh tế.
Nếu được thành lập, công ty có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng và trong 5 năm đầu hoạt động công ty sẽ huy động thêm khoảng 50.000 tỷ để tài trợ cho thị trường nhà ở thu nhập thấp từ các nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, nguồn vốn hỗ trợ phát triển ODA, các nguồn tiền gửi của các tổ chức trong nước và quốc tế và các nguồn vốn hỗ trợ đóng góp dài hạn khác.
Để tài trợ cho các khoản vay nhà ở thu nhập thấp, Công ty sẽ thực hiện theo 2 hình thức là tái cho vay thế chấp và mua lại các khoản nợ cho vay nhà ở thu nhập thấp từ các ngân hàng thương mại. Cụ thể, theo BIDV, Công ty tái cho vay thế chấp nhà ở quốc gia sẽ tiến hành cho vay gián tiếp thông qua ngân hàng thương mại tới các đối tượng thụ hưởng là: Đối tượng chính sách xã hội về nhà ở; Người và gia đình có công với cách mạng, có hoàn cảnh khó khăn; Các hộ nghèo khu vực nông thôn; Người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị; Cán bộ, công chức, viên chức…; Các đối tượng chính sách xã hội đặc biệt khó khăn; Những người có nhu cầu mua nhà ở thực sự do chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng diện tích nhà ở dưới 8m2/người. Thời hạn khoản vay có thể kéo dài từ 15 năm - 30 năm tùy từng điều kiện, trường hợp cụ thể và với mức lãi suất ưu đãi thấp hơn mức lãi suất thương mại trên thị trường.
Nếu đi vào hoạt động chính thức, công ty sẽ tập trung tài trợ cho thị trường nhà ở thu nhập thấp với lượng vốn khoảng 50.000 tỷ đồng trong 5 năm đầu hoạt động, tương ứng với khoảng 250.000 căn nhà hay 7,5 triệu m2 nhà ở thu nhập thấp.
Không đơn giản!
Giới chuyên gia trong ngành cho rằng, đây là một ý tưởng hay, vì nếu công ty tái thế chấp cho vay nhà ở quốc gia được thành lập và đi vào hoạt động, sẽ là cơ hội để thị trường BĐS được rót thêm nguồn vốn.
Tuy nhiên, theo TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, để thành lập được công ty này, không phải là chuyện đơn giản. Khoan hãy nói về tính rủi ro của việc cho vay thế chấp lần thứ hai nếu công ty này hoạt động, chỉ nói về việc áp dụng khoa học công nghệ vào việc xây dựng nên công ty này cũng là điều rất khó khăn. Theo TS Liêm, muốn xây dựng thành lập một công ty tái cho vay thế chấp nhà ở, đòi hỏi kiến thức về công nghệ tài chính vô cùng phức tạp, và không phải nước nào cũng có thể thực hiện được. "Muốn có được một công ty cho vay tái thế chấp hoạt động theo đúng tiêu chuẩn quốc tế, chúng ta cần phải mời chuyên gia của các tổ chức quốc tế như UNDP để đào tạo nâng cao nguồn nhân lực, và như vậy thì cần rất nhiều thời gian, không phải cứ muốn thành lập là có ngay được” – ông Liêm nhận định. Điều này cũng có nghĩa, xét về mặt thời gian, để có một công ty như ý tưởng của BIDV, cũng là một đoạn đường rất dài chứ không hề đơn giản.
Thời gian qua, nhiều giải pháp nhằm giải cứu thị trường BĐS đã được đưa ra, song giới chuyên gia cho rằng, điều quan trọng là phải kéo được giá BĐS về đúng giá trị thực cũng như minh bạch hóa mọi hoạt động của thị trường này, như vậy mới lấy lại được niềm tin của người tiêu dùng. Và chỉ khi tìm lại được niềm tin của người dân, mới mong thị trường BĐS có thể ấm lại.
Duy Phương (Đại đoàn kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.