Sông Đồng Nai, một trong những nguồn chảy quan trọng điều tiết nước từ thượng nguồn chạy qua các tỉnh, thành phố như: Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh… Thế nhưng, dòng chảy này đã và đang bị hàng loạt dự án (DA) thủy điện, tình trạng khai thác cát trái phép, lấn dòng… xâm hại nghiêm trọng. Mới đây, việc thi công DA Khu du lịch, dịch vụ cù lao Tân Vạn tại TP Biên Hòa (Đồng Nai) đang có dấu hiệu “lấn” dòng và vi phạm nghiêm trọng an toàn giao thông (ATGT) đường thủy trên sông Đồng Nai.

Đại công trường ven sông Đồng Nai

Nằm cách cầu Đồng Nai khoảng 500 m đường chim bay, DA Khu du lịch, dịch vụ cù lao Tân Vạn có diện tích hơn 47,4 ha do Công ty CP Đầu tư Tín Nghĩa - Á Châu làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư hơn 7.100 tỷ đồng, quy mô phục vụ 18.000 người. DA này được kết hợp từ bốn cù lao nằm dọc theo sông Đồng Nai và sát quốc lộ 1A, phía bắc giáp sông Đồng Nai, đối diện cù lao Phố; phía tây giáp rạch Ông Dầu; phía đông giáp sông Đồng Nai và phía nam giáp rạch Bà Lồ. Mục tiêu phát triển DA ban đầu là nhằm hình thành khu nhà ở cao cấp cho thuê, khu sân golf, dịch vụ giải trí, du lịch, khu dịch vụ văn phòng gắn với cảnh quan đặc thù sông nước với hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh.

Công trường thi công bờ kè phía nam Dự án Cù lao Tân Vạn.

Năm 2008, UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận cho chủ đầu tư thuê đất và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500. Theo dự kiến ban đầu, DA sẽ được khởi công từ những năm 2009, 2010 nhưng sau nhiều lần thay đổi đến ngày 3-11-2016, DA này mới chính thức được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt. Và biện pháp bảo đảm ATGT đường thủy cũng mới được Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Đồng Nai chấp thuận ngày 14-11-2016.

Thế nhưng, theo phản ánh của một số hộ dân tại khu phố Quyết Thắng, phường Bình Thắng, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương (phía nam DA), từ tháng 9-2016 chủ đầu tư đã tiến hành thi công với sà-lan neo đậu bơm cát và sà-lan đóng cọc làm kè ra giữa lòng sông quanh cù lao.

Theo ghi nhận của phóng viên Thời Nay, thời điểm này, cù lao Tân Vạn như một đại công trường thi công hệ thống kè dài khoảng 5 km chạy bao quanh dọc theo DA. Tại khu vực km 35+500 sông Đồng Nai, chủ đầu tư đã dùng bao cát kè được khoảng hơn một km chạy dọc mặt tiền sông và chỗ lấn ra sông hẹp nhất khoảng hơn 10 m, chỗ rộng nhất khoảng 20 m mặt sông đã được bơm đầy cát. Đến sáng 11-3, phía mặt tiền sông Đồng Nai vẫn được các đơn vị thi công tiếp tục dùng máy xúc, máy múc và sà-lan tiếp tục bơm cát, lấn sông.

Trong khi đó, tập trung ở bên mặt tiền rạch Bà Lồ với khoảng 1,5 km đã được kè thì các đơn vị thi công chia thành nhiều tốp công nhân với hàng loạt máy ủi, máy múc tiếp tục thực hiện việc dùng bao cát cạp bờ, lấn ra sông. Phía giáp với phường Tân Vạn, TP Biên Hòa đang được hàng chục công nhân tập trung đổ bê-tông, xây bờ kè và tường rào cao khoảng hơn 2 mét từ mép bờ bao bằng cát chạy bao quanh DA. Theo phản ánh của người dân thì phía mặt rạch Bà Lồ việc san lấp của DA Khu du lịch, dịch vụ cù lao Tân Vạn lấn ra mặt sông khoảng 30 m đã cản trở rất nhiều phương tiện giao thông đường thủy.

Cứu dòng chảy sông Đồng Nai

Trước những bức xúc của người dân và thực trạng thi công của DA Khu du lịch, dịch vụ cù lao Tân Vạn, ngày 28-2-2017, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành do Sở GTVT Đồng Nai chủ trì đi kiểm tra thi công bờ kè cù lao Tân Vạn. Theo kết quả ghi nhận ban đầu của Đoàn kiểm tra, trong quá trình thi công hai phao luồng đã dịch chuyển sai vị trí ban đầu, biển báo bị đổ, phương tiện thi công đậu, đỗ gây cản trở các phương tiện khác lưu thông, cắm một số cọc ở gần tuyến luồng làm mất ATGT. Trên cơ sở đó Đoàn kiểm tra đề nghị chủ đầu tư phải thực hiện nghiêm biện pháp bảo đảm ATGT đã được phê duyệt. Đồng thời thường xuyên giám sát đơn vị thi công yêu cầu thi công đúng các biện pháp được duyệt bảo đảm ATGT và không ảnh hưởng các doanh nghiệp và người dân sống trong khu vực.

Kè bê-tông được xây dựng trên phần sông bị lấn chiếm ở phía nam dự án.

Liên quan việc đánh giá tác động môi trường (ĐTM) khu vực DA, trong văn bản gửi Công ty CP đầu tư Tín Nghĩa - Á Châu, Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Đồng Nai đã nêu rõ: “Hồ sơ ĐTM của DA chưa đủ cơ sở để trình UBND tỉnh phê duyệt. Đề nghị chủ đầu tư tuân thủ theo ý kiến của Sở TN&MT”.

Như vậy, ở đây có thể thấy rõ được là việc thực hiện thi công DA Khu du lịch, dịch vụ cù lao Tân Vạn chưa đủ cơ sở về Báo cáo ĐTM. Trong khi đó, Đoàn kiểm tra cũng chưa xác định được vị trí ranh giới đất thuộc DA.

Trước đó, tháng 4-2014, cũng ngay trên địa bàn này của tỉnh Đồng Nai đã có bài học đắt giá về DA “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” do Công ty CP đầu tư - thiết kế - xây dựng Toàn Thịnh Phát làm chủ đầu tư đã gây xôn xao dư luận. Đến nay DA đã tạm ngưng thi công và một trong những nguyên nhân dẫn đến việc này là ngay từ ban đầu Báo cáo ĐTM rất sơ sài, cần phải làm lại.

Về vấn đề này, theo một lãnh đạo Bộ TN&MT: Có ba vấn đề lớn cần phải làm rõ ở DA này là: tác động dòng chảy, thoát lũ, ổn định lòng sông. Việc làm kè trên sông Đồng Nai đoạn đang thi công DA của Công ty CP đầu tư - thiết kế - xây dựng Toàn Thịnh Phát cũng có nguy cơ làm sạt lở cù lao Phố nếu không tính toán kỹ. Đặc biệt, báo cáo ĐTM không làm rõ được việc thi công bờ kè tác động đến môi trường thủy sinh, nước như thế nào. Vậy nên, việc thi công DA Khu du lịch, dịch vụ cù lao Tân Vạn sẽ như thế nào khi chưa đủ cơ sở về Báo cáo ĐTM chung quanh DA?

Bên cạnh đó, ngày 6-3-2017, Thanh tra Sở GTVT tỉnh Bình Dương đã có buổi làm việc tại phường Bình Thắng, thị xã Dĩ An và ghi nhận lại việc xây dựng bờ kè cù lao Tân Vạn, đã ghi rõ phía bờ sông Tân Vạn (rạch Bà Lồ) với nội dung “Có sà-lan đóng cọc để xây bờ kè ra giữa bờ sông”. Vấn đề đặt ra là việc đắp kè bao lấn ra sông của DA Khu du lịch, dịch vụ cù lao Tân Vạn liệu có tác động trực tiếp dòng chảy và môi trường chung quanh DA hay không? Đây vẫn là câu hỏi cần các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.

Mặt khác, trên thực tế, dòng chảy sông Đồng Nai có tác động trực tiếp và cung cấp nguồn nước chính cho 11 tỉnh, thành phố chạy từ thượng nguồn cho đến cửa biển Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong khi đó, khu vực TP Biên Hòa là những nhà máy nước sạch cung cấp cho khoảng 1,5 triệu người dân sống tại TP Biên Hòa và hàng chục triệu dân sinh sống tại TP Hồ Chí Minh. Những năm gần đây việc phát triển hàng loạt DA thủy điện phía thượng nguồn, khai thác cát một cách triệt để trên dọc tuyến dòng chảy và các nguồn thải công nghiệp của các tỉnh, thành phố đang dần “bức tử” sông Đồng Nai. Thời điểm cuối năm 2015 và đầu năm 2016 do bị chặn dòng chảy nhiều nên đã có hiện tượng nước mặn xâm nhập sông Đồng Nai đoạn chảy qua huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai).

Chính từ những điều này, hằng năm đã có rất nhiều cuộc hội thảo, hội nghị để tìm giải pháp khắc phục thực trạng nguồn nước và dòng chảy sông Đồng Nai. Trước những xâm phạm nghiêm trọng của con người và tự nhiên, đã đến lúc cần có giải pháp bảo vệ chặt chẽ dòng chảy sông Đồng Nai.

“Việc thực hiện các DA “lấn” dòng cho dù ở dòng sông lớn hay nhỏ đều phải dựa vào quy hoạch chỉnh trị của các cấp có thẩm quyền đã phê duyệt. Vấn đề có được “lấn” dòng sông hay không cần có cơ quan chức năng vào cuộc xem xét và trong trường hợp này dù phù hợp quy hoạch chỉnh trị nhưng có dấu hiệu lấn sông thì cần phải kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Cần xử lý triệt để mới tránh được tác động xấu đến sông Đồng Nai” - PGS, TS Hoàng Văn Huấn, nguyên Phó Viện trưởng Khoa học thủy lợi miền nam.
Chủ đề: Trật tự xây dựng,
Viết Đoàn (Nhân Dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.