Với tuyến đường sắt liên lục địa và đi qua 17 nước, Châu Á, Trung Đông, châu Phi và châu Mỹ - Latinh sẽ cùng đi lên mạnh mẽ trong kinh tế thế giới.
Thế giới sẽ có “Con đường tơ lụa” mới?

Tuyến đường sắt cao tốc mà tập đoàn China Railway Construction của Trung Quốc đang xây dựng tại Arập Saudi không chỉ kết nối thành phố Mecca và Medina.

Tuyến đường sẽ cho thấy châu Á, Trung Đông, châu Phi và châu Mỹ - Latinh đang cùng đi lên trong kinh tế thế giới.

Chính phủ Trung Quốc đã tiến hành bàn thảo với chính phủ 17 quốc gia để xây dựng tuyến đường sắt này. Việc vận chuyển hàng hóa nguyên liệu thô của Trung Quốc sẽ được thực hiện hiệu quả hơn.

Các chuyên gia kinh tế thuộc ngân hàng HBSC và Ngân hàng Hoàng gia Scotland coi mối liên kết này như con đường tơ lụa mới.

Họ coi đó như phiên bản 2,8 nghìn tỷ USD của hệ thống tuyến đường thương mại đã giúp thương mại thế giới thịnh vượng thời kỳ thế kỷ thứ 2 trước công nguyên.

Hệ thông mới sẽ giúp cho tăng trưởng toàn cầu có thêm sức mạnh phát triển mới.

Ông Stephen King, chuyên gia kinh tế trưởng tại ngân hàng HSBC, dự báo mối quan hệ mới sẽ góp phần quan trọng giúp kinh tế nhóm các nước mới nổi tăng trưởng cao gấp 3 lần các nước giàu trong năm nay và năm sau.

Ông Jim O’Neill, chuyên gia kinh tế trưởng tại Goldman Sachs và là người đầu tiên đưa ra thuật ngữ về nhóm nước BRIC vào năm 2001, nhận định: “Tiềm năng mới của thương mại trong nhóm nước mới nổi rất lớn.”

Nhóm nước BRIC bao gồm Braxin, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc hiện đóng góp 13% thương mại toàn cầu và hơn một nửa tăng trưởng trên thế giới từ khởi điểm khủng hoảng tài chính năm 2007. Ông dự báo nền kinh tế nhóm nước BRIC có thể tăng trưởng 9% trong năm nay và năm sau trong khi đó tốc độ tăng trưởng kinh tế nhóm nước phát triển chỉ đạt 2,6%.

Nhà đầu tư đang tìm đến khu vực này. Nghiên cứu từ tổ chức quản lý quỹ Aviva Investors ở London cho thấy thương mại tăng trưởng mạnh trong nhóm các thị trường mới nổi giúp giải thích tại sao nhóm nước này đóng góp tới 30% vào tiêu dùng toàn cầu, tương đương Mỹ và tăng gấp 3 lần so với mức 10% vào năm 1990.

Chuyên gia thuộc Aviva Investors nói: “Hãy đến thị trường tại Nairobi và bạn sẽ nhìn thấy hàng Trung Quốc bày bán tại đây. Nếu yếu tố căn bản của thị trường mới nổi tiếp tục cải thiện, tiềm năng đồng nội tệ nâng giá so với các đồng tiền khác hoàn toàn có thể xảy ra.”

Chính sách tiền tệ

Ngày 19/06/2010, chính phủ Trung Quốc đưa ra tuyên bố bỏ chế độ neo tỷ giá đồng nhân dân tệ vào đồng USD ở mức 6,83 nhân dân tệ/USD. Cho đến nay, đồng nhân dân tệ mới tăng giá chưa đầy 1% so với đồng USD. Trước đó, trong khoảng thời gian 3 năm đến tháng 7/2008, đồng nhân dân tệ đã tăng giá 21%.

Ông Jerome Booth, chuyên gia quản lý quỹ 33 tỷ USD tại nhóm thị trường mới nổi, cho biết các nước mới nổi đang sử dụng đồng nội tệ thay cho đồng USD nhiều hơn trong hoạt động thương mại.

Ông Dariusz Sliwinski, trưởng bộ phận phụ trách các thị trường mới nổi tại Martin Currie Investment Management, nhận xét, trước đây giá hàng hóa giảm ngay khi có thông tin kinh tế nhóm nước phát triển tăng trưởng chậm lại thì hay lại chịu ảnh hưởng khá nhieuf bởi hoạt động thương mại của nhóm nước mới nổi.

Ông Sliwinski nói: “Giá hàng hóa hẳn đã giảm sâu hơn nếu không có yếu tố hỗ trợ trên, điều này tốt cho Nga và Braxin.”

Ông Ben Simpfendorfer, chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc tại Ngân hàng Hoàng gia Scotland, cho rằng nhóm nước mới nổi tại châu Á và Trung Đông sẽ chiếm 75% của mỗi thùng dầu được tiêu thụ hay sản xuất trong thập kỷ tới, giá đồng sẽ tăng bởi kim loại này được sử dụng nhiều trong xây dựng cơ sở hạ tầng.

Thương mại tăng trưởng mạnh

Tổ chức thương mại thế giới (WTO) ước tính thương mại trong nhóm thị trường mới nổi tăng trưởng trung bình 18% trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2008, cao hơn nhiều so với thương mại giữa nhóm nước mới nổi và phát triển.

Tổng giá trị thương mại năm 2008 đạt 2,8 nghìn tỷ USD. Khoảng một nửa trong nhóm nước mới nổi có hoạt động trao đổi thương mại với tất cả quốc gia trên thế giới.

Theo chuyên gia Stephen King thuộc ngân hàng HSBC và cựu quan chức Bộ Tài chính Anh, sự đi lên trên đáng để chờ đợi bởi xét đến tốc độ phục hồi chậm chạp của nhóm nền kinh tế các nước giàu.


Các chuyên gia kinh tế dự báo hệ thống tuyến đường thương mại trong nhóm nước mới nổi sẽ giúp nhóm nước này có tốc độ tăng trưởng kinh tế ít nhất gấp 3 lần so với nhớm nước phát triển. Nhóm nước BRIC đã tăng được gấp đôi đóng góp vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong thập kỷ qua. Nguồn: Bloomberg

Theo tính toán của ông King, xuất khẩu của Trung Quốc sang nhóm nước mới nổi chiếm 9,5 GDP năm 2008, con số này vào năm 1985 chỉ là 2%. Con số này đối với Ấn Độ và Braxin tăng lên 7,3% và 6,3%.

Ông King dự báo kinh tế nhóm nước mới nổi sẽ có thể tăng trưởng 6,95 trong năm 2010 và 6,2% trong năm 2011, tốc độ tăng trưởng của nhóm nền kinh tế phát triển ước đạt 2,4% và 1,9%.

Con đường tơ lụa của thế kỷ thứ 2

Con đường tơ lụa trước đây bắt đầu từ Phúc Châu, Hàng Châu, Bắc Kinh (Trung Quốc) qua Mông Cổ, Ấn Độ, Afghanistan, Kazakhstan, Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, xung quanh vùng Địa Trung Hải và đến tận châu Âu. Con đường cũng đi đến cả Hàn Quốc và Nhật Bản. Nó có chiều dài khoảng 7 ngàn cây số (nghĩa là hơn 1/3 nửa chu vi của Quả Đất).

Con đường tơ lụa là một con đường huyền thoại nối liền Trung Hoa rộng lớn với vùng Tây Á kỳ bí, nó gắn liền với hàng ngàn câu chuyện truyền thuyết xa xưa. Không đơn thuần chỉ là huyết mạch thông thương buôn bán của những "thương nhân lạc đà", Con đường tơ lụa còn là một hành trình văn hóa, tôn giáo đa dạng được hòa trộn.


Con đường tơ lụa của thế kỷ thứ 2

Trường An (nay là Tây An) là nơi các thương gia Trung Hoa tập kết hàng hóa, tơ lụa để chuẩn bị cho những chuyến buôn bán lớn qua Con đường tơ lụa. Lạc đà là phương tiện vận chuyển chủ yếu trên con đường thương mại này.

Con đường tơ lụa được coi là một hệ thống những con đường thương mại lớn nhất thế giới thời cổ đại, nó được coi như cầu nối giữa hai nền văn minh Đông và Tây.

Con đường tơ lụa của thế kỷ 21

Kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt xuyên lục địa của Trung Quốc chính là dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất trong lịch sử của nước này.

Từ Bắc Kinh tới Luân Đôn bằng tàu cao tốc chỉ mất 2 ngày - qua Myanmar, Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Từ Luân Đôn tới Singapore trong 3 ngày - qua Việt Nam, Malaysia. Và từ Thượng Hải tới Bắc Kinh trong 3 ngày - qua Mông Cổ, Kazakhstan, Siberia của Nga và Ukraine.

Con đường tơ lụa mà Trung Quốc đặt tham vọng xây dựng

Tờ South China Morning Post đưa tin, theo kế hoạch đầy mơ mộng này, Trung Quốc định mở rộng chương trình xây dựng đường sắt cao tốc của mình ra nước ngoài để tạo một mạng lưới giao thông nối nước này với Đông Nam Á, Nam Á và Trung Á - một Con đường tơ lụa mới… bằng sắt.

Mạng lưới này sẽ liên kết với hệ thống đường cao tốc (HSR) của châu Âu được phát triển tại Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italia từ 4 thập niên trở lại đây, xây dựng trên dự án Shinkansen tiên phong của Nhật từ những năm 1960. Đây cũng sẽ là dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất trên thế giới, và Trung Quốc hy vọng sẽ hoàn thành trong 10 năm.

Người Trung Quốc coi đây là niềm tự hào to lớn và là minh chứng rằng các nước tham gia thị trường thế giới sau có thể sở hữu công nghệ phát triển ở mức độ cao nhất. Chính phủ Trung Quốc cũng đang có chương trình xây dựng lớn thứ hai trong lịch sử, chỉ sau hệ thống đường cao tốc nối các bang của Mỹ những năm 1950 về quy mô.

Theo kế hoạch kích thích được thông qua nhằm ứng phó với ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu ở trong nước, Trung Quốc dự định chi thêm hơn 1 nghìn tỷ đôla mở rộng mạng lưới đường sắt từ 78.000 km lên 110.000 km vào năm 2012 và lên 120.000 km vào năm 2020.

Mạng lưới này sẽ tiêu biểu cho các tuyến đường ray xe lửa tốc độ cao qua lại giữa các nước, có khả năng cho cả tàu chở hàng và tàu hành khách chạy trên đó.

Dù nhiều chuyên gia cho rằng kế hoạch trên của Trung Quốc khó khả thi, tuy nhiên trong dài hạn chưa thể khẳng định chắc chắn được điều gì sẽ xảy ra bởi các quốc gia chắc chắn cũng sẽ nhìn thấy tiềm năng lớn từ việc tham gia cùng Trung Quốc xây dựng "con đường tơ lụa" bằng sắt mới này.

Cafeland.vn
Theo Nytimes, Bloomberg,Vietnamnet

  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland