Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã cho biết như vậy tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 11/2014 diễn ra chiều tối 1/12.
Đánh giá về tình hình kinh tế xã hội nói chung tháng 11 và 11 tháng đầu năm, Bộ trưởng Nên cho hay, tình hình kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều lĩnh vực kinh tế của nước ta, nổi bật là giá xăng dầu thế giới tiếp tục giảm mạnh từ 105 USD/thùng (cuối tháng 7/2014) xuống 68,53 USD/thùng (ngày 28/11/2014). Đây là mức thấp nhất trong vòng 4 - 5 năm qua. Việc xăng dầu thế giới giảm mạnh đã tác động trực tiếp tới thu ngân sách, xuất khẩu của nước ta.
Đến chiều 30/11, giá dầu thô giao dịch mức thấp nhất kể từ tháng 9/2009 ở mức 66,15 USD/thùng. Nếu tính từ đầu tháng 6/2014 đến nay (thời điểm 115,71 USD/thùng), dầu thô đã mất hơn 35% trị giá mỗi thùng.
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên. Ảnh: Tuổi trẻ
“Giá dầu thô trên thị trường thế giới đang giảm nhanh, theo dự báo có thể tăng lại khoảng giữa năm 2015. Nhưng dự báo cũng là dự báo chưa biết ra sao, tình hình còn diễn biến phức tạp”- Bộ trưởng Nên đánh giá.
Trong khi đó, Chính phủ báo cáo cân đối kế hoạch ngân sách trước Quốc hội dự tính là giá dầu khoảng 100 USD/thùng, nhưng đến giờ này đã giảm khoảng 30 USD/thùng so với dự báo.
“Cứ tính rằng mỗi một USD/thùng giảm thì chúng ta mất 1000 tỷ đồng. Nên nếu giá dầu thô thị trường thế giới dao động ở con số trên dưới 80 USD/thùng thì ngân sách chúng ta sẽ mất khoảng 20.000 tỷ đồng”- người phát ngôn của Chính phủ nói.
Ông cũng cho biết, tại phiên họp Chính phủ lần này Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, có phương án, tính toán các nguồn thu ngân sách, bảo đảm không để hụt thu.
Cụ thể, chúng ta đang có nhiều mỏ khai thác dầu thô, giá thành dầu thô của Việt Nam rơi vào khoảng 35, 40 đến 70 USD/thùng.
“Thủ tướng chỉ đạo nên xem xét lại các mỏ dầu giá thành cao nên tính toán không khai thác lúc này, chỉ khai thác mỏ dầu có thể đem lại lợi nhuận tương đối. Đồng thời, tính toán cân đối các nguồn khác để bù đắp hụt. Đến giờ này tạm yên tâm phương án Bộ Tài chính đưa ra là khả thi để bù đắp khoản hụt thu đó”- Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết.
Cũng tại phiên họp Chính phủ, đánh giá về tình hình kinh tế xã hội tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2014, trước xu hướng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 giảm âm 0,27% so với tháng trước, tính bình quân 11 tháng CPI tăng 4,3%, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành tập trung làm rõ nguyên nhân.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư khẳng định, kinh tế không có dấu hiệu giảm phát. CPI tháng 11 giảm âm là do tác động điều chỉnh giảm mạnh giá xăng, dầu, giá gas trong nước theo giá thế giới, chứ không phải do tổng cầu yếu. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tiếp tục được cải thiện, 11 tháng, ước tăng 11,1%, nếu loại trừ yếu tố giá, tăng 6,5% (cùng kỳ tăng 5,5%), trong khi các năm 2011, 2012 và 2013 lần lượt tăng là 4,1%, 6,3% và 5,5%.
Ngược lại, diễn biến lạm phát là tín hiệu tốt để DN thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giảm chi phí đầu vào.