11/08/2017 4:42 PM
Các ngân hàng kỳ vọng không ít điểm nghẽn của quá trình xử lý nợ xấu sẽ được khơi thông khi nhiều bộ, ngành triển khai Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội về xử lý nợ xấu có hiệu lực từ ngày 15-8.
Thực tế cho thấy, khi giải quyết một khoản nợ xấu, bước đầu ngân hàng (NH) thường vận động khách hàng tự bán tài sản (chủ yếu là bất động sản). Lúc đó, NH mong muốn thu hồi vốn cộng với một phần của lãi suất hoặc không tính lãi suất. Tuy nhiên, do NH thường yêu cầu tất toán trong thời gian ngắn khiến nhiều con nợ không kịp bán nhà để đáp ứng điều kiện này. Từ đó, việc xử lý nợ xấu bị khựng lại.
Vấp phải nhiều quy định
Một phương thức khác là NH mua tài sản của khách hàng để cấn trừ nợ. Thế nhưng, do con nợ thường đưa ra giá bán quá cao nên NH không mua. Thậm chí, có trường hợp giá cả đã hợp lý song NH cũng không thể mua vì theo quy định, NH phải chứng minh mục đích mua bất động sản là để phục vụ cho hoạt động kinh doanh, đồng thời NH cũng không được mua sắm tài sản quá 20% vốn điều lệ. Hoặc có khi NH muốn mua tài sản của doanh nghiệp (DN) nhưng DN lại còn nợ tiền thuế khiến việc chuyển nhượng quyền sở hữu tài sản không thực hiện được.
Việc xử lý nợ xấu ngân hàng vẫn gặp nhiều khó khăn Ảnh: TẤN THẠNH
Đặc biệt, đối với tài sản là đất nông nghiệp, NH không thể nhận tài sản này để cấn trừ nợ vì phải lập dự án đầu tư, xin chuyển mục đích sử dụng đất, nộp tiền sử dụng đất, đóng các loại thuế... Những khó khăn này phát sinh nhiều chi phí, trong khi khách hàng không còn tiền để thanh toán các chi phí này, nếu NH đứng ra trả thay cho khách hàng, có khi số tiền chi trả lại nhiều hơn số đã cho vay.
Để thu hồi nợ, NH được quyền khởi kiện người vay ra tòa. Tuy nhiên, việc này không hề đơn giản. Tổng giám đốc một NH cho biết đã mất hơn 4 năm kiện cáo nhưng việc thu hồi khoản nợ 100 tỉ đồng vẫn bế tắc bởi tòa án yêu cầu NH xác minh địa chỉ khách hàng để gửi giấy triệu tập nhưng khách liên tục thay đổi địa chỉ nên tìm mãi không ra.
Thông thường, tòa án buộc con nợ phải có trách nhiệm trả nợ cho NH trong một thời gian nhất định. Sau thời gian này, nếu con nợ không thực hiện thì cơ quan thi hành án sẽ kê biên, cưỡng chế thu giữ tài sản rồi phát mãi thông qua đấu giá để trả tiền cho NH. Đây cũng là công đoạn xử lý khá phức tạp.
Bất đồng giá cả, con nợ chây ì
Theo quy định, khi đưa tài sản ra đấu giá, chủ nợ và bên bị thi hành án (con nợ) sẽ chọn một công ty thẩm định đưa ra mức giá khởi điểm. Tuy nhiên, có rất nhiều tài sản mà hai bên không thống nhất về giá. Khi đó, cơ quan thi hành án chỉ định một công ty thẩm định giá khác đưa ra giá khởi điểm rồi thông báo cho con nợ và chủ nợ biết. Thế nhưng, công ty thẩm định giá do thi hành án chỉ định thường đưa ra mức giá bị con nợ lẫn chủ nợ phản đối. Thậm chí, có tài sản đã được định giá hợp lý, chủ nợ đồng ý nhưng con nợ lại cố tình phản đối nhằm kéo dài vụ việc khiến thi hành án không thể đưa tài sản ra đấu giá.
Phóng viên Báo Người Lao Động từng ghi nhận một chi cục thi hành án dân sự ở TP HCM phải dừng phiên đấu giá căn nhà trị giá hơn 10 tỉ đồng vì lý do đang có tranh chấp, nhưng thực chất là con nợ cố tình trì hoãn phiên đấu giá bằng cách nhờ người nhà gửi đơn khẩn cấp lên tòa án khởi kiện tranh chấp quyền sở hữu căn nhà này.
Anh Nguyễn Minh Thư, cán bộ xử lý nợ của một NH ở TP HCM, cho hay anh từng theo đuổi vụ kiện một khách hàng nợ xấu thông qua tòa án để phát mãi tài sản thế chấp là một lô đất. Thế nhưng, tòa án phải tạm dừng vụ kiện vì có người thứ ba nộp đơn khiếu nại cho rằng họ đã mua căn nhà được xây dựng trên lô đất đó, dù căn nhà đó xây dựng không có giấy phép. "Thế là, tòa án phải mất thời gian xét xử vụ kiện mới liên quan đến con nợ rồi mới tiếp tục xét xử vụ NH kiện con nợ" - anh Thư ngao ngán.
Lãnh đạo NH Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) dẫn câu chuyện một DN vay 300 tỉ đồng để kinh doanh khách sạn chây ì không trả nợ hơn 5 năm. Giải quyết nợ xấu, tài sản thế chấp đã được Vietcombank giới thiệu và được người mua đồng ý nhưng DN không chịu bàn giao. Vietcombank phải kiện DN đó ra tòa nhưng từ đó đến nay đã hơn 48 tháng, vụ án vẫn chưa được xét xử.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm CLB Pháp chế NH, nhìn nhận các NH đang bất lực với việc người vay chây ì trả nợ. Khi bị kiện ra tòa, con nợ tiếp tục tìm đủ cách để trì hoãn, kéo dài thời hạn giải quyết vụ án và quá trình phát mãi tài sản, thi hành án... Kết quả là thời hạn để xử lý một khoản nợ phải tính bằng nhiều năm, gấp nhiều lần thời hạn luật định.
Cần sàn đấu giá bất động sản
Một số chuyên viên xử lý nợ của nhiều NH cho rằng ngay cả khi NH và con nợ thống nhất về giá khởi điểm, tài sản chưa chắc đã bán được, nhất là các tài sản như đất nông nghiệp, thiết bị, máy móc… thường ít người mua. Mặt khác, thông tin về đấu giá tài sản cũng hạn chế bởi thông báo đấu giá chỉ niêm yết tại vị trí tài sản tọa lạc, nơi tổ chức đấu giá, cơ quan thi hành và thường chỉ đăng báo vài lần.
Theo các chuyên gia kinh tế, tuy pháp luật đã có những quy định khá cụ thể về đấu giá tài sản thi hành án nhưng vẫn chưa đủ bởi mấu chốt của việc đấu giá tài sản là xác định giá khởi điểm. Do đó, để sớm giải quyết tài sản phát mãi, ngoài yếu tố thị trường, cơ quan chức năng cần bổ sung quy định về trách nhiệm pháp lý đối với tổ chức thẩm định giá; tăng thêm hoặc hạn chế bớt quyền và nghĩa vụ của chủ nợ lẫn con nợ về định giá tài sản, phổ biến rộng rãi thông tin đấu giá tài sản…
Đặc biệt, nhà nước có thể tính đến phương án thành lập sàn đấu giá bất động sản bởi phần lớn tài sản liên quan đến nợ xấu là nhà và đất. Theo đó, nhà nước nắm giữ vai trò tổ chức quản lý, giám sát, tạo cơ chế thông thoáng về chuyển quyền sở hữu tài sản; đồng thời mời các DN bất động sản uy tín tham gia với tư cách tham mưu về giá cả, thông tin thị trường… Như thế, thông tin tài sản đấu giá sẽ minh bạch, thu hút nhiều đối tượng tham gia, việc xử lý nợ xấu sẽ hiệu quả hơn. Nhà nước sẽ có thêm nguồn thu từ phí đấu giá tài sản. Người nợ NH có thể bán nhà, đất với giá tốt nhất. NH cũng giảm bớt được thời gian xử lý nợ xấu, nhanh chóng thu hồi vốn.
Nhiều bộ, ngành vào cuộc
Để triển khai nghị quyết xử lý nợ xấu, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành hoàn thiện văn bản hướng dẫn trước ngày 15-8. Cụ thể, Bộ Tư pháp chỉ đạo cơ quan thi hành án thực hiện các quy định liên quan đến khoản nợ xấu. Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan thuế hướng dẫn chính sách liên quan đến thuế. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản cho bên mua, bên nhận chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Chính quyền địa phương các cấp có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng hỗ trợ NH thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu…
TAND Tối cao đã có Văn bản số 152 hướng dẫn một số nội dung liên quan đến việc xử lý vướng mắc khi giải quyết tranh chấp nhằm xử lý tài sản thế chấp của các hợp đồng tín dụng. NH Nhà nước yêu cầu cơ quan thanh tra, giám sát NH làm đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; trong đó có việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định về việc mua bán và xử lý nợ xấu của các NH thương mại…
Thy Thơ (NLĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.