Ngày 10/10/2022, UBND thành phố Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) phát đi Công văn số 2101/UBND-VP về việc tham gia góp ý báo cáo phương án phát triển thành phố Bảo Lộc, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng.
UBND thành phố Bảo Lộc cho biết, bước vào thời kỳ mới, Trung ương sẽ ban hành Chiến lược phát triển Kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030, Quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch cấp quốc gia khác và hiện nay tỉnh Lâm Đồng đang lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đòi hỏi thành phố Bảo Lộc phải lập phương án phát triển có nội dung phù hợp với Quy hoạch mới của tỉnh.
Vì vậy, đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng “Phương án phát triển thành phố Bảo Lộc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” để tích hợp vào quy hoạch tỉnh.
Đồng thời để thực hiện Quyết định 946/QĐ-TTg ngày 15/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Phương án phát triển thành phố Bảo Lộc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được tổ chức lấy ý kiến, thành phố Bảo Lộc có nhiều định hướng quan trọng trong việc phát triển không gian.
Theo đó, cấu trúc đô thị thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận phát triển theo mô hình đô thị trung tâm và các cụm động lực được kết nối bởi tuyến vành đai xanh.
Định hướng phát triển đô thị được xác định là đô thị sinh thái, thông minh, đa chức năng. Trong đó, thành phố Bảo Lộc là đô thị trung tâm phát triển các chức năng của đô thị tỉnh lỵ.
Vùng phụ cận sẽ phát triển theo định hướng nông nghiệp đô thị sinh thái; nông nghiệp công nghệ cao; du lịch nông nghiệp; nông nghiệp nghỉ dưỡng; du lịch sinh thái kết hợp với bảo tồn không gian tự nhiên, bảo tồn sự đa dạng sinh học. Hình thành các cụm đô thị động lực hỗ trợ cho sự phát triển của đô thị trung tâm thành phố Bảo Lộc.
Thành phố Bảo Lộc được định hướng phát triển thành 3 khu chức năng đô thị.
Trong đó, khu đô thị trung tâm thành phố Bảo Lộc, gồm các phân khu như, phân khu hiện trạng chỉnh trang; Phân khu công viên hồ Nam Phương; Phân khu trung tâm hành chính mới phía Bắc; Phân khu đô thị mới phía Đông; Phân khu công nghiệp phía Nam; Phân khu phát triển giáo dục đào tạo chất lượng cao phía Tây; Phân khu dự trữ phát triển đô thị phía Tây Bắc
Ngoài ra còn có phân khu phát triển cụm y tế, công viên đô thị, trung tâm văn hóa - thể dục thể thao cấp quốc gia tạo nên không gian mở kết hợp với khu vực cây xanh và không gian mặt nước tạo cảnh quan sinh thái cho đô thị.
Khu đô thị chức năng thứ hai là khu vực vùng phụ cận ngoài tuyến đường vành đai.
Trong đó, núi Đại Bình, núi Sa Pung, sông Đại Bình, sông Đại Nga là khu vực khai thác phát triển du lịch, dịch vụ, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và chăm sóc sức khỏe với mật độ thích hợp.
Tại khu vực này sẽ phát triển các khu vực tạo động lực, hỗ trợ khu vực đô thị trung tâm, gồm: khu vực trung tâm liên xã Lộc An, cụm du lịch xã ĐamB’ri, xã Đại Lào…
Song song với đó là phát triển khu vực du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe, du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp chất lượng cao, du lịch khám phá các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc, du lịch làng nghề kết hợp quảng bá về ngành nghề trà, tơ lụa gắn kết việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; nâng cấp các khu du lịch hiện hữu.
Tại khu vực các xã lân cận sẽ phát triển theo mô hình các làng ven đô, làng đô thị xanh kết hợp hài hòa giữa các khu vực phát triển dân cư tập trung với các vùng sản xuất nông, lâm nghiệp; trong đó, đặc biệt chú trọng việc bảo tồn các không gian nông, lâm nghiệp để hình thành các vùng cây xanh vùng ven.
Chưa hết, tại thành phố Bảo Lộc còn có khu đô thị chức năng thứ ba khu vực tuyến đường vành đai xanh. Đây là vùng không gian đệm, quy hoạch các cực phát triển đô thị với chức năng đặc thù, là cửa ngõ gắn kết thành phố với vùng phụ cận; khoảng xanh bảo vệ có bề rộng 50m mỗi bên sẽ là không gian tổ chức các hoạt động cộng đồng.
Cũng theo Phương án phát triển thành phố Bảo Lộc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, giai đoạn 2021-2025, thành phố Bảo Lộc sẽ từng bước khắc phục và hoàn thiện các tiêu chuẩn chưa đạt của đô thị loại 3 để lập đề án công nhận đô thị Bảo Lộc là đô thị loại 2 trước năm 2025. Giai đoạn 2026-2030, thành phố sẽ từng bước khắc phục và hoàn thiện các tiêu chuẩn chưa đạt của đô thị loại 2.
Bất động sản Bảo Lộc đã và đang phát triển ra sao?
Kể từ khi xuất hiện thông tin về việc triển khai dự án cao tốc kết nối tỉnh Đồng Nai lên Lâm Đồng, thị trường bất động sản tỉnh Lâm Đồng đã sôi động hẳn lên trước sự xuất hiện của nhiều tập đoàn tên tuổi lớn tìm đến nghiên cứu đầu tư.
Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng cho biết trong quý 1 vừa qua, toàn tỉnh Lâm Đồng có 12.467 lô đất nền giao dịch thành công, với tổng số tiền bán ra là 11.911 tỉ đồng.
Trong đó, huyện Lâm Hà dẫn đầu với 3.077 giao dịch thành công qua công chứng. Tiếp đến là huyện Di Linh với 1.826 giao dịch, huyện Đức Trọng với 1.648 giao dịch, thành phố Đà Lạt với 1.162 giao dịch, huyện Bảo Lâm với 1.105 giao dịch, thành phố Bảo Lộc với 958 giao dịch.
Phân khúc nhà ở riêng lẻ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong quý 1-2022 cũng ghi nhận biến động tăng so với quý 4-2021, với 899 giao dịch thành công với tổng số tiền bán ra là 1.934 tỉ đồng. Trong đó, tập trung nhiều nhất là tại huyện Bảo Lâm, thành phố Đà Lạt, thành phố Bảo Lộc và huyện Đức Trọng.
Bước sang quý 2/2022, lượng giao dịch nhà đất tại Lâm Đồng tiếp tục tăng mạnh với 19.699 giao dịch đất nền và 1.113 giao dịch nhà ở riêng lẻ.
Trong đó, thành phố Bảo Lộc vẫn là một trong số nhiều địa phương có lượng giao dịch nhiều nhất tại tỉnh Lâm Đồng, với 1.379 giao dịch đất nền và 216 giao dịch nhà ở riêng lẻ.
Gần đây nhất là quý 3/2022, số lượng giao dịch bất động sản tại Lâm Đồng đã giảm mạnh so với 2 quý trước đó, chỉ còn 8.804 giao dịch đất nền và 767 giao dịch nhà ở riêng lẻ.
Tuy nhiên, Bảo Lộc vẫn là một trong số những địa phương có lượng giao dịch nhà đất chiếm phần lớn tại tỉnh, với 533 giao dịch đất nền và 93 giao dịch nhà ở riêng lẻ.
Ngày 29/9 mới đây, UBND thành phố Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) phát đi Công văn số 2002/UBND-QLĐT gửi Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng về việc thực hiện công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố quý 3/2022.
UBND thành phố Bảo Lộc cho biết, qua theo dõi thì giá nhà ở và một số loại hình bất động sản khác (chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền) trong quý 3/2022 không tăng.
Cũng theo UBND thành phố Bảo Lộc, sau khi Nghị quyết về phương án đầu tư Dự án đường bộ cao tốc đoạn Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) - thành phố Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) được HĐND tỉnh thông qua, cũng như đồ án quy hoạch chung thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận đến năm 2040 đang được Sở Xây dựng hoàn thiện trình UBND tỉnh phê duyệt thì nhìn chung tình hình thị trường bất động sản từ đầu năm 2021 đến nay có chiều hướng diễn biến tích cực.
Trong quý 3/2022 cũng như từ đầu năm 2022 đến nay trên địa bàn thành phố hiện chưa có các dự án phát triển nhà ở mới.
Trên địa bàn thành phố Bảo Lộc hiện có dự án Quy hoạch một phần khu dân cư khu công nghiệp Lộc Sơn (giai đoạn 2) tại phường Lộc Sơn về cơ bản đã hoàn thiện hạ tầng, một số người dân đã nhận đất tái định cư và tiến hành xây dựng nhà ở.
Đối với dự án khu nhà ở cho cán bộ tập đoàn than khoáng sản Vinacomin tại Phường I, nhà đầu tư đã xây dựng hoàn thiện dãy nhà liên kế phố mặt đường Bùi Thị Xuân và Lý Thường Kiệt bàn giao cho người mua.
Riêng dự án khu dân cư tổ dân phố 6B phường Lộc Sơn, hiện phần hạ tầng kỹ thuật đã thi công hoàn thiện.
Ngoài ra, dự án khu dân cư số 04 đường Đinh Tiên Hoàng tại Phường 2, hiện nhà đầu tư đã tiến hành thi công hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, hoàn thiện dãy nhà liên kế xây dựng theo thiết kế đô thị đã phê duyệt.
Dự án khu dân cư đường Lý Thường Kiệt nối dài tại phường Lộc Phát (Licogi16), nhà đầu tư hiện đã cơ bản hoàn thành đầu tư phần hạ tầng kỹ thuật; dự án nhà ở đường Nguyễn Công Trứ khu CH1, Khu CH2 thuộc quy hoạch chi tiết tiểu khu Bắc Hà Giang giai đoạn 2 hiện đã xây hoàn thiện phần thô dãy nhà liên kế phố và bàn giao cho người mua.
Dự án khu thương mại dịch vụ kết hợp với nhà ở Phương Nam hiện đã xây hoàn thiện phần thô dãy nhà; Dự án khu dân cư hẻm đường Nguyễn Văn Trỗi, Phường 2 (cạnh Siêu thị Copmax Bảo Lộc) hiện đã xây dựng xong phần móng các khối nhà; dự án khu dân cư BeaCon tại ngã tư Nguyễn Tuân - Quốc Lộ 20 hiện đã xây dựng hoàn thiện, bàn giao cho người mua.
Chưa hết, đối với các dự án do UBND thành phố làm chủ đầu tư theo chương trình phát triển đô thị, tạo quỹ đất phục vụ công tác tái định cư về cơ bản hoàn thiện, người dân nhận đất tái định cư đã tiến hành đầu tư xây dựng nhà ở ước đạt 42%.
-
Cầu nhiều, cung ít, đất nền tách thửa chiếm sóng đầu tư tại Lâm Đồng
Giữa thời điểm nhu cầu đầu tư đất nền lớn nhưng nguồn cung các dự án mới được cấp lại nhỏ giọt, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa cho phép tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hiến đất làm đường, phân lô, tách thửa nhằm mục đích kinh doanh bất động sản. Liệu động thái này có là giải pháp giúp cho thị trường bất động sản Lâm Đồng phát triển ổn định và lành mạnh hơn trong thời gian tới?
-
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có chỉ đạo quan trọng về nguồn vật liệu thi công cho các dự án trên địa bàn
UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra từ khâu xây dựng mỏ, phương án khai thác; khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng....
-
Novaland nói không liên quan sai phạm tại dự án Bộ Công an vừa có kết luận điều tra
Novaland cho hay ngay từ khi cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ các sai phạm của ông Nguyễn Cao Trí, doanh nghiệp đã tích cực hợp tác và cung cấp các tài liệu liên quan đến giao dịch dự án tại Lâm Đồng....
-
Sáp nhập nhiều đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 1245/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2023 – 2025. Theo đó, kể từ ngày 1/12/2024, tỉnh Lâm Đồng có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 08 ...