Tại Công văn số 6429/UBND-NN ngày 10/5/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường có Báo cáo số 05/BC-STNMT về việc các dự án, công trình vi phạm pháp luật đất đai.
Cùng với đó là các dự án, công trình không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng; các dự án, công trình có kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kết luận của cơ quan kiểm tra.
Theo đó, tính đến tháng 11/2021 trên địa bàn tỉnh có 04 dự án, công trình vi phạm pháp luật đất đai với tổng diện tích đất 236,90 ha còn vướng mắc, chưa xử lý được.
Đồng thời có 109 dự án, công trình với tổng diện tích đất 278,95 ha không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng, để hoang hóa, gây lãng phí đất đai; có 02 dự án, công trình với tổng diện tích đất 36,26 ha có kết luận thanh tra, kiểm tra đến nay còn vướng mắc, khó khăn chưa giải quyết để đưa đất vào sử dụng.
Trong một diễn biến có liên quan, mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt về việc xem xét, thu hồi một số dự án.
Đơn cử như, dự án Khu công nghiệp Hoàng Long nằm trên địa bàn các xã Hoằng Anh, Hoằng Long, Hoằng Quang (TP Thanh Hóa) và xã Hoằng Minh, Hoằng Đồng, Hoằng Thịnh (huyện Hoằng Hóa) được khởi công cuối tháng 9/2015 trên diện tích gần 287 ha, đến nay vẫn chỉ là bãi đất hoang.
Dự án này do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư với tổng số vốn hơn 2.300 tỷ đồng.
Ngày 18/4/2022, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá – Lê Đức Giang đã ký Quyết định số 1322/QĐ-UBND về việc thu hồi 22.598,5m2 đất của Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư phát triển Nguyễn Kim Thanh Hóa tại khu đô thị Nam thành phố Thanh Hóa (phường Đông Vệ); giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất Thanh Hóa quản lý theo quy định của pháp luật.
Gần đây nhất, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng vừa có quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư cấp cho Công ty TNHH MTV ôtô Vinaxuki Thanh Hóa thực hiện Dự án Cụm nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô, máy Vinaxuki, địa chỉ tại 2 xã Đại Lộc và Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc. Dự án này được cấp phép xây dựng từ năm 2010, có tổng mức đầu tư 1.360 tỷ đồng.
Thanh tra toàn diện đối với các dự án vi phạm có quy mô lớn
Nhằm chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai, xử lý các dự án vi phạm pháp luật đất đai; các dự án không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng, để hoang hóa gây lãng phí đất đai, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Đồng thời, giải quyết dứt điểm những trường hợp vướng mắc, đưa đất vào sử dụng, phát huy nguồn lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa tiếp tục có những chỉ đạo quyết liệt.
Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa giao Thanh tra tỉnh lựa chọn, tổ chức thanh tra toàn diện đối với các dự án vi phạm có quy mô lớn, có tính chất phức tạp, nhạy cảm; kết luận rõ sai phạm và xử lý theo quy định của pháp luật.
Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tăng cường kiểm tra đối với các dự án sử dụng đất có vi phạm, xử lý, kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trong năm 2022 tiếp tục rà soát, xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư đối với các dự án có dấu hiệu vi phạm. Kiên quyết tham mưu trình UBND tỉnh thu hồi đất đối với các dự án có vi phạm, đủ điều kiện thu hồi theo quy định tại Điều 64 Luật Đất đai năm 2013.
Tỉnh cũng yêu cầu Sở này Chấn chỉnh công tác giao đất, cho thuê đất, thực hiện kịp thời việc ký hợp đồng thuê đất, bàn giao đất trên thực địa, tham mưu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư thực hiện dự án.
Cùng với đó đôn đốc, hướng dẫn, yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất và thuê đất theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Tham mưu tháo gỡ vướng mắc đối với các dự án chậm tiến độ nhưng được UBND tỉnh chấp thuận cho mở rộng, các dự án chưa được bàn giao đất trên thực địa; các trường hợp quy hoạch xây dựng điều chỉnh dẫn đến dự án không còn phù hợp,...
Đặc biệt, tỉnh Thanh Hóa cũng đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện chặt chẽ hơn việc tham mưu chấp thuận chủ trương, địa điểm đầu tư; cấp giấy chứng nhận đầu tư, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư; chấm dứt hiệu lực văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư.
Bên cạnh đó, đề nghị Sở này nghiên cứu đề xuất giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn đầu tư, tái cơ cấu chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến tiến độ sử dụng đất của dự án đầu tư; tham mưu xử lý các trường hợp điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư hoặc điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020 đảm bảo thống nhất với quy định của pháp luật đất đai về gia hạn tiến độ sử dụng đất.
-
Thanh Hoá quy hoạch một xã rộng gần 3.000ha để phát triển thương mại dịch vụ, công nghiệp
Khu vực được quy hoạch có tổng diện tích 2.976,45ha, là trung tâm tổng hợp của vùng phía Nam huyện Ngọc Lặc.
-
Thành lập cụm công nghiệp 30ha tại huyện ven biển Thanh Hoá
UBND tỉnh Thanh Hoá vừa có quyết định về việc thành lập Cụm công nghiệp Hoằng Đông, huyện Hoằng Hoá. Chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thành Nam.
-
Thanh Hoá đặt mục tiêu giải phóng mặt bằng 686 dự án trong năm 2025
Theo kế hoạch, trong năm 2025, tỉnh Thanh Hóa sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) cho 686 dự án, trên địa bàn 26 huyện, thị xã, thành phố với tổng diện tích cần giải phóng là 2.590,7ha.