25/07/2014 8:31 AM
Các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) giữa các ngân hàng thương mại (NHTM) đang tạo được sự quan tâm của nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu ngành này vẫn im lìm và chưa tạo được dấu ấn trong các đợt tăng giá thời gian qua, cho dù đã có hiện tượng tạo sóng đối với những ngân hàng (NH) sắp M&A.

Trước thông tin một số NH chuẩn bị sáp nhập, hợp nhất, các nhà đầu tư đã đu theo cổ phiếu của ngành này với kỳ vọng tạo được sóng và đẩy hàng thành công. Đơn cử như trường hợp của Southern Bank chuẩn bị sáp nhập với Sacombank.

Tuy đến thời điểm này, giữa hai bên vẫn chưa hé lộ thông tin cụ thể về đề án sáp nhập và quan trọng nhất vẫn là tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu giữa hai NH chưa có thông tin.

Nhưng trên thị trường xuất hiện tin đồn, nhóm cổ đông chi phối đang cố tạo sóng để nâng giá cổ phiếu Southern Bank, tạo tính hấp dẫn cho cổ phiếu NH này trước khi sáp nhập Sacombank để có tỷ lệ chuyển đổi cao.

Thế nhưng, lời khuyên được đưa ra từ một chuyên gia lĩnh vực chứng khoán là nhà đầu tư nên thận trọng vì nếu dồn vốn vào cổ phiếu Southern Bank trong lúc này chưa hẳn đã thắng, ngược lại khó tránh thất bại.

Nguyên nhân đến thời điểm này, đề án sáp nhập cụ thể chưa có và lộ trình sáp nhập chưa được xác nhận mà phía Sacombank chỉ cho biết, cố gắng hoàn tất năm nay. Đáng chú ý, tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu Southern Bank sang Sacombank là bao nhiêu cũng chưa thể xác định, nhưng không thể có tỷ lệ 1 : 1.

Trong khi, Southern Bank và Sacombank lại tương đồng chủ sở hữu và bóng dáng cổ đông lớn phía sau là gia đình ông Trầm Bê. Nếu ông chủ của cả hai quyết định này quyết định tỷ lệ chuyển đổi là 3 cổ phiếu Southern Bank thành 1 cổ phiếu Sacombank, thì người mua 3 cổ phiếu Southern Bank phải bỏ ra gần 30.000 đồng để nắm giữ 1 cổ phiếu Sacombank, trong khi giá cổ phiếu Sacombank hiện chỉ xoay quanh 20.000 đồng/CP.

Còn giá cổ phiếu Southern Bank đang giao dịch trên sàn OTC cũng chưa bằng mệnh giá 10.000 đồng/CP và thanh khoản rất thấp. Bởi nhà băng này liên tục không trả một đồng cổ tức nào cho nhà đầu tư trong 3 năm gần đây khi kết quả lợi nhuận sụt giảm mạnh trong nhiều năm.

Cổ phiếu STB có thể xem là cổ phiếu có uy tín, từng giữ vai trò chỉ báo trên thị trường nhưng hiện đã mất dần vị thế. Thương vụ sáp nhập giữa Sacombank và SouthernBank đang rất được giới đầu tư chờ đợi và đặt nhiều kỳ vọng sẽ tổng hợp được sức mạnh cho Sacombank sau sáp nhập.

Tuy nhiên, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh doanh (BDI), sẽ mất ít nhất 2-3 năm, Sacombank sau sáp nhập mới ổn định và tăng trưởng trở lại, do phải gánh nợ xấu Southern Bank. Việc quản lý rủi ro không hiệu quả và tình hình kinh doanh không tốt của Southern Bank sẽ là gánh nặng cho Sacombank trong vài năm tới.

Ước tính Sacombank sẽ ghi nhận thêm chi phí dự phòng khoảng 1.589 tỷ đồng (tương đương 38% lợi nhuận hoạt động trước dự phòng trong năm 2014) để giải quyết nợ xấu của Southern Bank khi sáp nhập, với các giả định: 90% các khoản phải thu của Southern Bank (25.700 tỷ đồng, tương đương 34% tổng tài sản) mà đáng lý ra phải được phân loại là tín dụng.

Trong 6 tháng đầu năm, Sacombank đã vượt qua mọi khó khăn và thử thách để đạt được những kết quả kinh doanh khả quan. Cụ thể, tổng tài sản đạt 177.508 tỷ đồng (cuối 2013 là 161.378 tỷ), tổng dư nợ đạt 121.670 tỷ đồng (cuối 2013 là 110.567 tỷ) và huy động vốn đạt 157.633 tỷ đồng (cuối 2013 là 131.645 tỷ đồng).

Thu ngoài lãi đạt 551 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.531 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo giới phân tích chứng khoán, nợ xấu thực tế của Southern Bank cao gấp đôi tỷ lệ báo cáo đến cuối tháng năm 2013 xấp xỉ 4%; tỷ lệ dự phòng trên nợ xấu là 50% cho các khoản nợ xấu.

Nếu quả là như vậy thì sau sáp nhập (nhiều khả năng thương vụ Southern Bank - Sacombank hoàn tất trong năm nay) lợi nhuận ròng sau thuế trong năm 2014 của Sacombank được đánh giá sẽ giảm đến 67% so với năm 2013 (thay vì tăng 4% như ước tính trước khi sáp nhập Southern Bank).

Không chỉ với thương vụ sáp nhập nói trên mà ngay cả những NH đã hoàn tất M&A trước đó cho thấy, cũng gặp phải không ít khó khăn, ngay cả khi tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu 1:1. Chẳng hạn, sau sáp nhập HDBank cũng chưa thể thực hiện ngay chiến lược đẩy mạnh bán lẻ, cho dù đã tận dụng được mạng lưới DaiA Bank, nhưng phải xử lý nợ xấu.

Cổ phiếu HDBank giao dịch trên sàn OTC vẫn dưới mệnh giá và khả năng NH này cũng khó thực hiện kế hoạch lên sàn trong năm nay. Tương tự, với SHB sau khi tiếp quản Habubank cũng phải gánh khoản nợ xấu đến 1.800 tỷ đồng và đang từng bước xử lý.

Sau sáp nhập Habubank, SHB mở rộng quy mô tài sản, mạng lưới, nhân sự nhưng cũng phải cáng đáng khoản lỗ khủng tới 1.105 tỷ đồng vào cuối năm 2012. Vì thế, dù một cổ phiếu cũ Habubank được chuyển đổi thành 0,75 cổ phiếu SHB mới và một cổ phiếu SHB cũ được nhận thêm 0,21 cổ phiếu SHB mới vẫn được xem là có lợi cho cổ đông của cả 2 bên, song thực tế thời gian qua cổ phiếu SHB không thể tăng.

Rõ ràng, sau M&A, giá trị của doanh nghiệp mới sẽ được tăng lên so với hai doanh nghiệp riêng rẽ trước khi sáp nhập, nhờ hưởng lợi từ sự hợp lực. Tuy nhiên, những thương vụ M&A trong lĩnh vực NH tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại vẫn thiên về xu hướng tái cơ cấu lại hệ thống NH nhiều hơn, chứ không phải nhằm tối đa hóa lợi nhuận cho cổ đông.

Do đó, xét về trường hợp nhà đầu tư theo xu hướng chọn các cổ phiếu của những NH chuẩn bị sáp nhập thêm một nhà băng nhỏ khác, với kỳ vọng hưởng lợi khi chuyển đổi sang NH lớn thì yếu tố lời, lỗ phụ thuộc vào giá trị giao dịch so với giá trị thực của doanh nghiệp.

Hà Linh (Doanh nhân SG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.