21/07/2022 9:16 AM
Trong vòng xoáy của “bão giá” nguyên, nhiên liệu đầu vào, các doanh nghiệp thép, xi măng đang phải gồng mình co kéo, cân đối chi phí để đảm bảo hoạt động sản xuất.

Thiếu hụt nguyên, vật liệu đầu vào

Nền kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn, thách thức do những tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Bên cạnh đó, cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine đã gây ra những căng thẳng mới, làm gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên vật liệu và gia tăng áp lực lạm phát.

Tại thị trường trong nước, bên cạnh giá xăng dầu liên tiếp tăng cao, các loại nguyên vật liệu đầu vào cho các ngành sản xuất vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong đó, xi măng và thép là hai ngành chịu áp lực lớn nhất của đà tăng mặt hàng này khi mà phần lớn nguồn nguyên liệu sản xuất đều nhập khẩu.

Xi măng là ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc tăng giá nguyên, nhiên liệu đầu vào

Bên cạnh chi phí đầu vào tăng cao, thị trường xây dựng đình trệ cũng là nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp ngành sản xuất vật liệu xây dựng lao đao trong cơn bão giá.

Theo Hiệp hội xây dựng Việt Nam, xi măng là ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc tăng giá nguyên, nhiên liệu. Trên thực tế, hiện giá than nội địa đã tăng lên 4 triệu đồng/tấn, từ mức 1,8 triệu đồng/tấn trước đây. Giá than cám 4b nhập khẩu cũng tăng lên 5,5 triệu đồng/tấn.

Dù vậy, các doanh nghiệp trong ngành xi măng cũng không thể mua được than, do lượng than được ưu tiên cho nhiệt điện. Việc nhập khẩu than cũng gặp nhiều trở ngại do khó thuê tàu vận chuyển, dù chấp nhận chi phí logistics cao ngất ngưởng.

Trong khi đó, than là nguyên liệu chiếm khoảng 35-40% trong cơ cấu giá thành sản xuất xi măng, nhưng giá loại nhiên liệu này tăng rất mạnh, hơn 200% so với giá cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, một nguyên liệu quan trọng nữa trong sản xuất xi măng là thạch cao cũng tăng giá 50%.

Việc thiếu hụt nguồn cung than và đá vôi khiến các nhà sản xuất phải mua nguyên vật liệu ở mức giá cao từ các nhà nhập khẩu, làm đội chi phí sản xuất, qua đó khiến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp này giảm mạnh.

Hiện nay, dù giá bán xi măng đã được điều chỉnh, tăng giá 3 lần từ đầu năm, nhưng vẫn chưa đủ bù đắp mức tăng của chi phí đầu vào. Ước tính, giá thành sản xuất xi măng khoảng từ 1,4-1,5 triệu đồng/tấn, nhưng thực tế giá bán ra thị trường cũng ở mức tương đương khiến các doanh nghiệp ngành này hầu như không có lợi nhuận, thậm chí có nhiều doanh nghiệp mấp mé bên bờ vực thua lỗ.

Ngành thép trong nước hiện nay vẫn đang phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu

Tương tự, các doanh nghiệp ngành thép hiện nay vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Việc thiếu chủ động nguyên liệu trong bối cảnh giá thép thế giới biến động bất thường bởi các căng thẳng kinh tế, thương mại khiến giá loại vật liệu này biến động thép giá thép thế giới.

Trong năm 2022, Việt Nam phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thép như quặng sắt cho các lò cao khoảng hơn 18 triệu tấn, thép phế khoảng 6-6,5 triệu tấn cho các lò điện, than mỡ luyện cốc khoảng 6,5 triệu tấn và điện cực graphite khoảng 10.000 tấn.

Mặc dù phải nhập khẩu nguyên liệu đầu vào nhưng nguồn cung thép xây dựng trong nước vẫn dư thừa. Nhu cầu suy yếu đã khiến lượng tồn kho thép xây dựng tăng cao.

Để tháo gỡ khó khăn, nhiều nhà máy thép đã buộc phải phải cắt giảm sản xuất từ 3 ca/ngày xuống còn 2 ca/ngày, thậm chí có những giai đoạn phải dừng sản xuất.

Loay hoay ổn định sản xuất

Trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường, các doanh nghiệp thép, xi măng đang co kéo để duy trì hoạt động sản xuất, hoàn thành mục tiêu kinh doanh đã đề ra từ đầu năm.

Với ngành xi măng, với việc chi phí sản xuất tăng mạnh buộc doanh nghiệp ngành này phải tính tới giải pháp nhằm cắt giảm tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, gia tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Điển hình, Xi măng Vicem Hoàng Mai đã sửa chữa, cải tạo chiều sâu, xử lý nút thắt công đoạn lò nung clinker tại dây chuyền sản xuất. Kết quả cho thấy việc tiêu hao nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào giảm đi đáng kể.

Ngoài ra, doanh nghiệp này còn dự kiến thay thế từ 30-40% thạch cao tự nhiên đang sử dụng trong sản xuất xi măng bằng thạch cao nhân tạo hoặc thạch cao khan có giá cạnh tranh để tối ưu chi phí sản xuất. Cùng với đó là tiếp tục tận dụng, tăng tỷ lệ pha tro, xỉ trong sản xuất xi măng ở mức tối đa cho phép.

Tương tự, Xi măng Vicem Bút Sơn đã tăng cường sử dụng nguyên nhiên liệu thay thế, như dùng rác thải công nghiệp để đốt thay cho than, sử dụng bùn thải, tro bay, tro xỉ nhiệt điện, tro xỉ thép, thạch cao... làm phụ gia sản xuất xi măng.

Thời gian tới, các doanh nghiệp xi măng sẽ bám sát diễn biến tình hình giá cả nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào để điều chỉnh tăng giá bán xi măng, clinker linh hoạt, phù hợp với thực tế thị trường để bù đắp tối đa phần chi phí sản xuất bị tăng thêm do than và nguyên liệu đầu vào tăng giá.

Thúc đẩy giải ngân đầu tư công đóng vai trò then chốt trong việc tiêu thụ mặt hàng thép, xi măng

Trong giai đoạn 6 tháng đầu năm, nhu cầu thấp khiến tiêu thụ mặt hàng thép chậm lại, tình trạng cung vượt cầu làm mức độ cạnh tranh giữa các nhà sản xuất thép ngày càng trở nên gay gắt, ảnh hưởng sản lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Ngành thép phụ thuộc rất nhiều vào thị trường bất động sản, đầu tư hạ tầng cũng như việc xây mới, sửa chữa nhà ở của người dân. Do đó, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thép, việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công đóng vai trò then chốt, tác động đến tiêu thụ mặt hàng thép xây dựng.

Bên cạnh đó, cần xây dựng các tổ hợp luyện kim quy mô lớn, tập trung sản xuất các loại thép có dung lượng thị trường lớn để bước đầu làm chủ công nghệ sản xuất. Từ đó tiếp tục sản xuất các mác thép đặc biệt, thép hợp kim chất lượng cao phục vụ đa dạng nhu cầu ngành cơ khí, chế biến chế tạo.

Mặt khác, khuyến khích các nhà đầu tư mới đầu tư khu liên hợp sản xuất gang thép tại các vùng duyên hải, có cảng nước sâu. Đối với vấn đề thị trường, cần đa dạng hóa sản phẩm thép, mở rộng các thị trường nước ngoài đối với các loại thép có lợi thế cạnh tranh, xuất khẩu các sản phẩm thép có giá trị gia tăng trong nước cao.

Tháo gỡ được khó khăn của ngành thép cũng là sẽ giải quyết được bài toán của ngành xi măng trong bối cảnh chịu nhiều áp lực cạnh tranh và những tác động ảnh hưởng của thị trường trong và ngoài nước.

  • “Chóng mặt” với giá vật liệu xây dựng nửa đầu năm 2022

    “Chóng mặt” với giá vật liệu xây dựng nửa đầu năm 2022

    Trong nửa đầu năm 2022, thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) đã chứng kiến nhiều mặt hàng tăng giá chóng mặt. Giá sắt thép tăng cao hơn 35%, xi măng, gạch, ngói, kính, nhôm… đồng loạt tăng “phi mã” khiến nhiều doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng mấp mé bên bờ vực thua lỗ.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.