Năm 2008, Nhà nước mới chỉ đầu tư xây được tuyến kè chắn sóng phía đông nam cho người dân trên đảo Lý Sơn
Chỉ tay về khu đất hoang hóa nằm sát mé biển thuộc Hang Cau, xã An Hải, huyện Lý Sơn, ông Nguyễn Văn Lý - người dân đảo - buồn bã nói: “Hồi trước bà con ở đây trồng hành, trồng tỏi ra tận ngoài ấy nhưng giờ phải nhường lại cho biển, không thể tiếp tục canh tác. Chỉ cần một đợt biển động là sóng biển lại phủ trắng, tiếp tục gây sạt lở nặng”.
Tại khu vực Hang Cau có hàng chục hecta đất đã bị nước biển xâm thực, kéo ra biển. Riêng hai năm trở lại đây, đặc biệt là cơn bão số 9 năm 2009, khu vực này đã mất hơn 6ha đất canh tác của người dân trong vùng.
Ông Dương Ngọc Thành, ngụ xã An Hải, bỏ ra hàng trăm triệu đồng xây dựng khu nghỉ mát với tên gọi Hoàng Sa ở ngoài mé biển cũng đứng ngồi chẳng yên với khối tài sản của mình khi biển có thể ập vào cuốn đi bất cứ lúc nào. “Đợt rồi gặp bão, khu nghỉ mát của tui bị sóng đánh nát, hư hỏng gần như toàn bộ nên bây giờ cũng không dám làm lại để tiếp tục kinh doanh vì sợ sóng biển lại phá. Bà con trong vùng ở phía nam đảo Lý Sơn này lo lắng lắm” - ông Thành kể. Tình trạng sạt lở, biển xâm thực đang diễn ra nghiêm trọng ở khu phía tây và phía bắc huyện đảo này.
Ông Nguyễn Đình Trung, phó giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư và xây dựng huyện Lý Sơn, cho biết huyện đảo ngày càng bị thu hẹp. Nếu như cách đây 40 năm, huyện Lý Sơn có tổng diện tích khoảng 1.400ha thì nay chỉ còn lại vỏn vẹn 997ha. Mỗi năm nước biển lại tiếp tục ăn sâu vào đất đảo trung bình 7-8ha.
“Đất trên đảo bị nước biển lấn là một thực trạng đáng báo động. Con số 997ha đất sẽ không dừng lại ở đó mà tiếp tục bị thu hẹp nếu như không có các giải pháp cấp bách để giữ đảo” - ông Trung nói. Giải pháp được chính quyền địa phương Lý Sơn và người dân đưa ra để bảo vệ đảo là cần đầu tư xây dựng kè chống sạt lở.
“Chỉ có xây kè chắn sóng, chống xói lở may ra mới giữ được đất, không để nước biển tiếp tục xâm thực” - lão ngư Bùi Thành nói.
Năm 2008, Nhà nước đã đầu tư xây dựng tuyến kè chắn sóng đông nam đảo với số vốn đầu tư gần 200 tỉ đồng (dự kiến tháng 7-2011 sẽ hoàn thành). Nhờ có tuyến kè này nên diện tích trên đảo ở khu đông và khu nam thoát được tình trạng sạt lở. Trong khi đó, tại khu tây và khu bắc của đảo vẫn chưa được đầu tư xây dựng kè chắn sóng nên biển vẫn tiếp tục xâm thực và ngày càng nghiêm trọng hơn.
Ông Trần Ngọc Nguyên, chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho rằng việc đầu tư xây dựng tuyến kè quanh đảo là rất cần thiết và cấp bách để giữ đảo được nguyên trạng diện tích đất trong thời điểm hiện tại, tạo điều kiện cho người dân yên tâm sản xuất, sinh sống.
“Huyện đang làm tờ trình kiến nghị với tỉnh, trung ương đầu tư khẩn cấp tuyến kè ở phía tây và phía bắc của huyện để hạn chế tình trạng sạt lở như lâu nay”, ông Nguyên nói.
Thời tiết ngày càng khắc nghiệt, biển sẽ tiếp tục đe dọa Lý Sơn. Đất đảo tiền tiêu của Tổ quốc sẽ tiếp tục teo tóp nếu không hành động ngay từ bây giờ.