Cao hơn bình quân cả nước
Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, năm 2020, tổng vốn đầu tư công của An Giang được giao hơn 4.914 tỷ đồng. 5 tháng đầu năm 2020, giá trị giải ngân đạt gần 1.611 tỷ đồng, tương đương 32,78% kế hoạch. Sau Tết Nguyên đán, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, việc áp dụng biện pháp hạn chế tụ tập đông người và thực hiện cách ly xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh đã tác động làm chậm tiến độ triển khai thực hiện các công trình, dự án.
Một vấn đề đáng lo khác là tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2018, 2019 được kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2020 vẫn rất chậm. Trong tổng kế hoạch vốn kéo dài hơn 743 tỷ đồng, đến hết tháng 5-2020, chỉ mới giải ngân được gần 108 tỷ đồng (đạt 14,59%). Theo Nghị quyết số 84/NQ-CP, ngày 29-5-2020 của Chính phủ, chỉ còn khoảng 3 tháng nữa là phải hoàn thành giải ngân dứt điểm các kế hoạch vốn này.
Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Võ Chí Trung cho biết, nguyên nhân giải ngân chậm tiến độ là do các kế hoạch vốn vừa mới được hoàn thành thủ tục để kéo dài thực hiện và giải ngân sang năm 2020 vào cuối tháng 3, thời điểm giao vốn trùng với cao điểm chống dịch bệnh COVID-19, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án.
Các dự án hoàn thành góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển
Qua đánh giá, một số dự án có tỷ lệ giải ngân thấp như: dự án xây dựng hệ thống thủy lợi vùng cao thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm phục vụ tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp cho đồng bào vùng Bảy Núi - An Giang; dự án kè chống sạt lở sông Hậu, đoạn qua xã Châu Phong; dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP. Long Xuyên; dự án nâng cấp tuyến đường liên tỉnh nối từ huyện Châu Phú (An Giang) qua khu vực Tứ giác Long Xuyên nối với huyện Hòn Đất (Kiên Giang)...
Theo ông Võ Chí Trung, cộng dồn số vốn đầu tư công năm 2018, 2019 kéo dài sang năm 2020 chưa giải ngân và số vốn còn lại của năm 2020, tổng kế hoạch vốn cần phải giải ngân đến cuối năm là hơn 4.000 tỷ đồng. Áp lực giải ngân vốn năm 2020 rất lớn, cần phải tập trung tháo gỡ nút thắt để hoàn thành.
Tăng trách nhiệm người đứng đầu
Theo đánh giá của UBND tỉnh, năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để tập trung chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư công giai đoạn tiếp theo (2021-2025). Việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân không chỉ có ý nghĩa sử dụng hết nguồn vốn được phân bổ mà quan trọng hơn là tạo động lực duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết, lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Thời gian qua, công tác quản lý chất lượng công trình trên địa bàn An Giang có những chuyển biến tích cực, chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh ngày càng nâng cao. Nhiều công trình sau khi nghiệm thu, đưa vào khai thác sử dụng đã mang lại hiệu quả thiết thực, phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công của các dự án đầu tư xây dựng.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình yêu cầu các sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư có dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương phải tập trung quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp, phấn đấu đến hết ngày 30-9-2020, phải đạt tỷ lệ giải ngân trên 60% kế hoạch vốn được giao theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nếu đến thời điểm quy định mà giải ngân không đạt, bị Trung ương cắt vốn thì thủ trưởng các đơn vị, chủ đầu tư, các ban quản lý dự án phải tổ chức kiểm điểm và trực tiếp chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Các sở, ngành, địa phương rà soát đối với các dự án không đảm bảo khả năng thanh toán, giải ngân hết kế hoạch vốn để gửi về Sở KH&ĐT tổng hợp, đề xuất UBND tỉnh điều chuyển vốn cho các dự án khác hoàn thành nhưng thiếu vốn giải ngân trong năm 2020.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, gắn với trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan trong việc bảo đảm tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Đồng thời, có quy định cụ thể về chế tài đối với tổ chức, cá nhân, người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng chậm giải ngân các dự án đầu tư công thuộc lĩnh vực mình phụ trách; xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm, làm chậm, nhũng nhiễu, gây khó khăn trong triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Đối với các chủ đầu tư xây dựng, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục đầu tư, tổ chức lựa chọn nhà thầu có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm để triển khai dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình; kiên quyết xử lý theo quy định pháp luật đối với những nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu, vi phạm hợp đồng, làm chậm tiến độ dự án. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, giao ban định kỳ để xử lý các vướng mắc và có các biện pháp hữu hiệu nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân kế hoạch vốn được giao; kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công để tỉnh chỉ đạo tháo gỡ…
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, địa phương phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện từng dự án, đặc biệt đối với cấp huyện, phải phân công cụ thể các đồng chí trong Thường trực UBND huyện theo dõi từng dự án. Đồng thời, lập kế hoạch giải ngân của từng dự án, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án; xem kết quả giải ngân của từng dự án được phân công theo dõi là căn cứ, tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020. |
-
An Giang chi hơn 860 tỷ đồng nâng cấp tuyến đường nối TP. Long Xuyên với huyện Châu Thành
Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 10,942 km. Sau khi hoàn thiện, Dự án góp phần giảm áp lực giao thông đoạn Quốc lộ 91 qua địa phận thị trấn An Châu và Đường tỉnh 941, phát triển kinh tế - xã hội huyện Châu Thành....
-
Chậm nhất tháng 10/2024 hoàn thành cấp phép mỏ để cung ứng vật liệu cho các dự án cao tốc
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm đề nghị các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Sóc Trăng tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, xử lý dứt điểm và hoàn thành toàn bộ các thủ tục cấp phép mỏ, chậm nhất trong tháng 10/2024 đ...
-
An Giang chấm dứt hoạt động dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng 748 tỷ đồng
Lý do chấm dứt hoạt động, nhà đầu tư tự quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư.