20/10/2023 10:36 AM
Tổng công ty Xây dựng cảng Trung Quốc (CHEC), Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc (CCCC) đều bày tỏ mong muốn được tham gia đầu tư nhiều dự án hạ tầng quan trọng ở Việt Nam như các dự án cao tốc, đặc biệt đường sắt tốc độ cao.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vừa có buổi làm việc với lãnh đạo Tổng công ty Xây dựng cảng Trung Quốc (CHEC) và Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc (CCCC). Đây là hoạt động trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Sáng kiến Vành đai và Con đường đang diễn ra tại Trung Quốc.

Tại buổi làm việc này, lãnh đạo của hai doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc bày tỏ mong muốn được tham gia đầu tư nhiều dự án hạ tầng lớn ở Việt Nam như cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận mở rộng, TP.HCM – Mộc Bài, Đồng Đăng – Trà Lĩnh và dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam.

Được biết, cả hai doanh nghiệp CHEC và CCCC đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1996 và đã tham gia đầu tư nhiều dự án hạ tầng , năng lượng từ đó cho đến nay như Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cảng Cái Mép - Thị Vải, nhiệt điện Vĩnh Tân - Bình Thuận và một số dự án điện gió.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam hoan nghênh các tập đoàn có năng lực về tài chính, công nghệ và trình độ quản lý cao tham gia đấu thầu các dự án hạ tầng trọng điểm.

Trong thời gian tới, Việt Nam mời gọi các nhà đầu tư tham gia vào nhiều dự án trọng điểm từ cao tốc, đường sắt, cảng biển, sân bay, hạ tầng năng lượng…

Liên quan đến dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, từ tháng 3/2023, Bộ Chính trị đã ban hành kết luận về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đặt mục tiêu năm 2025 hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam và khởi công trước 2030.

Hai đoạn sẽ được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2026 – 2030 gồm Hà Nội – Vinh và TP.HCM – Nha Trang.

Trước đó vào năm 2019, Bộ Giao thông Vận tải đã trình Chính phủ báo cáo tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Theo nội dung báo cáo này, tuyến sẽ đi qua 20 tỉnh thành từ Hà Nội đến TP.HCM. Đây là tuyến đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/h, tốc độ khai thác 320 km/h.

Trên tuyến có 20 ga hành khách, đoàn tàu sử dụng công nghệ động lực phân tán. Tổng mức đầu tư sau thẩm tra là 64 tỉ USD.

Tuy nhiên, Hội đồng thẩm định Nhà nước sau khi đánh giá báo cáo tiền khả thi đã đưa ra đề xuất khác.

Cụ thể, sẽ đầu tư tuyến đường sắt vừa chở khách, vừa chở hàng tốc độ khai thác 225 km/h cho tàu khách, 160 km/h cho tàu hàng. Trên tuyến có 50 ga hành khách và 20 ga hàng hóa. Tổng mức đầu tư sơ bộ là 61 tỉ USD.

Nguyễn Văn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.