Tăng trưởng tín dụng trong cả năm 2019 sẽ được điều hành ở ngưỡng khoảng 14%
Đến ngày 25/3, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 2,28%, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,67% so với cuối năm 2018.
Trước đó theo công bố của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20/3, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 1,9%, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,54% và huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 1,72%.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, gần đây một số ngân hàng thương mại có động thái tăng lãi suất kỳ trung hạn và dài hạn nhằm cơ cấu lại nguồn vốn huy động theo yêu cầu của Ngân hàng nhà nước.
Hiện mặt bằng lãi suất huy động phổ biến ở mức 0,5%-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5%-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,5%-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,6%-7,3%/năm.
Lãi suất cho vay phổ biến khoảng 6%-9%/năm đối với ngắn hạn và 9%-11%/năm đối với trung và dài hạn. Cơ cấu tín dụng tiếp tục theo hướng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh được ưu tiên, các dự án lớn trọng tâm, trọng điểm theo chủ trương của Chính phủ nhằm hỗ trợ có hiệu quả cho tăng trưởng kinh tế.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng trong cả năm 2019 sẽ được điều hành ở ngưỡng khoảng 14%, có thể điều chỉnh để phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp trong quý đầu năm 2019, trong đó chú trọng các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ khởi nghiệp; kiểm soát tín dụng ở một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, ngăn ngừa tình trạng bong bóng bất động sản trong năm 2019 và có biện pháp hạn chế tín dụng đen.