Cầu Nhơn Trạch, hạng mục thuộc Dự án Đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh phục vụ kết nối Sân bay Long Thành với Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thông xe kỹ thuật vào cuối tháng 4 tới. Ảnh: P.Tùng
Hiện nay, bên cạnh các tuyến giao thông kết nối đã có trong quy hoạch, một số dự án mới cũng đã được đề xuất thực hiện để tăng cường kết nối Sân bay Long Thành với các tỉnh trong vùng ĐNB.
Kết nối sân bay với “thủ phủ” du lịch mới
Theo quy hoạch, để kết nối Sân bay Long Thành, có hàng loạt tuyến đường cao tốc, đường vành đai sẽ được đầu tư xây dựng, mở rộng. Trong các tuyến đường này, ngoài tuyến đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây hiện đã được đưa vào khai thác phục vụ kết nối Sân bay Long Thành với các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ, các tuyến còn lại đều chủ yếu phục vụ mục tiêu kết nối sân bay với các tỉnh vùng ĐNB.
Cụ thể, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ phục vụ kết nối từ Sân bay Long Thành đến cụm Cảng Cái Mép - Thị Vải cũng như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong khi đó, các tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phục vụ kết nối từ Sân bay Long Thành đến Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nam Bộ.
Theo kế hoạch, các dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; Biên Hòa - Vũng Tàu, đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh và nâng cấp, mở rộng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm 2026, đồng bộ với thời gian khai thác Sân bay Long Thành giai đoạn 1.
Ngoài các tuyến đường nói trên, để tăng cường kết nối Sân bay Long Thành với các khu vực trọng điểm phát triển trong vùng ĐNB, các địa phương cũng đã đề xuất thêm một số dự án mới.
Cuối năm 2024, trong chuyến kiểm tra tiến độ Dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nghiên cứu để triển khai các tuyến giao thông kết nối thẳng từ Hồ Tràm về Sân bay Long Thành để phát triển khu vực Hồ Tràm hiệu quả hơn.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đầu tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề xuất phương án giao thông kết nối từ Sân bay Long Thành đến Hồ Tràm. Theo đó, địa phương đề xuất Chính phủ cho triển khai xây dựng tuyến đường cao tốc kết nối từ Sân bay Long Thành đến Hồ Tràm với chiều dài 41km.
Dự án có điểm đầu kết nối với đường vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh đoạn thuộc huyện Châu Đức và điểm cuối nối với đường ven biển Vũng Tàu - Bình Thuận thuộc huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là đường cao tốc đô thị quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh (quy hoạch trong tương lai là 6 làn xe), vận tốc thiết kế 100km/h. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến khoảng 17 ngàn tỷ đồng.
Tháng 2-2025, UBND tỉnh Bình Phước cũng đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) đề xuất phương án khôi phục cầu Mã Đà kết nối tuyến đường tỉnh 753 (tỉnh Bình Phước) với đường tỉnh 761 (tỉnh Đồng Nai). Theo UBND tỉnh Bình Phước, đây là tuyến đường ngắn nhất và nhanh nhất kết nối các tỉnh Tây Nguyên (qua tỉnh Bình Phước) với tỉnh Đồng Nai để đi đến Sân bay Long Thành và Cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải.
Làm đường sắt kết nối 2 sân bay
Bên cạnh các tuyến đường bộ, trong quy hoạch, có 2 tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành và Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ được đầu tư xây dựng để phục vụ kết nối Sân bay Long Thành với các tỉnh, thành trong vùng ĐNB.
Tuy nhiên, để tăng cường mạng lưới đường sắt kết nối với Sân bay Long Thành, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các địa phương, cơ quan chức năng nghiên cứu, đầu tư thêm tuyến đường sắt kết nối từ Sân bay Tân Sơn Nhất đến Sân bay Long Thành.
Ngày 18-3 vừa qua, Bộ Xây dựng đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về đường sắt kết nối giữa 2 sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành. Bộ Xây dựng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bộ đã phối hợp với UBND Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu tuyến đường sắt kết nối 2 sân bay trong hồ sơ điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Theo đó, sẽ quy hoạch 2 tuyến đường sắt kết nối giữa 2 sân bay gồm: tuyến đường sắt đô thị số 6 kết nối Sân bay Tân Sơn Nhất với tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành (nút giao Phú Hữu). Sau đó, dùng chung hạ tầng tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành kết nối đến Sân bay Long Thành. Lộ trình đầu tư trước năm 2030; tuyến đường sắt đô thị số 2 kết nối Sân bay Tân Sơn Nhất đến Ga Thủ Thiêm, sau đó theo tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành để kết nối đến Sân bay Long Thành. Lộ trình đầu tư trước năm 2030.
Cũng theo Bộ Xây dựng, hiện Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh đã xác định tuyến đường sắt đô thị số 2 và tuyến đường sắt đô thị số 6 do UBND Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì đầu tư.
Ngày 20-3, trong chuyến thăm, kiểm tra tiến độ Dự án Sân bay Long Thành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp tục yêu cầu các cơ quan chức năng, các địa phương nghiên cứu, đẩy nhanh tiến độ đầu tư tuyến đường sắt kết nối Sân bay Tân Sơn Nhất với Sân bay Long Thành. Trong đó, Thủ tướng lưu ý phương án đầu tư tuyến tàu điện ngầm để có thể khai thác ổn định trong lâu dài.
-
Sân bay Long Thành sẽ bay thử nghiệm chuyến đầu tiên trong tháng 12/2025
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi kiểm tra tiến độ thực tế công trình xây dựng dự án sân bay quốc tế Long Thành ngày 20/3/2025.
-
Dự án sân bay lớn nhất cả nước vừa được điều chỉnh ra sao?
Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 84/TB-VPCP ngày 7/3/2025 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về điều chỉnh Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
-
Phó Thủ tướng yêu cầu đảm bảo tiến độ sân bay Long Thành và loạt hạ tầng kết nối
Chiều 9/1, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã kiểm tra tiến độ tổng thể dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, làm việc với các bộ, ngành, chủ đầu tư, nhà thầu thi công các dự án thành phần.







-
Đồng Nai nhận chỉ đạo nóng của Bộ Xây dựng về cung ứng vật liệu xây dựng
Bộ Xây dựng đề nghị tỉnh Đồng Nai chủ động kiểm tra, kiểm soát việc khai thác vật liệu đá trên địa bàn của các chủ đầu tư, nhà thầu, không để xảy ra tình trạng còn nguồn vật liệu tại các mỏ nhưng không thể cấp cho các dự án trọng điểm khác....
-
Đồng Nai phê duyệt quy hoạch Khu công nghiệp tạo thêm 18.000 việc làm
UBND tỉnh Đồng Nai vừa phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp (KCN) Phước An tại huyện Nhơn Trạch, với tổng diện tích gần 330 ha.
-
Chủ đầu tư siêu đô thị hơn 72.000 tỷ đồng ở Biên Hòa phải làm xong việc này trước ngày 10/5/2025
Trong buổi kiểm tra thực thực tế tiến độ dự án khu đô thị Hiệp Hòa, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã có những chỉ đạo với các cơ quan ban ngành liên quna và chủ đầu tư dự án.