Tầng hầm chung cư Khánh Hội 1 - Ảnh: Thanh Đông
Chung cư Khánh Hội 1 (số 360C Bến Vân Đồn, Q.4, TP.HCM) do Công ty CP xuất nhập khẩu Khánh Hội làm chủ đầu tư. Trong Quy chế tạm thời về quản lý sử dụng do Tổng giám đốc Lê Văn Truông ký ngày 8.3.2005, đính kèm hợp đồng mua bán giao cho khách hàng có quy định: Phần sở hữu chung bao gồm thang máy, hộp kỹ thuật, nơi để xe…
Bán tầng hầm 1,4 tỉ đồng
Thế nhưng nhiều cư dân ở đây rất bức xúc bởi sau khi họ mua căn hộ, vào ở một thời gian thì chủ đầu tư lại cho rằng tầng hầm, nơi để xe là thuộc sở hữu riêng của công ty.
“Tầng hầm có diện tích 5.238,7 m2, theo bản quy chế khi bán căn hộ là thuộc sở hữu chung của cộng đồng cư dân. Nhưng sau khi ban quản trị (BQT) được thành lập, chủ đầu tư cho rằng tầng hầm là sở hữu riêng của họ và rao bán cho BQT với giá hơn 1,4 tỉ đồng”, bà Lê Thị Giáng Hương, chủ hộ C012 bức xúc.
Ông Ngô Tuấn Anh, thành viên BQT, cũng xác nhận: “Ngày 19.9.2013, chủ đầu tư gửi công văn khẳng định tầng hầm thuộc sở hữu riêng của họ và đưa ra yêu cầu sang nhượng với giá 1.450.815.992 đồng, cho trả góp 10 năm”.
Không chấp nhận vì cho rằng kiểu kinh doanh như vậy, BQT và nhiều hộ dân đã làm đơn khiếu nại, nhưng chủ đầu tư vẫn giữ nguyên quan điểm. Bức xúc, một số hộ dân đã khởi kiện vụ việc đến TAND Q.4 và tòa đã thụ lý hồ sơ.
Trong khi đó, đại diện chủ đầu tư, Phó tổng giám đốc Lê Văn Nam vẫn cho rằng: “Theo hồ sơ, tài liệu cũng như quan điểm của chủ đầu tư thì tầng hầm thuộc sở hữu riêng của chủ đầu tư. Việc BQT cũng như các hộ dân khiếu kiện đó là quyền của họ”.
Một chung cư 2 quy chế
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết khi bán căn hộ ở thời điểm năm 2005, 2006… căn cứ vào quy định của Bộ Xây dựng, chủ đầu tư đã ban hành quy chế tạm thời về quản lý sử dụng (không nêu rõ áp dụng đến thời điểm nào). Theo quy chế này, phần sở hữu chung bao gồm nơi để xe và tầng hầm chính là nơi để xe của các hộ dân chung cư.
Sau khi các hộ dân đã hoàn thành việc mua bán, ngày 9.3.2012, chủ đầu tư lại đơn phương ban hành Bản nội quy về quản lý và sử dụng chung cư. Trong đó, chủ đầu tư đã loại bỏ nơi để xe (tức tầng hầm) ra khỏi phần sở hữu chung như lúc rao bán căn hộ. Rõ ràng, không thể ban hành một bản nội quy sau khi bán căn hộ gần cả 10 năm, gây thiệt thòi cho quyền lợi của khách hàng.
Điều đáng nói là việc tranh chấp tương tự không chỉ xảy ra ở chung cư Khánh Hội 1 mà còn xảy ra ở nhiều chung cư khác trên địa bàn TP.HCM. Do vậy, các cấp thẩm quyền cần sớm vào cuộc để có biện pháp bảo vệ quyền lợi của những người mua căn hộ hợp pháp.
Yếu tố quan trọng để khách hàng chọn mua Trao đổi với Thanh Niên, luật sư Trần Kim Hoàng (Đoàn luật sư TP.HCM), phân tích: “Quy chế tạm thời quản lý sử dụng chung cư được đính kèm theo hợp đồng mua bán căn hộ giữa chủ đầu với khách hàng là một trong những yếu tố quan trọng khiến khách hàng chọn mua hay không mua căn hộ. Và đó được khách hàng xem như một phụ lục hợp đồng. Nếu chủ đầu tư ban hành quy chế mới có nội dung khác với quy chế tạm thời nhưng người mua không đồng tình, khởi kiện thì phụ lục hợp đồng là một căn cứ quan trọng để giải quyết”. |