CafeLand - Nhà ở giá vừa túi tiền, cụ thể là loại căn hộ dưới 25 triệu đồng/m2 đang dần biến mất trên thị trường trong khi nhu cầu nhà ở của người dân với phân khúc này luôn cao.

Thông tin trên được các chuyên gia đưa ra Hội thảo: “Phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025: Phân khúc nào phù hợp?”.

Nguồn cung vắng dần

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho biết, khoảng 2 năm trở lại đây, không khó để nhận ra một thực tế là thị trường bất động nhà ở tại các đô thị xuất hiện tình trạng lệch pha cung - cầu. Trong khi nhu cầu nhà ở của người dân và nhu cầu đầu tư kinh doanh bất động sản tại các đô thị lớn trên cả nước ngày một tăng cao thì số lượng dự án được phê duyệt đầu tư rất hạn chế. Điều này đã tạo nên sự khan hiếm nguồn cung cho thị trường.

Điều đáng nói, cơ cấu nguồn cung nhà ở cũng không tương tích với nhu cầu. Chẳng hạn tại TP.HCM, loại hình nhà ở giá rẻ (dưới 25 triệu đồng/m2) đã biến mất, còn tại Hà Nội, tỷ trọng của phân khúc này cũng rất thấp, chỉ khoảng 10%

“Vì vậy, đại bộ phận người dân là những người có thu nhập thấp như cán bộ, công nhân viên, người lao động đang mất dần khả năng sở hữu nhà ở”, ông Hà nhận định.

Giai đoạn 2019-2020 là giai đoạn phân khúc giá rẻ loay hoay mãi vẫn chưa tìm được động lực mới để phát triển.

Đồng quan điểm, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ và nhà ở xã hội có sự phát triển mạnh và chiếm tỷ trọng cao trên thị trường giai đoạn 2014-2016. Nhưng đến năm 2016 loại hình này mất động động lực và dừng lại khi gói 30 nghìn tỷ kết thúc.

Từ đó đến giai đoạn 2019-2020 là giai đoạn phân khúc giá rẻ loay hoay mãi vẫn chưa tìm được động lực mới để phát triển. Trong khi đó câu chuyện phát triển nhà ở cho thuê cho người thu nhập thấp dù bàn rất nhiều nhưng vẫn thiếu vắng sản phẩm cung ứng ra thị trường.

“Covid-19 ập đến, các ngành kinh tế bị tác động trong đó có bất động sản cũng bị tác động nhưng giá nhà ở các đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội vẫn tăng, đặc biệt ở TP.HCM có nơi đã tăng đến 30%”, ông Võ nói và lý giải hiện tượng này xảy ra là do các đô thị lớn rất cẩn trọng trong việc phê duyệt dự án nhà ở. Chẳng hạn tại TP.HCM, lượng dự án được phê duyệt chỉ bằng 10% so với các năm trước. Chính nguồn cung giảm đã đẩy giá nhà tăng và sẽ tăng tiếp trong nhiều năm tới.

Cần chiến lược dài hạn

Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) thừa nhận, thị trường bất động sản hiện nay đang tồn tại nhiều vướng mắc. Trong đó, mất cân đối nguồn cung đang là thực tế diễn ra khi thị trường thiếu hụt nguồn cung nhà ở có mức giá dưới 25 triệu đồng/m2.

Trong khi đó theo ông Khởi, trên thực tế nhu cầu đối với các dự án trung cấp giá từ 25 triệu đồng/m2 chỉ chiếm 20-30% nhu cầu, còn nhà ở có giá dưới 25 triệu đồng/m2 nhu cầu lên đến 70-80%.

Trong các năm qua có 5.000 dự án bất động sản, nhưng rất ít dự án nhà ở bán giá dưới 25 triệu đồng/m2, nguồn lực tập trung cho loại hình này cũng rất ít. Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư hiện nay không muốn dành quỹ đất 20% trong dự án thương mại để làm nhà xã hội.

Theo TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương, việc người nghèo là đối tượng khó tiếp cận nhà ở không chỉ là câu chuyện ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Chính vì vậy, nhiều nước phải thành lập cơ quan nhà ở quốc gia.

Ông Thành cho rằng, Việt Nam nên quan tâm đến động lực cho nguồn cung và quan tâm đến nhà cho thuê chứ không chỉ bán. Ngoài ra, cần đưa chương trình phát triển nhà ở thương mại giá rẻ vào trong chiến lược phát triển dài hạn.

“Gói vay 30.000 tỷ trước đó là kết hợp kích cầu với trợ cấp nhà ở xã hội chứ không chỉ riêng để phát triển nhà ở xã hội. Đã đến lúc cần có chiến lược, mục tiêu, công cụ thể phát triển nhà ở trong dài hạn chứ không phải thời vụ”, TS.Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Chủ đề: Nhà giá rẻ 25m2,
  • Doanh nghiệp thờ ơ với nhà giá rẻ

    Doanh nghiệp thờ ơ với nhà giá rẻ

    CafeLand - Theo đánh giá của các chuyên gia, nhiều doanh nghiệp đang thờ ơ với loại hình nhà giá thấp, trong khi nguồn cung phân khúc này đang thiếu, đặc biệt ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.