11/03/2024 2:47 PM
Tỉnh ủy Quảng Nam vừa phát đi thông báo truyền đạt ý kiến kết luận của ông Lương Nguyễn Minh Triết - Bí thư Tỉnh ủy tại buổi làm việc với Đảng ủy Sở Giao thông vận tải.

Cảng hàng không Chu Lai sẽ được đầu tư nâng cấp, mở rộng trong thời gian tới. Ảnh: Lưu Bang

Theo đó, ông Lương Nguyễn Minh Triết – Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam yêu cầu Sở Giao thông vận tải chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình chi tiết để triển khai thực hiện nhiệm vụ của ngành giao thông vận tải sau khi Quy hoạch tỉnh được công bố; định hướng triển khai, đề xuất cụ thể từng hạng mục, công trình đưa vào kế hoạch trung hạn, dài hạn để thực hiện.

Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam chủ động tham mưu, đề xuất các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, dùng ngân sách của tỉnh để làm đối ứng kích hoạt các nguồn vốn khác cùng tham gia, như vốn từ PPP, vốn ODA,…

Bên cạnh đó, huy động các nguồn vốn từ Trung ương để triển khai thi công các hạng mục, công trình giao thông.

Ông Triết cũng yêu cầu Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam khẩn trương phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu triển khai các dự án trọng điểm về giao thông đã cho chủ trương.

Cụ thể là, dự án mở rộng Quốc lộ 14E; Quốc lộ 14D; Quốc lộ 14G; Quốc lộ 40B; Nạo vét luồng Cửa Lở và hạ tầng bến tại Cảng Quảng Nam; Cảng hàng không Chu Lai; dự án Hoàn thiện đường Võ Chí Công; dự án Liên kết vùng Miền Trung; dự án Nạo vét, thoát lũ sông Cổ Cò; đường Vành đai phía Bắc, cầu Văn Ly;…

Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam chịu trách nhiệm thường xuyên đôn đốc, giám sát tiến độ triển khai thực hiện, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với những dự án này,…

Dự án đường ven biển mở ra không gian phát triển mới tại vùng Đông Quảng Nam. Ảnh: Lưu Bang

Hạ tầng giao thông tại Quảng Nam sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, quy hoạch định hướng phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh Quảng Nam với 05 loại hình giao thông gồm đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa, đường biển, đường hàng không theo hướng hiện đại, phù hợp với định hướng quy hoạch quốc gia.

Quy hoạch định hướng lấy các đầu mối giao thông cảng hàng không, cảng biển Quảng Nam, cửa khẩu quốc tế Nam Giang làm trọng điểm; nâng cấp, mở rộng theo quy hoạch các trục quốc lộ kết nối Đông - Tây như 14D, 14B, 14G, 14H, 40B, 24C và hoàn thiện các trục kết nối Bắc - Nam, các trục kết nối phục vụ các khu chức năng trong Khu kinh tế mở Chu Lai; hình thành mạng lưới giao thông trọng yếu liên kết vùng từ đồng bằng đến miền núi, kết nối thông suốt giữa Khu kinh tế mở Chu Lai với Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang và khu vực Tây Nguyên, các nước theo hành lang quốc tế Đông - Tây.

Bên cạnh đó, nâng cấp, mở rộng hệ thống đường tỉnh gắn kết các hành lang kinh tế, khu kinh tế và các đô thị; phát triển các tuyến đường huyện có tính kết nối liên huyện để nâng cấp thành các tuyến đường tỉnh.

Xây dựng các cầu qua sông Trường Giang, Cổ Cò với công nghệ hiện đại, kiến trúc độc đáo phù hợp với cảnh quan đô thị ven biển và thúc đẩy phát triển du lịch.

Phát triển hệ thống giao thông thông minh liên vùng; xây dựng các khu vực bến, bãi đỗ xe thuận tiện trong các đô thị, các bãi xe thông minh tại các khu vực trọng điểm. Mở rộng và cứng hóa cơ bản các trục đường giao thông nông thôn kết nối đến đường trục xã.

Đặc biệt, đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Chu Lai với quy mô sân bay đạt cấp 4F, là trung tâm công nghiệp - dịch vụ hàng không quốc tế với các hoạt động vận tải hành khách, hàng hoá, logistics hàng không; trung tâm đào tạo và huấn luyện bay; trung tâm sửa chữa bảo dưỡng các loại máy bay, sản xuất linh phụ kiện ngành hàng không; gắn kết với khu phi thuế quan và các khu công nghiệp công nghệ cao, hình thành trung tâm sản xuất, chế tác, gia công các sản phẩm công nghệ cao, giá trị cao, xuất nhập khẩu đường hàng không.

Cùng với đó, đầu tư tuyến luồng mới Cửa Lở kết nối vào các khu bến Tam Hiệp, Tam Hòa, Tam Giang,... đảm bảo tiếp nhận tàu có tải trọng đến 50.000 DWT gắn với khu phi thuế quan, khu công nghiệp, cảng hàng không, ga đường sắt; hình thành trung tâm logistics đa phương tiện.

Xây dựng cảng biển Quảng Nam trở thành trung tâm cảng biển - dịch vụ logistics container của miền Trung - Tây Nguyên, là đầu mối hàng hoá quan trọng của hành lang quốc tế Đông - Tây.

Chưa hết, quy hoạch cũng định hướng từng bước đầu tư nạo vét luồng các tuyến sông Cổ Cò, Trường Giang, Thu Bồn, khai thác vận tải đường thủy nội địa theo hướng Bắc - Nam, Đông - Tây kết nối với các đảo trong khu vực Quảng Nam, Quảng Ngãi và các khu du lịch, đô thị Đà Nẵng - Hội An - Duy Hải, Duy Nghĩa - Bình Minh - Tam Kỳ - Núi Thành.

Phát triển hệ thống ga đường sắt gắn với các tuyến đường sắt qua địa bàn tỉnh theo quy hoạch đường sắt quốc gia, tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và tuyến đường sắt Đà Nẵng - Tây Nguyên.

Nghiên cứu đầu tư 02 tuyến đường sắt đô thị kết nối vào mạng lưới đường sắt đô thị của thành phố Đà Nẵng, bao gồm tuyến kết nối từ cảng hàng không quốc tế Chu Lai và tuyến kết nối từ thành phố Hội An.

Lưu Bang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.