15/06/2020 8:25 AM
CafeLand - Không ít người kỳ vọng Covid-19 sẽ cho họ cơ hội mua được nhà đất giá rẻ. Thế nhưng thực tế không phải vậy. Tại buổi tọa đàm “Thị trường bất động sản thế nào sau Covid-19”, các chuyên gia cho rằng nguồn cung bị ách tắc do rào cản pháp lý đã tước đi cơ hội mua nhà giảm giá của nhiều người.

Không phải bây giờ thị trường mới khó

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho biết thị trường bất động sản của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng không phải bây giờ mới khó. Lĩnh vực này luôn có độ trễ, từ khi dự án triển khai cho tới khi đi vào vận hành, từ chính sách tác động đến hoạt động đến các doanh nghiệp.

Từ năm 2018, thị trường xuất hiện các dấu hiệu khó khăn và tình hình trở nên căng thẳng hơn vào năm 2019 khi nguồn cung lao dốc. Sang đầu năm 2020, đại dịch xuất hiện càng làm trầm trọng các khó khăn.

Tuy nhiên, cũng theo ông Châu, xét về bản chất, thị trường bất động sản không xấu. Minh chứng là tổng cầu và tổng cầu có khả năng thanh toán rất lớn nên nhiều dự án từ cao cấp đến bình dân đưa ra thị trường đều được hấp thụ cao. Phân khúc nhà ở thương mại giá trị từ 2 tỉ đồng trở xuống đạt tỉ lệ 100% tiêu thụ và nhà ở cao cấp đạt 70-80%.

Nguồn cung sụt giảm mạnh khiến giá bất động sản thời gian qua không giảm dù ảnh hưởng lớn bởi đại dịch

Chủ tịch HoREA cho biết, khó khăn lớn nhất đối với thị trường hiện nay chính là khan hiếm nguồn cung vì những điểm nghẽn chính sách.

Ông Châu dẫn số liệu cho biết, nếu trong năm 2018 nguồn cung chỉ giảm ở mức 20%, thì đến 2019 đã sụt giảm tới 70%. Cả năm 2019 chỉ có một dự án mới đủ điều kiện bán hàng.

“Đây là nguyên nhân khiến giá bất động sản thời gian qua không giảm dù ảnh hưởng lớn bởi đại dịch. Việc giảm giá nếu có chỉ xảy ra trên thị trường thứ cấp vì nhiều nhà đầu tư không gánh nổi áp lực tài chính. Còn ở thị trường sơ cấp, các nhà đầu tư dự án bất động sản uy tín vẫn duy trì hoạt động với mức giá như trước”, ông Châu khẳng định.

Vướng pháp lý, giá khó giảm

Về phía doanh nghiệp, ông Trần Quốc Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh, cho biết các luật, quy định, nghị định và cả thủ tục hành chính chồng chéo khiến bất động sản bị đội vốn.

Ông Dũng cho rằng, việc một dự án đắp chiếu lâu năm thì các chi phí tài chính phát sinh doanh nghiệp buộc phải cộng vào giá bán và đương nhiên giá bất động sản sẽ tăng lên.

“Giá trị bất động sản khó giảm vào lúc này. Nếu có giảm là do chủ đầu tư giảm lợi nhuận để đáp ứng nhu cầu của nhiều người. Nếu chúng tôi vẫn giữ kỳ vọng lợi nhuận như trước đây thì giá bất động sản sẽ tăng”, ông Dũng nói thêm.

Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao bộ phận đầu tư của Công ty Savills Việt Nam, nhận định việc hàng loạt dự án đều vướng mắc khó khăn khiến giá bất động sản không giảm. TP.HCM mới đây đã trình Chính phủ 63 dự án liên quan đến việc cần tháo gỡ khó khăn.

“Vấn đề là sẽ giải quyết đến đâu. Nếu kéo dài thì sản phẩm bất động sản dự kiến bán 25-30 triệu đồng/m2 sẽ phải bán lên 35 triệu đồng/m2. Hay nếu doanh nghiệp dự kiến giá 1.000 USD/m2 thì sau khi chạy lòng vòng các nơi phải đưa giá lên 1.500 USD/m2 mới có lời”, ông Khương đặt vấn đề.

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, thừa nhận việc thủ tục pháp lý và các luật, nghị định liên quan đến thị trường địa ốc bị chồng chéo nhau là có thật. Để tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, các bộ ngành tiếp tục nghiên cứu, tham mưu và đề xuất Chính phủ điều chỉnh, sửa đổi các luật liên quan đến thị trường bất động sản.

Một trong những giải pháp trong thời gian tới là Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết khuyến khích phát triển dự án nhà ở thương mại giá thấp vì hiện nay phân khúc này đang lệch pha.

Thanh Thịnh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • eMagazine: Sun Group tìm hướng đi mới trong tâm dịch

    eMagazine: Sun Group tìm hướng đi mới trong tâm dịch

    Tìm hướng đi mới, xoay chuyển tình thế từ bị động sang chủ động gắn với tinh thần “3T” là cách mà Sun Group lựa chọn để đối mặt và vượt qua những thách thức mà đại dịch Covid-19 đặt ra. Trong một buổi trò chuyện cuối năm, bà Nguyễn Ngọc Thuý Linh, Tổ...

  • Đại dịch khiến nhu cầu mua ngôi nhà thứ hai lên cao kỷ lục

    Đại dịch khiến nhu cầu mua ngôi nhà thứ hai lên cao kỷ lục

    Đại dịch làm khối lượng tài sản của người giàu tăng lên nhanh chóng. Theo báo cáo, số cá nhân sở hữu tài sản trị giá trên 30 triệu USD đã tăng gần 10% vào năm ngoài. Điều này kéo theo nhu cầu cao kỷ lục đối với các bất động sản cao cấp hoặc những ngô...

  • Lợi nhuận homestay đâu chỉ đong đếm bằng tiền

    Lợi nhuận homestay đâu chỉ đong đếm bằng tiền

    Từ dạo bước chân vào làm homestay dù quy mô nhỏ xíu, mọi người vẫn mặc định tôi đang kinh doanh và thường hỏi về lợi nhuận. Đã là lợi nhuận thì nhất định câu trả lời phải bằng những con số, mọi câu trả lời khác được đánh giá thuộc dạng né tránh hoặc ...

Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.