30/09/2015 4:47 PM
Với lộ trình tái cơ cấu theo hướng giảm số lượng ngân hàng (NH) từ hơn 30 xuống còn khoảng 20 NH đến năm 2017 thì số lượng NH phải “xóa tên” khỏi thị trường theo đề án tái cơ cấu là không hề nhỏ. Theo đó, làn sóng sáp nhập, hợp nhất, mua bán (M&A) trong lĩnh vực NH sẽ tiếp tục diễn ra sôi động hơn rất nhiều.
Bao nhiêu ngân hàng là đủ?
Câu hỏi Việt Nam cần bao nhiêu NH là đủ trong thời gian qua được các chuyên gia kinh tế “mổ xẻ” rất nhiều. Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015” (Đề án 254) sắp kết thúc, trên thực tế, để triển khai nhiệm vụ theo tinh thần Đề án trên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tiến hành phân loại hệ thống NHTM thành ba nhóm: Nhóm 1, gồm các NHTM có tình hình tài chính lành mạnh, có năng lực, quy mô đủ lớn để phát triển thành các NH trụ cột trong hệ thống; Nhóm 2, gồm các NHTM có tình hình tài chính lành mạnh, nhưng qui mô nhỏ; Nhóm 3, gồm các NHTM có tình hình tài chính khó khăn, buộc phải thực hiện tái cơ cấu.
Năm 2012, NHNN tập trung củng cố thanh khoản hệ thống NH, lành mạnh hóa hoạt động tài chính của các NHTM mà trọng tâm là xử lý nợ xấu và minh bạch hóa tài chính và tái cơ cấu tổ chức, hoạt động và quản trị hệ thống NH. Năm 2013, NHNN chuyển sang giai đoạn hai của nhiệm vụ lành mạnh hóa tài chính hệ thống NH với việc tăng cường xây dựng các qui định về an toàn vốn, xử lý nợ xấu hệ thống qua việc thành lập Cty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) và tăng cường quản trị rủi ro, hướng đến chuẩn mực Basel II.
Ngay trong hai năm 2012 và 2013, có 9 NHTM nhỏ đã được đưa vào chương trình phải thực hiện tái cơ cấu bắt buộc thông qua các biện pháp khác nhau, như hợp nhất (SCB, Ficombank, TinnghiaBank), sáp nhập (Habubank vào SHB), và tự tái cơ cấu (TienphongBank, TrustBank, Navibank, Westernbank và GP Bank).
Năm 2015, NHNN đang và sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt và đồng bộ hơn giai đoạn 2 với trọng tâm tái cơ cấu, sáp nhập và xử lý nợ xấu. Cùng với việc tạo điều kiện thuận lợi và ủng hộ hoạt động sáp nhập, hợp nhất trên cơ sở tự nguyện, phù hợp với lợi ích, chiến lược kinh doanh của từng NHTM và bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật, NHNN sẽ xem xét áp dụng biện pháp can thiệp, thông qua mua cổ phần và sáp nhập bắt buộc một số NHTM “dưới chuẩn”, với sự tham gia tích cực của các NHTM Nhà nước và mở cửa nhiều hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Theo kế hoạch của NHNN, trong năm 2015 sẽ có khoảng 6-7 vụ M&A bắt buộc và có thể thêm nhiều vụ M&A tự nguyện khác, để tới năm 2017, cả nước còn lại khoảng hơn 20 NHTM mạnh.
Trong quý II.2015, thông qua M&A, hệ thống NH đang thực hiện cơ cấu lại với một số ngân hàng (NH) sáp nhập như Sacombank - Southernbank, Vietinbank - PGBank, BIDV - MHB, Maritime Bank - MekongBank…
Từ năm 2012 đến nay, hệ thống NHTM và TCTD đã giảm bớt 5 NHTMCP qua hoạt động M&A (Đệ Nhất, Tín Nghĩa, Nhà Hà Nội, Phương Tây, Đại Á) và NHNN đã mua lại với ba NHTMCP (VNCB, OceanBank và GPBank). Đồng thời, 2 Cty tài chính đã được hợp nhất, giải thể; một Cty cho thuê tài chính bị rút giấy phép; một Cty tài chính đã được NHNN ủng hộ chủ trương bán lại cho tổ chức khác.
Hiện hệ thống NH Việt Nam có một NHTM nhà nước (Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam), 37 NHTMCP (kể cả ba NHTM đã bị NHNN mua lại với giá 0 đ), 5 NH 100% vốn nước ngoài, 4 NH liên doanh, 1 NH chính sách và 1 NH hợp tác xã.
Chưa đủ, nếu chỉ giảm về số lượng
Thống kê như trên để thấy, sau giai đoạn 1 của quá trình tái cơ cấu, số lượng các NH rõ ràng đã giảm đáng kể, và liệu làn sóng M&A của Đề án 254 liệu đã dừng ở đây? Quy mô của các NH sau M&A liệu đã đủ lớn trong khu vực?
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc giảm số lượng NH xuống như hiện nay chỉ là giải pháp đơn lẻ, không giải quyết được cốt lõi vấn đề. Hệ thống NH Việt Nam hiện nay gặp 2 vướng mắc:
Thứ nhất là quy mô về vốn, muốn vị thế ngang tầm trong khu vực thì vốn chủ sở hữu của một NH phải tối thiểu 4-5 tỉ USD (Vốn của NH lớn nhất trong nước hiện khoảng 2 tỉ USD).
Thứ hai là nợ xấu: các NH giải quyết càng minh bạch, thực chất thì quá trình “lành mạnh hóa” hệ thống càng nhanh, giúp chúng ta đứng vững được trước làn sóng cạnh tranh của khối NH ngoại.
Thực tế nhìn sang các nước láng giềng, Thái Lan chỉ có dưới 20 NH, Indonesia 120 NH nhưng dân số tới khoảng 250 triệu người, Đài Loan có đến 100 NH phục vụ cho số dân 20 triệu, Singapore với 4 triệu dân và 100 NH lớn nhỏ khác nhau. Với tính chất là một trung tâm tài chính của khu vực, quốc gia này đã duy trì một hệ thống nhiều tầng lớp, quy mô NH khác nhau, vừa giúp tạo sự liên thông với quốc tế nhưng đồng thời đáp ứng được nhu cầu của người dân với chi phí hợp lý.
Rõ ràng việc giảm cơ học các NH trong giai đoạn hiện nay là cần thiết nhưng chưa đủ, quan trọng nhất vẫn là tính minh bạch, hiệu quả của từng NH và cả hệ thống sau tái cơ cấu có đáp ứng được các chuẩn mực của khu vực và thế giới hay không, khi mà theo cam kết của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), đến hết năm 2015, lĩnh vực tài chính NH sẽ mở tới 70% cho nhà đầu tư trong AEC. Khi đó, mọi rào cản và khác biệt trong ngành NH giữa các quốc gia trong khối sẽ được xóa bỏ, để tạo ra một hệ thống ngân hàng AEC hoạt động bình đẳng với NH sở tại của bất kỳ quốc gia thành viên nào trong khối.
Nhật Quang (Lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.