23/01/2013 3:58 PM
Giải pháp đã rõ, vì sao công cuộc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng sau một năm vận hành vẫn tiến triển chậm chạp?

Đầu tháng 12/2011, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đệ Nhất (Ficombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước công bố sáp nhập. Dù khá nhiều ý kiến cho rằng, việc 3 ngân hàng sáp nhập với nhau không thể tính là mốc đầu tiên đánh dấu sự khởi động của quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng (bởi ở thời điểm sáp nhập, 3 ngân hàng này thực sự "trống rỗng"), nhưng cũng không thể phủ nhận ý nghĩa của hành động quyết liệt xử lý yếu kém này.

Tính từ thời điểm đó đến nay, hơn một năm đã trôi qua và mới chỉ có thêm SHB mua lại Habubank, mặc dù có tới 8 ngân hàng thương mại yếu kém nằm trong kế hoạch tái cơ cấu. Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định đồng ý phê duyệt đề án hợp nhất giữa Western Bank và Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC). "Điều này cho thấy, việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng hoàn toàn không dễ dàng như thị trường kỳ vọng", ông Phạm Hồng Hải, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) nhận định.

Nỗ lực từ cơ quan chủ quản...

Thực hiện chỉ đạo của NHNN, đến cuối năm 2012, khoản dự phòng rủi ro để khoanh hoặc xóa nợ các ngân hàng thương mại dự kiến là 50.000 tỷ đồng.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, 9 tháng đầu năm, tổng tài sản của hệ thống các tổ chức tín dụng đạt hơn 4.866 nghìn tỷ đồng, giảm 1,89% so với cuối năm 2011. Nhóm ngân hàng cổ phần có tổng tài sản tại thời điểm cuối tháng 9 đạt gần 2.102,5 nghìn tỷ đồng, giảm 7,06% so với cuối năm 2011. So với mức 2.224,6 nghìn tỷ đồng cuối tháng 8, con số này cũng giảm xấp xỉ 5,5%. Trong tháng 9, tổng tài sản của khối ngân hàng nhà nước cũng giảm từ 2.075 nghìn tỷ đồng hồi cuối tháng 8 xuống còn 2.069 nghìn tỷ đồng… "Nhiều khả năng khối tài sản của các ngân hàng bị "bốc hơi" là do nợ xấu", TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nhận định.

Do vậy, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các ngân hàng thương mại giữ nguyên nhóm nợ đối với một số khoản nợ đủ điều kiện được gia hạn, điều chỉnh giảm lãi suất hợp lý. Đây không phải là một biện pháp xử lý nợ xấu, nhưng có tác dụng xử lý tạm thời thanh khoản cho nền kinh tế, thanh khoản của doanh nghiệp, tức là vẫn giữ nguyên nhóm nợ cho những doanh nghiệp có khả năng phục hồi tốt để họ vẫn tiếp tục được vay nợ. "Con số thống kê cho thấy, riêng các khoản nợ được xử lý theo cách này cũng tới hơn 200.000 tỷ đồng trong tổng số nợ xấu dự tính là 400.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu. Cho đến cuối năm, riêng khoản dự phòng rủi ro để khoanh hoặc xóa nợ các ngân hàng thương mại dự kiến tới 50.000 tỷ đồng", TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành rà soát lại nợ xấu, buộc các ngân hàng thương mại phải trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, kể các dự phòng chung và dự phòng riêng. Đây là một biện pháp rất quan trọng để tránh tình trạng các ngân hàng thương mại vì quan tâm đến lợi nhuận mà sao nhãng trách nhiệm xử lý nợ xấu. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra toàn diện cả từ cấu trúc sở hữu cho đến quy chế tín dụng tài chính, nợ nần và tập trung vào những ngân hàng thực sự có vấn đề.

... chưa đủ

Rõ ràng, Ngân hàng đã có những nỗ lực lớn, nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Báo cáo về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2012 của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định, nợ xấu của hệ thống ngân hàng được đánh giá ở mức cao và khá nghiêm trọng, nhưng chậm được giải quyết.

Do tình hình kinh tế vĩ mô vẫn còn nhiều khó khăn nên việc xử lý nợ xấu sẽ mất thời gian hơn và tốn nhiều chi phí hơn. Các nhà đầu tư cũng không thật sự tích cực bỏ vốn xử lý "cục máu đông" trong cơ thể, dù biết là cần thiết. Bên cạnh đó, tình trạng sở hữu chồng chéo giữa các ngân hàng dẫn tới khó nhận định chính xác con số nợ xấu cũng làm tiến trình xử lý giẫm chân tại chỗ. Đồng thời, có lẽ thị trường vẫn còn tâm lý mong chờ một giải pháp hoàn hảo, không gây thiệt hại cho hệ thống như xử lý nợ xấu không cần dùng đến tiền của nhà nước, không để ngân hàng nào đổ bể… Thực tế, sẽ rất khó có một phương án đảm bảo được lợi ích của tất cả thành phần kinh tế và không phải trả bất kỳ phí tổn nào. "Đặc biệt, xử lý nợ xấu - ai làm? Người nào gánh lấy trách nhiệm và chịu hoàn toàn trách nhiệm và rủi ro về mặt chính trị đó? Có lẽ đó là vấn đề mà các nhà hoạch định chính sách phải cân nhắc", TS Lê Xuân Nghĩa chia sẻ.

Người nào sẽ gánh lấy trách nhiệm và rủi ro về mặt chính trị khi tiến hành xử lý nợ xấu một cách quyết liệt?

Dù do nhiều nguyên nhân khác nhau, việc xử lý nợ xấu chưa được giải quyết đã khiến cho những chính sách tiền tệ như hạ lãi suất huy động và cho vay… khó đem lại hiệu quả cao. "Cần khẩn trương đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu gắn liền với tái cơ cấu các tổ chức tín dụng trong thời gian sớm nhất nhằm khắc phục điểm nghẽn, khơi thông nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, ổn định thanh khoản của toàn hệ thống ngân hàng, từ đó khôi phục và thúc đẩy sự phát triển của thị trường liên ngân hàng", một lãnh đạo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nói.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, 6 phương thức xử lý nợ xấu chủ yếu là cơ cấu lại nợ; miễn giảm lãi và phí tín dụng; mua bán nợ (thành lập công ty mua bán nợ xấu, chứng khoán hóa nợ xấu); sử dụng quỹ dự phòng rủi ro của các ngân hàng thương mại; phát mại tài sản để thu hồi nợ; chuyển nợ thành vốn góp cũng đã được nêu và phần nào được thực hiện. Vấn đề còn lại là quyết tâm chính trị để quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp tổng thể… Càng chậm cải tổ, nợ xấu sẽ càng tăng cao và chi phí để tái cơ cấu và giải quyết nợ xấu sẽ càng cao.

"Năm 2013 phải có một bước đột phá về xử lý nợ xấu thì mới làm cho lòng tin phục hồi, doanh nghiệp tiếp cận được vốn, thị trường bất động sản và chứng khoán sẽ ấm dần trở lại, tạo đà cho những bước tiếp theo", TS Lê Xuân Nghĩa nói.
  • Bất động sản: Manh nha cuộc "lột xác"

    Bất động sản: Manh nha cuộc "lột xác"

    Đó là một trong những “Dự đoán táo bạo của CBRE năm 2013” mà ông Marc Townsend, Tổng giám đốc điều hành CBRE Việt Nam đưa ra. <br/br>

  • “Ế” hàng trăm nghìn “sổ đỏ”

    “Ế” hàng trăm nghìn “sổ đỏ”

    Dù vẫn được xem là có giá trị lớn song tới nay có hàng trăm nghìn “sổ đỏ” vẫn đang nằm chỏng chơ trong két sắt của chính quyền các địa phương. Vì những lý do khác nhau, các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Bình Định, Vĩnh Long, Thái Bình... vẫn đang tồn đọng từ vài chục nghìn tới hàng trăm nghìn “sổ đỏ”. <br/br>

  • Cấm dùng tiền mặt mua nhà, xe...?

    Cấm dùng tiền mặt mua nhà, xe...?

    Các cơ quan chức năng có thể sẽ ban hành quy định các giao dịch bất động sản phải thanh toán qua ngân hàng; quy định bổ sung giấy tờ chứng minh thanh toán qua ngân hàng vào hồ sơ kê khai lệ phí trước bạ; lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ tại siêu thị, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí... <br/br>

An Hà (Diễn đàn doanh nghiệp)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.