Trong cả năm 2016 chỉ có 1 thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực NH với giá trị khá nhỏ, trong bối cảnh hệ thống NH đang cần được tái cấu trúc mạnh mẽ thông qua M&A. Vì thế, năm 2017 với thông điệp nới room và tái cấu trúc NH yếu kém của Thống đốc NHNN, nhiều người kỳ vọng lĩnh vực M&A ngành NH trở nên sôi động và có những đột phá.
Nhiều thương vụ mở màn
Đầu năm 2017, Công ty Tài chính cổ phần Vinaconex Viettel (VVF) và SHB đã ký biên bản chính thức bàn giao để hoàn tất giao dịch sáp nhập. Theo nội dung ký kết, VVF bàn giao cho SHB toàn bộ công ty với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng và tổng tài sản có tại thời điểm bàn giao hơn 1.040 tỷ đồng. VVF cũng chính thức chấm dứt mọi hoạt động trên thị trường tài chính NH. Với việc hoàn tất giao dịch nhận sáp nhập này, vốn điều lệ của SHB đã đạt gần 12.000 tỷ đồng.
Cùng với đó, SHB cũng đã được NHNN cấp phép thành lập Công ty Tài chính tín dụng tiêu dùng TNHH MTV NHTMCP Sài Gòn-Hà Nội (Công ty tài chính tiêu dùng SHB). Công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng và hiện SHB đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục pháp lý để sớm đưa công ty tài chính đi vào hoạt động.
Theo ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB, một số đối tác nước ngoài đã đặt vấn đề được tham gia góp vốn mua cổ phần công ty tài chính để thúc đẩy hoạt động của công ty tài chính tiêu dùng. Khi các tổ chức này tham gia góp vốn, SHB sẽ tận dụng được kinh nghiệm triển khai, năng lực quản trị, hệ thống kênh phân phối để đảm bảo Công ty Tài chính tiêu dùng có một vị thế, thị phần đáng kể trên thị trường.
Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT VietinBank, nhiệm vụ của NH sẽ bám sát tiến độ Đề án nâng cao năng lực tài chính cho các NHTM; thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó có nhiệm vụ hỗ trợ tái cơ cấu NHTMCP Xăng dầu Petrolimex (PGbank). Được biết đến nay ĐHCĐ của 2 bên đã thông qua chủ trương sáp nhập 2 NH.
Một thương vụ M&A khác được chờ đợi là Quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore (GIC) đầu tư vào Vietcombank để nắm giữ 7,7% vốn tại nhà băng này. Thương vụ dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2016 nhưng đến nay vẫn chưa nhận được sự chấp thuận của Chính phủ Việt Nam. Dù vậy nhà đầu tư ngoại này vẫn đang theo đuổi và chờ cơ hội để trở thành cổ đông lớn của Vietcombank.
Như vậy, nhìn lại năm 2016 trong lĩnh vực NH chỉ có 1 thương vụ bán vốn cho đối tác ngoại thành công là TPbank bán 4,99% vốn cho IFC. Nhưng với việc nới room cho NH nội được xem là giải pháp cho các NH yếu kém thu hút nguồn lực từ bên ngoài vào thúc đẩy quá trình tái cơ cấu.
Kỳ vọng nổi sóng
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nhấn mạnh trọng tâm tái cơ cấu NH trong năm 2017 là xử lý các NH yếu kém, trong đó có 3 NH 0 đồng cùng 2 NH DongAbank và Sacombank. Những TCTD tốt hay còn những tồn tại, hạn chế đều phải có đề án gắn với lộ trình tổng thể của hệ thống NH trong 5 năm tới.
Theo các chuyên gia tài chính, sự tham gia của các đối tác nước ngoài thông qua các vụ M&A sẽ là xu hướng để tái cơ cấu các NH. Tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) cuối năm ngoái, NH Phát triển châu Á (ADB) cùng 1 đối tác tư nhân Việt Nam đã ngỏ ý mua lại 1 NHTM yếu kém của Việt Nam.
Hiện nay nhiều cổ phiếu các NH đã tăng điểm sau thông tin nới trần sở hữu nước ngoài tối đa của các NH có thể được thực hiện trong năm 2017. Có thể thấy ý định của NHNN về việc nới trần là nhằm hỗ trợ các NH tăng vốn và chuẩn bị cho Basel II. Dù việc nới trần cũng sẽ được phê duyệt có chọn lọc thay vì áp dụng cho toàn ngành NH, nhưng điều này cho thấy NHNN đã đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc tái cấu trúc lại hệ thống NH vốn được xem là còn nhiều yếu kém.
Sau một thời gian khá dài mua lại 3 NH với giá 0 đồng, NHNN cùng với những NH được chỉ định tham gia tái cấu trúc đã có những nỗ lực lớn trong việc tái cấu trúc. Tuy nhiên, kết quả đến đâu vẫn chưa được công bố, và với thông điệp “tiếp tục xử lý NH yếu kém” cho thấy chặng đường tái cấu trúc, vực dậy 3 NH này vẫn còn rất gian nan. Điều đáng nói, thời gian qua NHNN cũng không có nhiều giải pháp mạnh mẽ như việc tăng vốn hay tìm đối tác chiến lược nước ngoài góp vốn vào 3 NH này.
Đối với DongAbank sau hơn 1 năm bị kiểm soát đặc biệt vẫn chưa có báo cáo nào về tình hình tái cấu trúc. Tuy nhiên, quan sát cho thấy chưa có những giải pháp khả dĩ nào để vực dậy DongAbank. Trước đây từng có thông tin cho rằng có đối tác nước ngoài muốn đầu tư nhưng chưa được chấp thuận. Kỳ vọng năm 2017, DongAbank sẽ được tái cấu trúc mạnh mẽ để thoát khỏi tình trạng hiện nay.
Trong khi đó với Sacombank sau khi sáp nhập Southernbank đã gặp phải không ít khó khăn do gánh nặng nợ xấu. Lợi nhuận năm 2016 của Sacombank còn chưa đến 400 tỷ đồng, đây là mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua của Sacombank. Đặc biệt quý IV-2016, NH này đã thua lỗ gần 100 tỷ đồng. Rõ ràng việc tái cấu trúc lại hoạt động của Sacombank cũng hết sức cần thiết nhằm lấy lại hào quang trước đây.
Nhìn chung việc M&A trong ngành NH năm 2017 đang rất được kỳ vọng. Thông điệp đầu năm của NHNN đã khá rõ ràng và điều quan trọng là thực hiện ra sao. Với sự phục hồi khá tốt của nền kinh tế nhất là trong lĩnh vực bất động sản là tiền đề khá tốt cho tái cấu trúc NH. Đặc biệt chủ trương nới room có thể đẩy mạnh việc huy động các dòng vốn ngoại sẽ làm cho quá trình tái cấu trúc diễn ra nhanh và hiệu quả hơn.
Xuân Anh (SGĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.