Nước ta là nước nông nghiệp; trong lộ trình vài chục năm tiến lên công nghiệp hóa còn phải dựa vào năng lực nông nghiệp để vươn lên. Biết được điều đó để xây dựng những tư duy khi sử dụng đất công là điều cần bàn.
alt

Một lần, tôi đưa một người bạn thân là cán bộ tỉnh Phú Thọ quê hương vào thăm TP.HCM, khi đi đến khu công nghệ cao ở quận 9, đứng trên cầu vượt trạm 2 nhìn xuống một cơ đồ vĩ đại, thoáng đãng đang hừng hực khí thế vươn tới với hình ảnh như ở Singapore hay Nhật Bản, tôi nghĩ anh bạn này rất vui nhưng lại thấy anh buồn. Hỏi kỹ, thì ra anh có nhiều trăn trở.

Nhớ lại hồi năm 1989, về quê anh ở vùng Thổ Tang, Vĩnh Tường, Vĩnh Phú, tôi đã phải kinh ngạc vì trong hai lần đến đây chỉ cách nhau một tuần lễ mà nhìn thấy đồng ruộng thay đổi đến ngỡ ngàng, cứ như chuyện cổ tích: đầu tuần thấy cả tràn ruộng lúa chín vàng lướt theo gió. Cuối tuần đến thấy cả tràn đồng trồng cải bắp, xu hào xanh rờn, nhìn cây rau ước đoán nó phải một tháng tuổi…


Hỏi ra mới biết, người ta trồng sẵn rau trong túi nhựa “râm” ở góc vườn. Sau khi cắt lúa, tập trung xử lý đất và hạ cây rau đã vài tuần tuổi xuống là xong. Chỉ hơn một tháng sau, vụ rau này sẽ thu hoạch và một lứa rau màu mới đã xếp hàng chờ đâu đó để thay chỗ lứa cải vừa thu hết.


Năm 2003, cả nước có phong trào thành lập các “câu lạc bộ 50 triệu/ha” thì tại Thổ Tang, mỗi ha người ta làm ra cả trăm triệu từ lâu rồi.


Nay hỏi kỹ thì anh bạn chỉ vào bốn vòng xoay quanh cầu vượt trạm 2: bốn thửa đất này rộng lối 8 ha được xử lý cực kỳ bằng phẳng, các điều kiện vận chuyển, canh tác, ánh sáng, khí hậu nếu áp cho nghề nông thì đây là hạng đất lý tưởng.


alt

Anh nhẩm tính, chỉ cần dăm công lao động thường trực với vài công cụ, máy nông nghiệp cỡ nhỏ và vốn đầu tư lối dưới 50 triệu để quay vòng, mỗi năm diện tích đất này có thể sinh lời chừng 1 tỷ bạc.

Để kiểm chứng, sáng nay 26/2, tôi tới Tân Phú Trung, huyện Củ Chi tìm vào một hộ nông nghiệp.


alt

Hộ dân này canh tác 4 công đất tương tự như nơi kia, mỗi năm mỗi công (1.000m2, bằng 1/10ha) thu được 10 tấn trái, thời giá trung bình 2 tháng nay chừng 8.000 – 12.000 đồng/kg. Tính ra, mỗi ha một năm thu được chừng dăm trăm triệu đồng, sau khi đã trừ các khoản.

Để làm rõ ý nghĩa này, trong khu vực một quận, có thể thấy nếu tổ chức sản xuất, trồng rau thôi, dành một phần cho người tham gia sản xuất ở “đầu vào” thì mỗi năm đủ tiền xây vài chục ngôi nhà tình nghĩa, mỗi ngôi trị giá 50 triệu đồng.


Về cảnh quan, việc canh tác rau theo kỹ thuật cao, thiết kế công phu không làm mất đi cảnh quan của khu vực. Với những loại rau có hoa như trong tấm ảnh đầu bài, coi còn vui mắt hơn lớp cỏ và đỡ tốn khá nhiều tiền tu bổ, chăm sóc…cỏ hàng năm.


Tôi có biết một cựu chiến binh ở phường Giếng Đáy, TP. Hạ Long. Sau khi về hưu, ông này có cái thú là đi trồng rau vào tất cả những nơi có thể trồng được (ảnh đầu bài), kể cả trong khuôn viên một cơ quan, phần đất không sử dụng. “Thú vui” của ông mỗi năm càng vui hơn khi có thêm thu nhập ba chục triệu đồng ngoài lương hưu.


Nêu hai ví dụ trên đây để đánh động một hiện tượng từ đôi chục năm nay: nhiều “khu quy hoạch” đóng biển xong để đó, “chôn sống” luôn vài trăm ha đất nông nghiệp thì thiệt hại là vô cùng lớn.


alt

Trong “Bài ca xuân 61” của Tố Hữu có những vần thơ rất dung dị. Năm học lớp 1, cha tôi cho tôi học thuộc lòng, cốt để rèn khả năng nhận mặt chữ.

Bài thơ thì dài nhưng có một đoạn tôi không thể quên:


Đời vui đó, tiếng ca Đoàn kết
Ta nắm tay nhau xây lại đời ta
Ruộng lúa, đồng khoai, nương sắn, vườn cà
Chuồng lợn, bầy gà, đàn rau, ao cá
Dọn tí phân rơi, nhặt từng ngọn lá
Mỗi hòn than, mẩu sắn, cân ngô
Ta nâng niu gom góp dựng cơ đồ


Hôm nay, nhìn cảnh quan, hình ảnh đất nước phơi phới vậy nhưng mỗi năm ta đang trả khoản lãi hàng tỉ USD cho các khoản vay nợ từ nước ngoài, chưa phải lúc để coi thường những giá trị nằm ngay trong tay ta, nhất là giá trị từ đất.


Nên chăng, học lại mẩu thơ của nhà thơ quá cố, để làm những gì hợp lý hơn “cho hôm nay và cho mai sau”.
Tag: tat dat, tat vang, vang va dat
Cafeland.vn - Theo Tam Nhin
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland