19/01/2012 1:21 AM
Giá trị của bất động sản phụ thuộc rất nhiều vào tính chuyên nghiệp của nhà quản lý bất động sản đó.

Tâm lý bỏ ra tiền tỉ và muốn chất lượng dịch vụ như thượng đế mà không phải trả nhiều phí quản lý của một số bộ phận cư dân ở các dự án cao cấp dường như tạo ra rào cản vô hình cho chính họ trong việc hưởng những dịch vụ chất lượng cao. Điều quan trọng là không ít người vẫn chưa nhận ra giá trị đằng sau của một dự án khi được các đơn vị quản lý thương hiệu tiếp quản, từ đó dẫn đến một số mâu thuẫn, tranh chấp không đáng có trong thời gian gần đây. Vậy đâu là giá trị đằng sau của một nhà quản lý có thương hiệu như Ascott, InterCon? Và tại sao hầu hết cư dân đều hài lòng với những dịch vụ quản lý của các thương hiệu này?


Trước hết, hãy làm phép so sánh. Khi sở hữu 1 chiếc xe tiền tỉ như Rolls-Royce Phantom, người chủ của nó sẵn sàng bỏ tiền ra để thực hiện chế độ bảo dưỡng cũng như phụ tùng, linh kiện thay thế, trung tâm bảo hành... Họ sẵn sàng làm thế vì giá trị thương hiệu đằng sau những tài sản hạng sang này. Đó là sự ngưỡng mộ của người đối diện, cảm giác được ngồi trong những siêu xe có tiện nghi hoàn hảo. Việc chọn mua một căn hộ hạng sang trị giá hàng chục tỉ đồng cũng như thế. Và người chủ sở hữu cũng nhận thức được rằng đi kèm với cảm giác sang trọng đó là những chi phí khá lớn so với một dự án căn hộ bình thường. Nhưng đổi lại là sự gia tăng lũy tiền về giá trị của căn hộ.


Tại các dự án cao cấp, việc áp mức phí không phải là chuyện nhà quản lý và chủ đầu tư có thể tự quyết định mà phải được sự đồng ý của tất cả các bên bằng những biên bản ràng buộc rõ ràng. Mức phí này dựa trên


nguyên tắc “lấy thu bù chi” để vận hành công tác một cách tốt nhất. Một nhà quản lý dự án hạng sang cho biết, chi phí trả cho bảo trì thang máy 2 block nhà 20 tầng (thường là của các hãng thang máy nổi tiếng như Otis (Mỹ), Mitsubishi (Nhật) và được nhập nguyên kiện) trung bình mỗi năm là 12.000 USD. Trong khi đó, một dự án thường có ít nhất 5 block nhà và nhà quản lý còn phải trả tiền để thay thế các thiết bị hỏng hóc.


Việc bảo dưỡng, chăm sóc cảnh quan cũng mất tới 7.500 USD/tháng. Tính cả năm, chi phí phải trả cho khoản này lên tới 90.000 USD. Đó là chưa kể đến chi phí tiền lương cho đội ngũ nhân viên, từ nhân viên vệ sinh, dọn phòng, bảo vệ… cũng như cấp quản lý. Điều này cho thấy chi phí mà các nhà quản lý chuyên nghiệp và đẳng cấp bỏ ra trong công tác vận hành là không hề nhỏ. Có lẽ chính vì vậy, hầu hết các cư dân tại những dự án sử dụng nhà quản lý có thương hiệu đều rất hài lòng. “Nơi tôi đang ở là căn hộ dịch vụ được quản lý bởi một tập đoàn quốc tế. Dịch vụ ở đây rất tuyệt vời như khách sạn 5 sao. Chẳng hạn, ở hành lang sảnh chờ có salon, lễ tân, có khu tiện ích cho trẻ con, phòng tập thể dục, khu vui chơi với cây cối đẹp... An ninh thì tuyệt đối vì phải có thẻ mới vào được. Nếu bị cúp điện thì hệ thống General Backup lập tức được bật lên, cung cấp điện cho toàn bộ tòa nhà. Mức phí tôi đang trả cũng rất hợp lý. Nhưng điều quan trọng là các cư dân ở đây cảm thấy hài lòng vì có một môi trường sống tốt, có nhà quản lý tận tâm và chu đáo”, chị Hà Thu đang sống tại quận 3 cho biết.


Tại các dự án bất động sản hạng sang, nhiều khách hàng còn yêu cầu chủ đầu tư cung cấp dịch vụ concierge - dịch vụ chỉ dành cho giới thượng lưu, người giàu trên thế giới để phục vụ những nhu cầu hết sức cá nhân của gia đình họ. Những khách hàng này không ngại bỏ thêm chi phí vì một khi có những dịch vụ như vậy, họ sẽ không phải mất nhiều thời gian cho những nhu cầu rất riêng của các thành viên trong gia đình, thay vào đó là dành thời gian cho công việc kinh doanh. Có lẽ vì thế mà chủ đầu tư của dự án Đảo Kim Cương sau khi ký kết với tập đoàn quản lý căn hộ dịch vụ 5 sao Ascott, đã tiếp tục ký với SOS để cung cấp dịch vụ concierge này cho cư dân trên đảo.


Tính chuyên nghiệp đã tạo nên thương hiệu của các nhà quản lý bất động sản như CBRE, Savills, InterCon, Marriot, Fraser, hay Ascott. Và tính chuyên nghiệp này cũng đã làm tăng thêm giá trị cho bất động sản. Có thể thấy, giá trị của bất động sản không chỉ ở lợi ích trước mắt như sự tiện nghi, thoải mái, an toàn, mà còn ở lợi ích lâu dài hơn: giá trị căn hộ sẽ tăng theo thời gian vì căn hộ của họ không bao giờ xuống cấp.


Lấy ví dụ về tòa nhà số 740 Park Avenue ở New York. Khi mới hình thành năm 1930, tòa nhà này không hề gây tiếng vang nào. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 1980 giá nhà ở đây tăng đột biến và đến nay, khu này chỉ dành cho những người giàu, có tài sản trên 100 triệu USD. Một lý do cho sự tăng lũy tiến về giá trị của những ngôi nhà ở đây là việc quản lý được thực hiện rất nghiêm ngặt: đối tượng mua nhà có chọn lọc và không phải ai có tiền là mua được nhà.


Về phí dịch vụ, trung bình cư dân phải trả 1.000 USD mỗi tháng. Ngoài ra, để tòa nhà không bị xuống cấp, hằng tháng họ phải đóng phí tu sửa tòa nhà (năm 1990, mỗi người dân sống trong tòa nhà phải trả 250.000 USD mỗi tháng để tu sửa lại mặt tiền). Có lẽ vì vậy, mặc dù đã hơn 80 năm tuổi, tòa nhà này vẫn là niềm ao ước sở hữu của các tỉ phú và là địa chỉ nổi danh với những căn hộ xa xỉ bậc nhất New York. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của dịch vụ quản lý đối với việc đem lại giá trị của bất động sản sau này.


Như vậy, xét ở khía cạnh đầu tư, khách hàng sở hữu những căn hộ triệu đô được quản lý chuyên nghiệp có cơ sở để tin rằng tài sản của mình sẽ tăng lũy tiến về mặt giá trị.
Theo Vĩnh Thế (NCDT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.