Tình trạng hư hỏng, xuống cấp trầm trọng ở chung cư số 9 Công trường Lam Sơn, sau Nhà hát TP đã đến mức báo động. Căn hộ mục nát, thấm dột nhiều nơi, nước tuôn từ trần trên xuống tầng dưới khi trời mưa, nhiều nhà phải lợp tạm bạt, tôn trong phòng để hứng nước. Đó là tình cảnh khổ sở mà cư dân sống tại đây phải chịu đựng trong nhiều năm qua.

Từng búi dây điện nối lại với nhau bị ẩm nước rất dễ gây ra chạm chập

Chung cư số 9 công trường Lam Sơn nằm ngay sau Nhà hát thành phố (quận 1), gần đường Đồng Khởi - Nguyễn Huệ được xây dựng từ trước năm 1975. Sau giải phóng, chung cư được bố trí cán bộ, công nhân viên vào ở theo hợp đồng cho thuê.

Sau hơn 4 thập kỷ chung cư này đã xuống cấp nghiêm trọng. Tường bị xé thành từng mảng, hành lang, lan can mục nát, trần bong tróc, nước rò rỉ từ trong tường tràn vào hành lang đọng lại từng mảng ẩm thấp.

Từ năm 2003, chung cư này đã được UBND TP giao cho Công ty CP Đầu tư xây dựng kinh doanh nhà Bến Thành để cổ phần hóa. Năm 2005, công ty này đã lên phương án đầu tư cải tạo, TP đã chấp thuận và quận 1 đã lập Hội đồng bồi thường… Nhưng sau nhiều cuộc họp, phương án bồi thường tái định cư vẫn chưa được thống nhất nên chung cư cũ này ngày càng cũ nát.

Theo ghi nhận, hiện tại cư dân tại đây nhiều lần xin được sửa chữa và bán hoá giá nhà nhưng vẫn chưa được chấp thuận, vì đã xác định là dự án chờ giải tỏa. Những cư dân thành phố ở ngay trung tâm vẫn phải chịu cảnh sống trong cảnh nhếch nhác nhiều năm qua...

Điển hình sau trận mưa lịch sử ngày 26.9 vừa qua, một số hộ bị dột, nước tuôn xối xả khiến người dân phải đội nón trong nhà để sinh hoạt, hệ thống điện phải tạm ngắt vì sợ nguy cơ chập điện, cháy nổ.

Chị Tuyền (một cư dân sống tại đây) phản ánh: “Chúng tôi khổ sở khi sống chính trong căn hộ mà mỗi khi mưa thì phải đội nón để rửa chén. Ở chung cư mà phải làm bạt hứng nước từ trần nhà, cảnh cúp điện thường xảy ra khi gặp những trận mưa lớn vì sợ cháy nổ do chập điện”.

Còn theo bà Phan Sỹ Kiều (một hộ dân nơi đây), than thở: "Chúng tôi vẫn mong chờ từng ngày để được đền bù, giải tỏa".

Nước thấm dột từ tầng trên xuống dưới cư dân phải dựng tạm bợ bạt để hứng nước

Ngọc Tiến (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.