Mua được một căn hộ là giấc mơ an cư của rất nhiều người. Tuy nhiên, đôi khi cuộc sống "trong mơ" bị biến thành những cuộc chiến không có hồi kết giữa cư dân và chủ đầu tư, hay thậm chí là giữa người dân với ban quản trị chung cư - vốn là những người do cư dân bầu ra.

Chủ đầu tư ngang nhiên sử dụng tiền bảo trì của cư dân

Trong đơn kêu cứu gửi đến Báo Lao Động & Đời sống, cộng đồng dân cư sinh sống tại chung cư The Era Town (phường Phú Mỹ, quận 7, TPHCM) đã lên án rất nhiều về cách hành xử thiếu chuyên nghiệp và không tôn trọng của chủ đầu tư là Công ty CP Đức Khải và ban quản lý chung cư.

Liên tục thông báo “thu không đủ bù chi”, phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng mỗi tháng bù lỗ, nhưng chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đức Khải luôn tìm cách né tránh tổ chức Hội nghị Nhà chung cư (HNNCC) lần thứ nhất theo quy định pháp luật. Mặc dù cư dân đã nhiều lần kiến nghị chủ đầu tư (CĐT) là Công ty cổ phần Đức Khải tổ chức HNNCC theo đúng quy định pháp luật nhưng đến nay CĐT vẫn chưa đáp ứng yêu cầu chính đáng này.

Cụ thể, cư dân gửi thư kiến nghị nhiều lần nhưng CĐT công khai trì hoãn nghĩa vụ tổ chức HNNCC cho đến thời điểm hoàn tất công tác sửa chữa bảo trì, thi công các hạng mục còn lại của dự án. Quá trình hoàn tất các hạng mục này là nghĩa vụ theo hợp đồng của CĐT, không phải là điều kiện tổ chức HNNCC. Việc CĐT tùy tiện áp đặt là hành vi vi phạm các quy định pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cư dân.

Nghiêm trọng hơn, trong cuộc đối thoại với đại diện cư dân ngày 13.10.2014, khi bị truy vấn về quỹ bảo trì ước tính lên đến hàng chục tỉ đồng, ông Phạm Ngọc Lâm - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Đức Khải - thừa nhận, đã trưng dụng khoản tiền phí bảo trì 2% (giá trị căn hộ của từng cư dân) vào mục đích kinh doanh. Ông Lâm hứa sẽ bàn giao lại quỹ bảo trì kèm lãi suất phát sinh sau khi tổ chức HNNCC lần 1 để bầu ra ban quản trị. Tuyên bố của CĐT khiến nhiều cư dân bất ngờ. Phí bảo trì 2% giá trị căn hộ là tiền của cư dân đóng góp, dùng để duy tu, bảo dưỡng các hạng mục sau khi dự án hết thời hạn bảo hành 60 tháng. Một luật sư không muốn nêu tên cho rằng, có những dấu hiệu cho thấy, CĐT đang “chiếm dụng vốn” và “sử dụng trái phép tài sản của người khác” theo Bộ luật Hình sự.

Không chỉ vậy, thời gian qua, những người phản đối ban quản lý liên tục bị nhắn tin đe dọa, khủng bố tinh thần. Thậm chí có người bị hành hung. Ông TTH (block B3 chung cư Era Town) lo lắng, sau khi ông cùng nhiều hộ dân lên tiếng phản ánh các vấn đề của chung cư, vợ chồng ông nhận được nhiều tin nhắn đe dọa với nội dung ngăn cản không cho phản ánh nữa.

Không chỉ vậy, vào chiều 8.5, ông TTH đã bị hai kẻ lạ mặt hành hung khi đang chở con đi học tại đường Nguyễn Lương Bằng, phường Tân Mỹ, Q.7. Ông H đã làm đơn trình báo công an và ngay sau đó, điện thoại của ông H nhận được hàng loạt tin nhắn với nội dung khủng bố, lời lẽ thô bỉ.

Và theo tìm hiểu của phóng viên, một số cư dân khác sau khi đấu tranh với BQL chung cư cũng nhận được những tin nhắn tương tự. Đơn cử như sáng 13.6, chị V cùng một số đại diện cư dân chứng kiến cuộc đối thoại giữa một số cư dân bị BQL cắt nước với ông Trần Minh Tâm tại văn phòng Công ty cổ phần Quản lý chung cư thì điện thoại của chị V nhận được tin nhắn khủng bố từ số điện thoại lạ với nội dung: “Mày muốn bị chém hay ăn axít hay đập cho 1 trận đòn. Bọn tao nói là bọn tao làm. Vậy... mày và thằng H muốn sống thì câm mồm và biến đi…”.

Câu chuyện tranh chấp tiền phí bảo trì luôn là điểm nóng giữa chủ đầu tư và người dân của các chung cư. Phản ánh với phóng viên, ban quản trị chung cư 4S Riverside (đường 17, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) cho biết, được công nhận từ năm 2011, nhưng mãi 3 năm sau, họ mới nhận bàn giao công tác quản lý, vận hành chung cư. Tuy nhiên, ông Đỗ Quang Thắng - nguyên thành viên ban quản trị nhiệm kỳ I - cho biết: “Công ty Thành Trường Lộc (chủ đầu tư) không bàn giao bản vẽ kĩ thuật, hồ sơ pháp lí, tầng hầm, nhà sinh hoạt cộng đồng cùng hơn 3 tỉ đồng tiền phí bảo trì. Lãnh đạo quận Thủ Đức yêu cầu Công ty Thành Trường Lộc bàn giao quỹ bảo trì cho ban quản trị nhưng doanh nghiệp này vẫn ngó lơ. Đầu năm 2015, cư dân chung cư này khởi kiện chủ đầu tư đòi lại hơn 3 tỉ đồng phí bảo trì. Tới nay, ba phiên hòa giải ở tòa đều không thành do chủ đầu tư vắng mặt”.

Ban quản trị lộng hành, cư dân nản

Để cuộc sống sớm đi vào ổn định, cư dân các chung cư đều mong muốn nhanh chóng bầu ra ban quản trị (BQT) để nhận bàn giao công tác vận hành, quản lý chung cư từ chủ đầu tư. Tuy nhiên, không phải ở chung cư nào việc lập ra BQT cũng diễn ra êm thấm. Đã có không ít câu chuyện cười ra nước mắt.

Tại lô M chung cư Bàu Cát 2, mối quan hệ giữa BQT với các cư dân căng thẳng đến mức Sở Xây dựng TPHCM phải vào cuộc thanh tra toàn bộ hoạt động của BQT này. Theo Sở Xây dựng, chung cư này được đưa vào sử dụng từ năm 2007. Hai năm đầu, chủ đầu tư đứng ra vận hành quản lý chung cư và đến năm 2009 thì bàn giao lại cho BQT. Quá trình hoạt động, BQT các nhiệm kỳ đã có nhiều sai phạm, đặc biệt là BQT nhiệm kỳ ba.

Theo kết luận thanh tra của Sở Xây dựng, BQT này có hàng loạt sai phạm như không thuê doanh nghiệp quản lý vận hành nhà chung cư mà tự kiêm nhiệm, tự thỏa thuận mức phụ cấp cho các thành viên BQT mà không thông qua hội nghị nhà chung cư. Ngoài mức chi phụ cấp theo quy định, BQT còn chi lương cho toàn bộ nhân sự trong ban với mức chi 2 triệu đồng/tháng/người; chi tiền điện thoại cho trưởng ban 500.000 đồng/tháng; chi lương cho hai nhân viên kỹ thuật 9 triệu đồng/tháng… Đáng lưu ý, Sở Xây dựng xác định, BQT này đã chi không hợp lệ tới hơn 1,7 tỉ đồng. Rất nhiều hạng mục BQT tự ý chi, không thông qua ý kiến cư dân và cũng không xuất trình được hóa đơn hợp lệ.

Tại chung cư 584, Lũy Bán Bích, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, sau một thời gian dài đấu tranh, các cư dân cũng đã bầu ra được BQT. Thế nhưng, điều nghịch lý ở chung cư này là: Một nửa người dân ủng hộ BQT, một nửa khác lại “khoái” chủ đầu tư. Chính vì vậy, sau hơn nửa năm làm phó BQT chung cư, bà Võ Thị Hồng Nga lắc đầu ngao ngán vì số nợ tiền điện, nước và các dịch vụ khác lên tới 600 triệu đồng. Nguyên nhân là có khoảng 50% cư dân không chịu đóng phí quản lý cho BQT.

Cho đến thời điểm này, 11 thành viên BQT đã “rơi rụng” hơn một nửa. Căn hộ của bà Nga đang đêm thỉnh thoảng bị người dân đập cửa, chửi bới. “Tôi tham gia vào BQT là để đòi quyền lợi cho cư dân từ chủ đầu tư và đã dốc hết tâm sức vào việc này nhưng càng ngày càng chán nản vì nhiều cư dân không hợp tác. Tôi sẽ rút khỏi BQT nhiệm kỳ tới”, bà Nga nói.

Về phía người dân, ông Cao Văn Mười - tổ trưởng tổ 17A tại chung cư 584 - cũng “tố” BQT chung cư 584 hoạt động không hiệu quả và tự ý quyết định nhiều vấn đề mà không qua ý kiến cư dân. “BQT là do dân bầu lên và phải thực hiện theo ý chí và nguyện vọng của cư dân, không thể tự làm theo ý mình”, ông Mười nói.

Bảo Chương (Lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.