Những năm gần đây, xu hướng M&A các dự án BĐS nở rộ, sôi động. Là một chuyên gia trong lĩnh vực này, ông có nhìn nhận như thế nào?
- Trước tiên phải nói rằng, M&A dự án nở rộ bởi cơ hội được hình thành từ chính tình hình BĐS trong nước. Năm 2011 - 2013, thị trường rơi vào trầm lắng cùng với sự suy thoái của kinh tế vĩ mô, giá BĐS giảm mạnh, nhiều DN nhà đất phải chịu lãi cao dẫn đến thua lỗ và ngừng hoạt động hoặc giải thể. Thậm chí, có những công ty BĐS lớn cũng phải đối mặt với tình trạng này.
Tuy nhiên, căng thẳng về nguồn lực tài chính, bao gồm cả sức ép trả nợ và thiếu tiền triển khai hạ tầng cũng như phát triển tiếp dự án có lẽ là nguyên nhân chủ yếu khiến các chủ đầu tư phải bán rẻ toàn bộ hoặc một phần dự án mà họ đã theo đuổi tới 3 - 5 năm, thậm chí 10 năm. Các DN có dự án bị đình trệ lâu ngày, gánh nặng tài chính bắt buộc họ phải chấp nhận bán lỗ bằng mọi giá, miễn là có thể thu vốn về làm các dự án khác cũng đã diễn ra trên diện rộng. Ở góc độ khác, diễn biến đó trở thành cơ hội để thâu tóm thêm tài sản, mở rộng hoạt động kinh doanh của những nhà đầu tư tiềm lực về nguồn vốn. Và hơn hết, các nhà đầu tư này còn có thể mua dự án với mức giá chỉ bằng hơn 40 - 50% mức giá được xác định trước đó.
Dự án nhà ở – văn phòng hạng sang Vinhomes Nguyễn Chí Thanh đang được triển khai xây dựng. Ảnh: Công Hùng
Vậy theo ông, hoạt động M&A đã tác động đến DN, thị trường và tồn kho BĐS thời gian qua như thế nào?
- Ở góc độ thị trường, khi hoạt động M&A bùng nổ đã góp phần giảm số lượng các dự án bị "treo", thúc đẩy sự chuyển động, phát triển chung. Thực tế, trong thời gian vừa qua, hàng loạt dự án BĐS bị bỏ dở do chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính, M&A đã giúp dự án được đẩy nhanh tiến độ triển khai, tăng hiệu quả sử dụng, tránh tình trạng lãng phí tài nguyên đất.
Ở góc độ DN, M&A giúp DN bán giải quyết khó khăn, có nguồn lực mới để tái tạo hoạt động. Với DN mua, đây là cách nhanh nhất để phát triển, mở rộng hoạt động, vị thế trên thương trường mà chi phí bỏ ra thấp.
Theo thống kê thời gian để phát triển một dự án BĐS có thể kéo dài 5 - 10 năm, nên khi mua dự án, nhất là dự án đã hoàn thành về mặt thủ tục, sẵn sàng cho triển khai và bán hoặc dự án đã xong được các khâu vốn rất mất thời gian như GPMB, quy hoạch chi tiết… (các loại hình dự án BĐS thường được các nhà đầu tư săn lùng mua), sẽ giúp DN mua tiết kiệm được chi phí lên đến hàng trăm tỷ đồng so với phát triển một dự án tương tự ngay từ đầu. Bên cạnh đó, các DN mua giảm thiểu được thời gian chuẩn bị, xây dựng, phát triển dự án kéo dài do thủ tục, thi công, có thể bán để hưởng lợi ngay. Hơn nữa, DN còn mua được dự án với giá thấp do các chủ đầu tư cũ cắt lỗ, lợi ích từ các thương vụ M&A càng tăng lên gấp bội.
Thời gian tới, nhiều chính sách BĐS có hiệu lực. Những quy định mới sẽ tác động như thế nào đến hoạt động M&A BĐS, thưa ông?
- Những nội dung này sẽ hỗ trợ sự phát triển của thị trường nói chung và góp phần làm tăng sự quan tâm của nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Các thương vụ M&A BĐS sẽ sôi động và được thúc đẩy hơn nữa.
Theo ông, chiều hướng của thị trường M&A BĐS 2015 và các năm tiếp theo sẽ như thế nào?
- Về thị trường BĐS, các nhà đầu tư nói chung hy vọng từ năm 2015 sẽ khởi sắc hơn, và thực tế hiện tại một số phân khúc đã có những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, chúng ta không hy vọng có thể giải quyết ngay các tồn tại của những giai đoạn trước bởi thị trường có sự phân hóa.
Năm 2015, thị trường BĐS sẽ tiếp tục đón nhiều thương vụ M&A, trong đó bao gồm cả thương vụ chuyển nhượng dự án để tiếp tục phát triển và các thương vụ chuyển nhượng kinh doanh tại những dự án đã hoàn thành như khách sạn, trung tâm thương mại. Các nhà đầu tư trong nước cũng sẽ hoạt động mạnh mẽ hơn song song với các nhà đầu tư nước ngoài trong việc săn lùng, tìm mua các dự án chuyển nhượng. Sản phẩm được hướng đến nhiều nhất vẫn là những dự án có vị trí thuận lợi, pháp lý đầy đủ, tập trung ở hai TP lớn Hà Nội và Hồ Chí Minh.
Xin cảm ơn ông!
-
M&A bất động sản 2023: Cục diện thay đổi
Nếu như hai năm trước thị trường mua bán, sáp nhập (M&A) sôi động khi các doanh nghiệp trong nước nỗ lực gia tăng thị phần sau đại dịch, thì nay cuộc “đi săn” của khối ngoại diễn ra mạnh mẽ hơn với những thương vụ thâu tóm dự án có quy mô lớn khi doa...
-
Nhà đầu tư nước ngoài rục rịch “chốt deal”, dòng vốn “khủng” sắp đổ vào thị trường bất động sản
Dự báo sẽ có một lượng lớn nguồn vốn đến từ các nhà đầu tư nước ngoài sẽ hoàn tất và đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam trong giai đoạn 2024-2026, nhiều giao dịch đã và đang trong quá trình đàm phán và khá tích cực....
-
“Bơi” trong vòng xoáy khó khăn, doanh nghiệp bán bớt cổ phần, tài sản và cả dự án
Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư buộc phải chuyển nhượng bớt cổ phần, tài sản, dự án đầu tư trong bối cảnh thị trường mua bán sáp nhập (M&A) không thuận lợi.