13/04/2012 8:30 AM
Thời gian qua, con sóng của TTCK đổ dồn về nhóm cổ phiếu thuộc “họ” bất động sản. Với các cổ phiếu có thị giá thấp, thậm chí dưới mệnh giá.
Sóng lớn cổ phiếu bất động sản
Không phải DN bất động sản nào cũng được hưởng lợi từ sự nới lỏng chính sách của NHNN

Các lĩnh vực bất động sản như mua nhà trả góp, đầu tư xây dựng, sửa chữa nhà ở để bán, cho thuê, xây dựng các công trình dự án trong khu đô thị vừa được đưa vào nhóm đối tượng cho vay của các ngân hàng thương mại. Quyết sách mới này của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã kéo cổ phiếu nhóm bất động sản và vật liệu xây dựng tăng trần mạnh mẽ.

Thời gian qua, con sóng của TTCK đổ dồn về nhóm cổ phiếu thuộc “họ” bất động sản. Với các cổ phiếu có thị giá thấp, thậm chí dưới mệnh giá của DN bất động sản không bị thua lỗ (như DXG, CDC, LCG, SAM, PXL) hay cổ phiếu của DN bất động sản lớn nhưng có quỹ đất và sản phẩm nhà đất hợp lý (như DIG, TDH, SC5, KDH, NTB và HAG), thì sự tăng giá này là hợp quy luật.

Nhưng DN nào sẽ được hưởng lợi trước tiên từ chính sách cởi trói tín dụng bất động sản để đón “sóng” chính sách? Hiện nay, các ngân hàng đã “ôm” quá đủ tài sản đảm bảo là bất động sản chưa thanh khoản được, nên chắc chắn họ sẽ phải chọn từng chủ đầu tư, từng dự án để giải ngân phần dư địa tín dụng bất động sản vừa được nới. Minh chứng là Ngân hàng BIDV đã tuyên bố chỉ dành mức lãi suất 16%/năm cho DN bất động sản khó khăn tạm thời và có chiến lược phát triển dài hạn. Đồng thời, dự án được vay đang trong giai đoạn xây dựng dở dang, có thanh khoản đầu ra tốt cần hoàn thiện để lưu thông dòng tiền.

Ông Văn Minh Hoàng, Phó tổng giám đốc CTCP Chương Dương (CDC), chủ đầu tư Dự án Chung cư Tân Hương, cho biết, sau một thời gian giãn tiến độ để điều chỉnh thiết kế căn hộ diện tích nhỏ hơn, CDC sẽ tiếp tục triển khai thi công vào cuối tháng 5. CDC vẫn có hạn mức vay vốn nhưng thời gian qua, hạn mức này tập trung khá nhiều cho hoạt động xây lắp. Nếu tín dụng bất động sản nới ra thì Công ty có thể đàm phán để tăng hạn mức tín dụng lên, đáp ứng tốt cả 2 mảng đầu tư và xây lắp. Trong tổng số 360 căn hộ của Dự án Chung cư Tân Hương, CDC còn 250 căn chưa bán. Với giá 13 triệu đồng/m2, CDC tin sẽ bán được căn hộ khi Dự án khởi động trở lại, nhất là khi tín dụng mua nhà trả góp được nới ra.

Ông Nguyễn Khắc Sơn, Giám đốc Tài chính Công ty Nhà Thủ Đức (TDH) nhận định, tín dụng bất động sản được nới lỏng cộng với việc trần lãi suất hạ xuống, kéo theo lãi suất cho vay giảm xuống. Nếu lãi suất cho vay mua nhà còn khoảng 15 - 16%/năm thì thị trường căn hộ sẽ khả quan hơn. Nhưng so với giá cổ phiếu thì thị trường bất động sản có độ trễ để hồi phục sau 6 tháng tới. Được biết, các dự án TDH- Phước Bình, TDH Trường Thọ, dòng sản phẩm cho người có thu nhập khá của TDH còn khoảng 100 căn hộ chưa bán. TDH đang thiết kế dự án dành cho người thu nhập trung bình, dự kiến khởi công vào cuối năm nay.

HAG đã chuẩn bị sẵn 3 dự án căn hộ với giá phải chăng và chính sách hỗ trợ trả góp hợp lý để chuẩn bị ra hàng ngay trong năm nay. SAM thì đang chào bán căn hộ Samland và hoàn thành xây thô dự án Giai Việt sẵn sàng để bán. SC5 có hơn 400 căn hộ đã hoàn thành, tương ứng 1.000 tỷ đồng tồn kho. Ông Trần Quang Mỹ, Chủ tịch HQĐT SC5 cho biết, mỗi tháng hoạt động xây lắp của Công ty phải trả chi phí lãi vay 18 tỷ đồng. Vấn đề theo ông Mỹ là sức mua trên thị trường rất yếu, nên việc nới tín dụng bất động sản trước tiên là có tác động tích cực đến các dự án đang xây dựng dở dang, sau đó mới đến hỗ trợ khả năng chi trả của người dân để tiêu thụ lượng căn hộ tồn kho của các DN. Kết quả kinh doanh của DN bất động sản không thể tốt lên trông thấy trong 1 - 2 tháng tới, ông Mỹ nhận định.

Trong nhóm cổ phiếu bất động sản, có những cổ phiếu tăng giá vì có đặc thù riêng. Như DXG của CTCP Đất Xanh tăng giá không chỉ vì cổ phiếu này thời gian dài nằm dưới mệnh giá dù không thua lỗ trong năm 2011 mà vì sản phẩm công ty này chào bán chủ yếu là đất nền giá rẻ, phân khúc duy nhất còn giao dịch sôi động trong năm qua. DXG cũng đã tranh thủ lúc khó khăn để tích lũy thêm quỹ đất giá bèo.

Cổ phiếu SCR của CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (SCR) tăng liên tục trong thời gian qua, ngay cả trước khi có tin NHNN “cởi trói” cho tín dụng bất động sản vì công ty này được cho là có khoản thu khoảng 200 tỷ đồng từ bán cổ phiếu STB.

Trong làn sóng tăng giá của nhóm bất động sản, cổ phiếu của một vài DN không có tiềm năng phát triển cũng được đẩy lên. Để nhận dạng DN này, NĐT cần đánh giá xem dự án đã được triển khai đến giai đoạn nào và nhắm vào phân khúc nào. Những DN có quỹ đất xây nhà cho người thu nhập khá nhưng chưa khởi công xây dựng móng thì chưa chắc đã tận dụng được cơ hội nới tín dụng lần này. Hay DN đầu tư chung cư mà giá không có khả năng cạnh tranh, thanh khoản đầu ra kém cũng sẽ khó tiếp cận được vốn vay hoặc nếu có vay được để triển khai thì thu hồi vốn cũng khó khăn. Phần thưởng của nới tín dụng bất động sản lần này chỉ dành cho những DN có khả năng cạnh tranh thực sự
Theo ĐTCK
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.