Những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng nhiều chợ ở vùng nông thôn (nhất là những địa phương thuộc CT 135). Tuy nhiên, cho đến nay hàng chục chợ với vốn đầu tư hàng chục tỉ đồng hoặc bị bỏ hoang hoặc hoạt động không hiệu quả.

Ông Phan Thanh Hoàng - Phó trưởng Phòng Kế hoạch - Tổng hợp (Sở Công Thương Sóc Trăng), cho biết: "Theo thống kê của chúng tôi, hiện nay trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có hơn 10 chợ xây xong nhưng bỏ hoang hoặc hoạt động không hiệu quả".

Tại huyện Mỹ Tú có chợ xã Mỹ Thuận và chợ xã Thuận Hưng. Chợ xã Mỹ Thuận được xây dựng năm 1998 với kinh phí 495 triệu đồng từ nguồn vốn của Tổ chức CIDA, nhưng cho đến nay hoàn toàn bỏ trống, trở thành chỗ ở cho một hộ dân. Còn chợ xã Thuận Hưng xây xong năm 2004 với kinh phí 350 triệu đồng do Canada tài trợ nhưng nay cũng chỉ có lèo tèo mấy hộ vừa ở vừa mua bán.

Bà Sơn Thị Mai, một người dân ở đây cho biết: "Khi địa phương cho xây dựng chợ Thuận Hưng, nhiều người buôn bán nhỏ rất mừng, xin đăng ký vào chợ để mua bán được ổn định. Nhưng khi xây dựng xong thì không ai chịu vào do xã cho thuê mặt bằng với giá quá cao, ngoài ra còn thu các loại phí nên không ai dám thuê nữa vì cầm chắc lỗ".

Ở huyện Mỹ Xuyên có chợ thị trấn Mỹ Xuyên được xây năm 2001 từ nguồn vốn ngân sách huyện cũng trên 400 triệu nay thành chỗ bán cà phê và chứa đồ của một số hộ lân cận. Cũng ở huyện này, chợ xã Viên Bình xây năm 2003 với số tiền trên 300 triệu đồng từ nguồn vốn CT 135 nhưng nay cũng trong cảnh ế ẩm, chỉ vài ba hộ mua bán vào sáng sớm.

Hay như tại xã An Hiệp, huyện Châu Thành (trước đây là huyện Mỹ Tú), chợ Bưng Tróp A được xây dựng năm 2007 với số tiền trên 1 tỉ đồng, dù chính quyền đã nhiều lần vận động người dân vào mua bán nhưng không ai vào, khiến cho khu chợ nay thành chỗ phơi lúa, củi hay các nông sản khác. Còn ở TP Sóc Trăng có tới 3 chợ xây dựng tốn kém nhưng hoạt động không hiệu quả.

alt

Chợ Bưng Tróp A bỏ hoang.

Đó là chợ Nhâm Lăng (phường 5) được xây dựng năm 2005 với số tiền 675 triệu đồng, nhưng hiện nhà lồng bị bỏ trống, trong khi tiểu thương che lều bán ở bãi cỏ bên ngoài. Trong chợ có vài chiếc bàn, ghế của người bán hàng cà phê, có lẽ chỉ để phục vụ số tiểu thương có ki-ốt ở cổng chợ, còn trong nhà lồng chợ, có người giăng dây phơi quần áo.

Không có người bán cũng không có người mua và không có người quản lý nên chợ Nhâm Lăng khang trang, sạch sẽ nay đã nứt tường, rêu mọc xanh rì. Ông Huỳnh Xuân Bảo, nhà gần chợ nói: "Khi có kế hoạch xây chợ, chúng tôi đã góp ý rằng, khu vực này cách chợ trung tâm không xa, lâu nay mọi người quen ra chợ trung tâm mua hàng rồi. Vì thế, việc xây chợ mới là không cần thiết, nhưng ý kiến đó không ai nghe, kết cục chợ xây xong bỏ không. Quá lãng phí!".

Đặc biệt, chợ Sung Đinh (phường 4) là điển hình cho sự lãng phí. Chợ này được xây dựng năm 2005 trên diện tích khoảng 3.000m2 với số tiền trên 2 tỉ đồng nhưng hiện nay nhà lồng bị bỏ trống, các ki-ốt thì cửa đóng then cài, chỉ có vài ba người bày bán mấy món hàng thực phẩm như rau củ, cá thịt và một vài chỗ bán vải, còn lại làm chỗ thả gà vịt hoặc sân chơi cho trẻ em...

Ông Phan Thanh Hoàng cho rằng, nhiều chợ được đầu tư xây dựng mới, khá khang trang nhưng chưa phát huy được hiệu quả kinh tế là do vị trí các chợ chưa phù hợp với tập quán, thói quen buôn bán, sinh hoạt của người dân vùng sông nước.

Tìm hiểu, tiếp xúc với một số người dân địa phương, chúng tôi được biết nguyên nhân một số chợ mới xây dựng không thu hút được tiểu thương, người dân vào buôn bán, trao đổi hàng hóa là do ở đô thị các chợ xây mới quá gần nhau. Những chợ ở nông thôn thì ngược lại, cách xa khu dân cư, xa đường nông thôn, không phù hợp với tập quán của bà con địa phương nên không ai vào mua bán

CafeLand.vn - Theo CAND
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland