07/05/2017 9:10 AM
Cho rằng hệ thống thủy lợi nội đồng ở nhiều phường bị bồi lắng, UBND TP Sóc Trăng (Sóc Trăng) lấy đất bờ kênh để đổi dự án nạo vét với giá 0 đồng.
Hai tuần qua, người dân các phường 5, 7 và 8 ở TP Sóc Trăng (Sóc Trăng) thấy xe cuốc lấy đất bờ kênh, đưa lên xe ben chở đi dự trữ hoặc san lấp mặt bằng các công trình xây dựng.
Do mùa mưa sắp đến nên nhiều người sợ bờ kênh bị mất đất sẽ sạt lở hoặc không giữ được nước cho những cánh đồng lúa bên trong.
Xe cuốc lấy đất bờ kênh ở phường 8, TP Sóc Trăng. Ảnh: Việt Tường.
Ông Dương Trân (63 tuổi, ngụ khóm 3, phường 8, TP Sóc Trăng) cho biết trong những ngày nghỉ lễ vừa qua, lão nông này thấy nhiều xe ben vào lấy đất bờ kênh 2/9. Khi xe cơ giới cuốc bờ kênh trước nhà ông Trân thì nhiều người đến ngăn cản.
"Chính quyền cho doanh nghiệp cuốc lấy đất bờ kênh nhưng không họp dân tham khảo ý kiến. Bờ kênh rộng lớn bị lấy gần hết đất nên nhỏ hẹp, sẽ khó khăn cho việc vận chuyển lúa bằng ôtô", ông Trân nói.
Theo anh Chung Thanh Tùng (có ruộng cạnh nhà ông Trân), kênh 2/9 được nạo vét một năm trước nên đất bờ rộng từ 6-8 m. Những ngày qua, xe cơ giới cuốc lấy đất khiến bờ chỉ còn 1 m, độ cao hạ xuống trên 60 cm.
"Tôi phản ứng việc lấy đất bờ kênh thì xe cuốc móc đất bùn đắp trả nhưng chỉ khoảng 1,5 m. Đất bùn này khô sẽ nứt ra, không giữ được nước cho khoảng 150 công ruộng phía trong", anh Tùng tỏ ra bức xúc.
Trao đổi với Zing.vn, ông Lương Thanh Xiêm, Chủ tịch UBND phường 8, cho biết việc doanh nghiệp lấy đất bờ kênh là được sự đồng ý của UBND TP Sóc Trăng. Nơi nào đất khô bị lấy đi thì sẽ được doanh nghiệp nạo vét kênh đắp trả bằng đất bùn.
Ông Nguyễn Hồng Hiếu, Chủ tịch UBND phường 5, nói rằng kênh nội đồng của địa phương này đã được phường hợp đồng nạo vét với một cá nhân ở TP Sóc Trăng. Phía thi công đang lấy đất hiện trạng của bờ kênh và sau này đắp lại bằng đất bùn khi nạo vét lòng kênh.
Theo ông Võ Thanh Nhàn, đất và cát san lấp đang hiếm nên việc cho doanh nghiệp lấy đất bờ kênh để đổi công trình nạo vét hệ thống thủy lợi nội đồng là chủ trương có lợi cho hai bên. Lợi của doanh nghiệp là có đất san lấp, còn chính quyền thì không phải tốn tiền nạo vét kênh.
Đất san lấp ngày một khan hiếm. Ảnh: Việt Tường
"Chi phí nạo vét kênh nội đồng mỗi năm tốn vài tỷ đồng nhưng không hiệu quả vì bộ phận giám sát làm không tốt. Từ đó, Phòng Kinh tế đã khảo sát các bờ kênh thừa đất để lập phương án cho doanh nghiệp hạ độ cao và trả lại hiện trạng ban đầu bằng đất nạo vét", ông Nhàn nói.
Cùng quan điểm, ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, nói địa phương cho doanh nghiệp lấy đất bờ kênh để đổi công trình là cách làm phù hợp, đỡ tốn kém ngân sách.
"Vài địa phương gặp khó khăn về kinh phí nạo vét hệ thống kênh nội đồng đã làm như TP Sóc Trăng. Trước đây một số cán bộ nghỉ hưu có lên tiếng vì các chú tưởng doanh nghiệp lấy đất mà không nạo vét kênh để đắp đất trả lại. Sau này các chú biết được đó là cách lấy đất đổi công trình", ông Quyết chia sẻ.
Chiều 5/5, ông Lê Văn Hiểu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết địa phương nghiêm cấm người dân bán đất mặt ruộng vì sẽ làm mất đi sự màu mỡ của đất. Còn việc doanh nghiệp lấy đất bờ kênh thì vị lãnh đạo tỉnh nói sẽ cho kiểm tra lại xem có phù hợp với các quy định hiện hành hay không để trả lời báo chí vào ngày 8/5.
Việt Tường (Zing)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.