Mấu chốt vấn đề mà dự án C1 Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) vẫn chưa thể xây dựng sau gần 5 năm di dời đó là sự nhùng nhằng giữa người dân và chủ đầu tư về hệ số tái định cư. Đặc biệt, người dân C1 muốn thay đổi chủ đầu tư vì theo họ chủ đầu tư được chỉ định không đủ năng lực…

Hệ số tái định cư thấp!

Tại cuộc đối thoại giữa Liên ngành, gồm đại diện Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc, lãnh đạo quận Ba Đình, phường Thành Công và các hộ dân nhà C1 Thành Công chiều 2/8, nhiều ý kiến bức xúc của người dân được bung tỏa, trong số đó vấn đề được đề cập “nóng” nhất đó là hệ số tái định cư.

Theo Quyết định 4170/QĐ-UBND ngày 17/8/2009 về việc phê duyệt cơ chế chính sách tạm cư, bồi thường hỗ trợ tái định cư riêng đối với nhà C1 với hệ số tái định cư không phải trả tiền là 1,3 lần, chủ đầu tư hỗ trợ 0,1 lần tổng là 1,4 lần.

Thế nhưng, với hệ số trên đa số người dân C1 Thành Công đều không đồng ý. Bà Tạ Bích Phượng, một hộ dân C1 bức xúc: Trong số 110 hộ dân thì có đến 85 hộ phản đối phương án đền bù của chủ đầu tư thì làm sao dự án có thể xây dựng được.

Sau gần 5 năm kể từ ngày di dời dân, dự án C1 Thành Công đến nay vẫn "án binh bất động". Ảnh: Nguyễn Lê

Bà Phượng nêu vấn đề: Sở dĩ gần 5 năm trôi qua mà chung cư C1 Thành Công chưa thể xây dựng được là do cơ quan chức năng chưa làm đúng trình tự thủ tục.

“Phá dỡ nhà của chúng tôi mà không hề thông báo, tại sao chúng tôi là chủ nhà, chưa giao chìa khóa đã có người nhảy vào thi công xây dựng được? Đền bù là phải thỏa thuận, nhà C1 không phải nhà của chính quyền đứng ra xây dựng theo kiểu nhà ở xã hội mà là nhà kinh doanh. Chúng tôi không đồng ý việc chủ đầu tư đưa ra hệ số tái định cư áp dụng theo Quyết định 48 của TP Hà Nội ở mức 1,3”, bà Phượng nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến trên, một hộ dân khác là ông Nguyễn Văn Trinh cũng phản đối vì hệ số tái định cư quá thấp so với những dự án đã và đang triển khai trên địa bàn quận Ba Đình. Theo ông Trinh, nếu không thỏa thuận về hệ số này thì sẽ không bao giờ dự án nhận được sự đồng thuận của người dân.

“Tại sao nhà C1 lại tồn tại 3 loại hệ số tái định cư? Trong tổng số 110 căn hộ thì 98 căn áp dụng hệ số 1,4, 10 căn hộ hệ số là 1,54 và 2 căn hệ số 1,68”, ông Trinh đặt câu hỏi.

Dân C1 muốn thay chủ đầu tư

Ông Phạm Văn Dịch, hộ dân C1 Thành Công nói thẳng, vấn đề là phải xác định chủ đầu tư, chủ đầu tư hiện không đủ sức làm thì cần phải tìm một chủ đầu tư khác đủ năng lực, nếu phải huy động thêm tiền của 110 hộ dân để xây dựng nhanh chúng tôi cũng đồng ý.

Quá ngán ngẩm vì chủ đầu tư chưa giải quyết được việc gì suốt 5 năm qua, cư dân C1 Thành Công muốn thay chủ đầu tư. Ảnh: Nguyễn Lê

Đồng tình với ý kiến trên, hộ dân khác là bà Nguyễn Xuân Hà nói rõ: Chủ đầu tư xây dựng dự án C1 Thành Công là do thành phố chọn chứ người dân không được chọn chủ đầu tư, chúng tôi không hiểu chủ đầu tư này có vấn đề gì mà 5 năm không giải quyết được việc gì. Vì vậy, bà Hà cũng đề nghị để cho người dân được tự chọn chủ đầu tư.

Ý kiến khác lại đề nghị cơ quan chức năng phải có trả lời bằng văn bản để chứng minh nhà C1 mới không nằm trong quy hoạch để sau này có cơ sở truy cứu trách nhiệm khi cần thiết. Nếu không chứng minh được điều này và không thỏa thuận đền bù được với người dân thì dù có diễn ra 10 cuộc đối thoaị nữa thì dự án cũng không thể xây dựng được.

Phát biểu của hộ dân Đoàn Đức Hiền khiến nhiều người xúc động bởi đến nay đã có 5 người “ra đi” mà chưa biết nhà C1 mới như thế nào, không biết còn bao nhiêu người “ra đi” nữa sẽ không được nhìn thấy nhà C1 mới? “Nếu cứ kèo dài tình hình này thì không biết đến bao giờ chúng tôi được về nơi ở cũ”, ông Hiền buồn rầu.

Đối thoại tổ chức…. chiếu lệ?!

Liên quan đến vấn đề hệ số tái định cư chưa được người dân đồng thuận, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó giám đốc Sở Xây dựng khẳng định hệ số 1,3 đã được quy định cụ thể, các bên phải có nghĩa vụ thực hiện đúng luật. Song, theo ông Tuấn các bên cần hướng đến một sự đồng thuận mà hai bên có thể chấp nhận được để dự án sớm được triển khai, người dân sớm được trở về nơi ở cũ.

Cuộc đối thoại diễn ra tại UBND phường Thành Công (Ba Đình) ngày 2/8 nhưng các hộ dân vẫn chưa thấy thỏa đáng vì những thắc mắc chưa được giải đáp hết. Ảnh: Nguyễn Lê

Sở dĩ lựa chọn chủ đầu tư nhà C1 Thành Công là Tổng Cty Xây dựng công trình giao thông 1 được ông Tuấn lý giải vì đơn vị này là chủ quản nên khi xảy ra tình trạng nhà nguy hiểm thì Sở Xây dựng cùng liên ngành đề nghị lên Thành phố để đơn vị này làm chủ đầu tư vì không ai bằng cơ quan chủ quản.

“Khi giao cho Cty đó, họ không đủ năng lực thì phải liên danh với những đơn vị khác. Nếu các hộ dân không đồng ý chủ đầu tư này (chỉ cần 60-70% hộ dân không đồng ý) thì người dân có thể làm đơn đề nghị chính thức để Sở Xây dựng sẽ trình Thành phố”, ông Tuấn khẳng định.

Tuy nhiên, vị lãnh đạo Sở Xây dựng này cũng lưu ý các hộ dân, trong trường hợp Thành phố thực hiện xây dựng bằng tiền ngân sách theo quy định sau khi Luật Thủ đô chính thức có hiệu lực, thì chuyện hệ số tái định cư không còn ý nghĩa, vì diện tích sẽ được xây dựng bằng như diện tích ban đầu, toàn bộ diện tích còn lại Nhà nước dùng phục vụ cho tái định cư.

Ông Tuấn “hứa”, sau cuộc đối thoại này, UBND quận, các sở ngành sẽ có văn bản trả lời chính thức về những kiến nghị của các hộ dân. Mặc dù tại cuộc đối thoại cũng có đại diện chủ đầu tư tham dự, thế nhưng người dân không hề được nghe đơn bị này giải đáp bất cứ một ý kiến thắc mắc nào. Cuộc đối thoại kết thúc trước giờ quy định 20 phút khiến các hộ dân bức xúc, họ cho rằng cơ quan chức năng tổ chức cuộc đối thoại này chỉ là chiếu lệ, chưa gỡ ách được vấn đề nào để dự án được khơi thông.

Nguyễn Lê (Infonet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.