Theo chuyên gia, sở hữu chung cư có thời hạn chính là hình thức thuê chung cư dài hạn.
Điều này sẽ khiến giá căn hộ trở về đúng giá trị thật của nó.
Việc đề xuất bổ sung quy định mới về thời hạn sở hữu nhà chung cư của Bộ Xây dựng đã nhận được không ít ý kiến trái chiều.
Đáng chú ý, Điều 25 Dự thảo Luật Nhà ở quy định việc sở hữu nhà chung cư có thời hạn sẽ được áp dụng đối với nhà chung cư xây dựng sau ngày Luật Nhà ở mới có hiệu lực thi hành, còn đối với các nhà chung cư có trước ngày Luật Nhà ở mới có hiệu lực thi hành được sở hữu không có thời hạn.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng, điều này sẽ dẫn đến thực tế trong hơn 100 năm tiếp theo sẽ có đến hàng trăm nghìn căn hộ nhà chung cư được sở hữu không có thời hạn và sẽ ngày càng có nhiều nhà chung cư được xây dựng sau ngày Luật Nhà ở mới có hiệu lực được sở hữu có thời hạn. Nhà nước vẫn phải chịu trách nhiệm quản lý cả 2 loại nhà chung cư sở hữu không có thời hạn và sở hữu có thời hạn.
Theo luật sư Hậu, Luật Nhà ở năm 2014 đã quy định phù hợp khi xác định quyền sở hữu nhà chung cư gắn liền với quyền sử dụng đất, theo đó công nhận quyền sở hữu nhà chung cư không có thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất ổn định lâu dài hoặc công nhận sở hữu nhà chung cư có thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất có thời hạn.
Từ đó, ông Hậu đề nghị giữ nguyên quy định của Luật Nhà ở năm 2014 quy định quyền sở hữu nhà chung cư gắn liền với quyền sử dụng đất, theo đó công nhận quyền sở hữu nhà chung cư không có thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất ổn định lâu dài hoặc công nhận quyền sở hữu nhà chung cư có thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất có thời hạn.
Điều này phù hợp với Hiến pháp và các quy định pháp luật hiện hành, đồng thời cũng đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của đa số người dân muốn sở hữu nhà chung cư không có thời hạn, để cho các chủ sở hữu nhà chung cư yên tâm, hạn chế phát sinh “tâm lý bất an” trong xã hội.
Bên cạnh đó, ông Hậu cũng cho rằng, để bảo vệ quyền lợi của người dân, cần phải xây dựng thêm các quy định về trình tự đăng ký quyền sở hữu, thay đổi nội dung đăng ký quyền sở hữu đối với nhà chung cư và quy định bảo đảm quyền sở hữu của người dân trong các trường hợp cần phải tu sửa nhà chung cư xuống cấp. Phải bảo đảm sau khi tu sửa, xây mới nhà chung cư thì người dân vẫn có quyền sở hữu đối với nhà chung cư mới, hạn chế tình trạng người dân bị buộc phải miễn cưỡng bán lại quyền sở hữu của mình.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, dẫn nội dung dự thảo về thời hạn sở hữu chung cư, cho biết người mua chung cư chỉ có quyền sử dụng có thời hạn chung cư, chủ đầu tư dự án vẫn là người nắm giữ quyền sử dụng đất và tiến hành xây dựng các khu chung cư theo quy hoạch và bán có thời hạn cho người cần mua.
“Người mua chung cư thực chất là đi thuê chung cư trong một khoảng thời gian đủ dài, không có quyền sử dụng đối với đất xây chung cư. Giá căn hộ chung cư vì thế sẽ về đúng giá trị thật của nó, tạo điều kiện cho nhiều đối tượng có nhu cầu thực mà phần lớn là người lao động tại các khu vực đô thị lớn tiếp cận được nhà ở có giá hợp lý”, ông Thịnh cho hay.
Thực thực tiễn tại TP.HCM thời gian qua đã có một số chủ đầu tư dự án bán căn hộ theo hình thức sở hữu có thời hạn.
Ví dụ như Công ty cổ phần quốc tế C&T đã triển khai dự án Beehome tại quận Tân Bình để bán có thời hạn sở hữu đối với 318 căn hộ có diện tích từ 30-65m2, trong đó giá bán 180 triệu đồng với thời hạn sở hữu 6 năm hoặc giá 347 triệu đồng với thời hạn sở hữu 12 năm. Sau khi hết thời hạn sử dụng thì chủ các căn hộ sẽ bàn giao các căn hộ lại cho chủ đầu tư để chủ đầu tư thực hiện quản lý, sử dụng.
Hoặc như Công ty Lê Thành triển khai dự án Lê Thành Twin Towers và dự án Lê Thành Tân Tạo (quận Bình Tân) với diện tích từ 30-45m2 có giá bán 240 triệu đồng với thời hạn sở hữu 15 năm, hoặc 350 triệu đồng với thời hạn sở hữu 49 năm. Sau khi hết thời hạn sử dụng thì chủ các căn hộ sẽ bàn giao các căn hộ lại cho chủ đầu tư.
“Thực tế trên cho thấy đây là một loại hình cho thuê nhà ở dài hạn của các doanh nghiệp đầu tư bất động sản, giúp thúc đẩy đa dạng hóa sản phẩm nhà ở để phù hợp với khả năng tài chính của người dân”, ông Thịnh đánh giá.
Như vậy, sở hữu có thời hạn các chung cư chỉ là một hình thức chủ đầu tư các khu chung cư cho thuê có thời hạn lâu dài, xác định trước theo hợp đồng dân sự giữa chủ đầu tư chung cư và người đi thuê (người mua chung cư có thời hạn).
Vì vậy, chuyên gia này đề nghị cần giữ nguyên quy định theo khoản 3 Điều 126 Luật Đất đai năm 2013. Hoặc nếu cần thiết, có thể quy định cả 2 hình thức sở hữu vĩnh viễn và sở hữu có thời hạn với các chung cư. Đồng thời, trong Luật Nhà ở cần có các quy định rõ ràng, đầy đủ và toàn diện hơn đối với mỗi hình thức sở hữu để quá trình áp dụng trong thực tiễn được thống nhất, dễ dàng, bảo đảm tính hiệu lực của pháp luật.
-
Áp niên hạn sở hữu chung cư sẽ làm doanh nghiệp địa ốc khó bán hàng
Quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư sẽ ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng, từ đó tác động đến hoạt động đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh nhà chung cư.
-
Giá nhà chung cư sẽ không còn cao chót vót nếu sở hữu có thời hạn?
Nếu quy định sở hữu một căn nhà theo tuổi thọ công trình thì giá nhà chắc chắn sẽ khác so với căn nhà được quy định sở hữu vô thời hạn.
-
Đại biểu quốc hội boăn khoăn về quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư
Sáng 5/6, Quốc hội nghe Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Sau khi nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) tại hội trường, các đại biểu tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật này....
-
Đề nghị không bổ sung quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không bổ sung quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư.