Nếu quy định sở hữu một căn nhà theo tuổi thọ công trình thì giá nhà chắc chắn sẽ khác so với căn nhà được quy định sở hữu vô thời hạn.

Phát biểu ý kiến về dự án Luật Nhà ở sửa đổi tại hội trường Quốc hội sáng 19/6, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn thành phố Hà Nội) bày tỏ đồng tình về sự cần thiết sửa đổi dự thảo Luật, hướng tới khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay về phát triển nhà ở, đầu tư, nhà ở xã hội, về quản lý nhà ở, đặc biệt là vấn đề cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Ông Cường cho rằng, vấn đề cải tạo khu chung cư cũ đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân sâu xa chính là việc chúng ta đang quy định nhà chung cư cũ đó được sở hữu vĩnh viễn, không thời hạn. Chính vì không có thời hạn, chủ sở hữu chung cư có quyền không đồng ý, dẫn tới việc không phá dỡ được.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn thành phố Hà Nội). Ảnh: Quochoi

Theo ông Cường, rất may nhà chung cư cũ hiện nay đang là các công trình thấp tầng. Do đó, nhà đầu tư tham gia cải tạo, xây dựng lại có thể nâng cao tầng lên để đảm bảo lợi ích, có điều kiện thỏa thuận cho đền bù chủ sở hữu chung cư đó theo một hệ số nào đó.

Tuy nhiên, trong tương lai, chung cư cũ đều là công trình cao tầng. Việc phá dỡ để xây mới sẽ không còn chuyện nâng cao tầng. Tất cả người dân sống ở các chung cư này nếu muốn ở nhà mới thì buộc phải bỏ tiền ra, không có một nhà đầu tư nào bỏ tiền thay cho mình.

“Do vậy, quy định sở hữu dài hạn hay có thời hạn thì thực chất khi nhà chung cư hết thời hạn sử dụng, quyền của người dân ở đó cũng không còn gì, có chăng chỉ có quyền ghi trên giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà”, đại biểu phân tích.

Ông Cường đề nghị không chỉ quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư cũ theo thời hạn công trình thiết kế mà phải quy định rất rõ thời hạn sở hữu của nhà chung cư theo thời hạn của công trình thiết kế.

Nếu quy định như trên sẽ mang lại 2 thuận lợi. Thứ nhất, đứng về phía người sở hữu nhà, sẽ chỉ phải trả tiền cho việc sở hữu nhà trong thời hạn thiết kế đó, không phải trả tiền cho việc sở hữu vô thời hạn.

Nếu chúng ta quy định sở hữu một căn nhà theo tuổi thọ công trình thì giá nhà chắc chắn sẽ khác so với căn nhà được quy định sở hữu vô thời hạn. Như vậy, chỉ để thỏa mãn tâm lý sở hữu, người dân đã phải bỏ thêm một số tiền để sở hữu một tờ giấy không, đến khi nhà này bị phá dỡ vẫn phải bỏ tiền ra xây lại”, ông Cường nhấn mạnh.

Thứ hai, đứng về mặt xã hội, tránh được tình trạng khó khăn trong việc cải tạo, xây dựng lại chung cư hiện nay. Chỉ cần một vài người không đồng tình thì cũng không thể xây dựng lại, vì đó là tài sản quy định sở hữu vĩnh viễn. Khi đó lại lặp lại tình trạng xập xệ như những nhà chung cư cũ hiện nay.

Ông Cường đề nghị, nên quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư theo thời hạn thiết kế. Đi kèm với đó, cần quy định thêm, nếu đến thời hạn hết hạn thiết kế nhưng được kiểm định lại, chung cư đó vẫn còn tồn tại được thì quyền của người sử dụng chung cư này tiếp tục được kéo dài.

Đồng thời, khi phá dỡ, người dân phải đầu tư xây dựng lại. Vì vậy, ông Cường cho rằng đất dành cho xây dựng nhà chung cư không nên là đất giao vĩnh viễn mà cần quy định, đất giao cho xây dựng nhà chung cư là loại đất cho thuê theo thời hạn xây dựng, trả tiền một lần.

Để người dân được lựa chọn

Tranh luận về vấn đề sở hữu chung cư có thời hạn, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cho rằng, chung cư tuổi thọ càng cao thì hiệu quả kinh tế đối với xã hội càng lớn. Nếu không chúng ta sẽ khuyến khích xây dựng những chung cư 20 - 30 năm, 30 - 40 năm trong khi tại nước ngoài, càng ngày tuổi thọ chung cư càng cao, nhiều nước lên tới hàng trăm năm. Bên cạnh đó, một nơi ở dài hạn qua nhiều thế hệ có ý nghĩa lớn với các gia đình, củng cố quan hệ và tinh thần của gia đình, có thể làm nên hồn cốt văn hóa đô thị.

“Chúng ta có tổng kết được có bao nhiêu chung cư sở hữu không có thời hạn hay không? Và hiện nay rất nhiều người sở hữu như vậy, nếu quy định có thời hạn thì chúng ta không hồi tố nhưng vẫn phải xử lý trường hợp đó”, ông Nghĩa đặt vấn đề.

Ông Nghĩa đề nghị, cần duy trì loại chung cư sở hữu dài hạn, để người dân được lựa chọn giữa chung cư có thời hạn và dài hạn.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM). Ảnh: Quochoi

Về vấn đề đảm bảo an toàn, đại biểu cho rằng cần quy định rõ, với chung cư sở hữu dài hạn, cần tuân thủ các quy chuẩn về an toàn, an ninh. Ở Singapore sở hữu lên đến hàng trăm năm nhưng khi thời hạn an toàn không bảo đảm nữa, các công ty phát triển bất động sản sẽ thương thảo với người dân mua lại nhà cũ để duy tu, sửa chữa hoặc xây mới.

Ông Nghĩa đề nghị vẫn duy trì loại chung cư dài hạn, sở hữu lâu dài và có thời hạn, để người dân lựa chọn. "Người ta có thể sở hữu dài hạn nhưng phải tuân thủ theo sự an toàn, an ninh chung. Trong tương lai cần khuyến khích việc xây dựng nhà chung cư càng lâu dài càng tốt", ông Nghĩa nói.

Trong phần tiếp thu, giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, cho biết về chính sách sở hữu nhà ở, một số ý kiến cho rằng phải có quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư đêt tạo cơ sở pháp lý cho công tác tháo dỡ nhà chung cư, đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Về nội dung này, Bộ Xây dựng báo cáo, trong tờ trình trình chính phủ, cơ quan soạn thảo đã đề xuất 2 phương án sở hữu nhà chung cư có thời hạn và không thời hạn. Trong đó, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn phương án có quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn trong dự thảo Luật sửa đổi.

Tại thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định đây là vấn đề có tính nhạy cảm cao, tác động lớn đến xã hội và còn có những ý kiến chưa thống nhất. Do vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo đã trình, đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn trong dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến.

Dự thảo luật đã có bổ sung làm rõ thêm các nội dung về thời hạn sử dụng nhà chung cư, các trường hợp phá vỡ và chung cư, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc di dời, phá dỡ và đóng góp kinh phí để xây lại nhà chung cư; làm rõ trách nhiệm của các chủ thể có liên quan khi phá vỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để có cơ sở xử lý, giải quyết, tháo gỡ các trường hợp đang gặp khó khăn, vướng mắc trên thực tế hiện nay.

Bộ trưởng Xây dựng cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, báo cáo cơ quan có thẩm quyền để xin ý kiến Quốc hội.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.