Ông Trần Đình Cường, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết thông tin về việc ngân hàng siết van tín dụng với lĩnh vực bất động sản không phải mới xuất hiện mà đã có từ 2 – 3 năm nay.
Theo đó, NHNN chủ trương giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 45% xuống 40% năm nay và giảm ở các năm tiếp theo. Ngoài ra, việc siết tín dụng này không chỉ áp dụng với một số lĩnh vực rủi ro như dự án BOT, bất động sản mà còn áp dụng cho nhiều ngành nghề khác.
Theo ông Cường, việc hạn chế vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn không làm mất đi nguồn vốn của doanh nghiệp. Một thống kê của NHNN cho thấy các ngân hàng cũng chỉ sử dụng chỉ tiêu này ở khoảng 35 - 36% và không hề đụng trần đến 40%.
Bên cạnh đó, việc cho vay đối với từng lĩnh vực nói chung hay bất động sản nói riêng tùy thuộc vào sự điều chỉnh của mỗi ngân hàng.
Ông Cường cho rằng, để điều chỉnh phù hợp với quy định, các ngân hàng có thể điều chỉnh tăng lãi suất huy động tiền gửi trung, dài hạn để thu hút dòng vốn ở phân khúc này.
Những chính sách điều tiết vốn từ NHNN có tác động từ từ, đủ thời gian để các bên liên quan điều chỉnh nên tác động của nó không phải là ngay tức thì. Đây cũng là cách quản trị phù hợp theo chuẩn quốc tế. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng phải tự điều chỉnh mình, có mô hình sử dụng vốn phù hợp hơn.
Đồng quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, NHNN có lý khi đưa ra kiến nghị này để điều chỉnh dòng tín dụng vào thị trường bất động sản.
“Ngân hàng Nhà nước rất có lý khi có những kiến nghị này. Tỷ lệ cho vay trung và dài hạn có thể sẽ được rút từ 40-45% hiện nay xuống còn khoảng 35%. Đây là điều hợp lý vì hiện nay các nước trên thế giới dùng nguốn vốn ngắn hạn cho vay dài hạn khoảng 25%”, ông Hiếu cho biết.
Thậm chí chuyên gia này nhận định, trong khoảng 5-10 năm nữa, Việt Nam nên đưa tỷ lệ này xuống 30% hoặc thậm chí 25% khi kinh tế ổn định. Đặc biệt, đối với phân khúc bất động sản cao cấp, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Những năm gần đây, loại hình bất động sản cao cấp, nghỉ dưỡng đắt tiền nở rộ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của một bộ phận không nhỏ người có tiền Việt Nam. Đây là phân khúc họ rất quan tâm, và đó cũng là động lực cho các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng cũng cần cẩn thận, vì nếu cung vượt cầu thì đây cũng là phân khúc khởi đầu cho khủng hoảng và sẽ kéo theo cả thị trường.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho rằng việc giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn mang đến những khó khăn nhưng cũng có nhiều điểm tích cực đối với thị trường bất động sản.
Việc nguồn vốn bị siết lại ban đầu sẽ khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, buộc họ phải tính toán kỹ chiến lược đầu tư, lựa chọn phát triển các dự án phù hợp. Nhưng đây cũng là cơ hội tốt để doanh nghiệp phải tự làm mới mình, tái cấu trúc nguồn vốn đầu tư, giảm bớt sự phụ thuộc quá lớn vào ngân hàng.
Ngân hàng siết tín dụng cũng là một tấm lưới để sàng lọc, loại bỏ các doanh nghiệp bất động sản yếu kém, tay không bắt giặc, giúp thị trường phát triển ổn định hơn, tránh tình trạng sốt ảo, bong bóng.
Cũng theo vị chủ tịch HoREA, hiện nay ngân hàng vẫn đang là “bầu sữa” với nhiều doanh nghiệp bất động sản, việc phải thay đổi là không hề dễ dàng. Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn còn nhiều con đường khác để thu hút nguồn tín dụng đầu tư. Cụ thể, các doanh nghiệp nên xem xét chuyển đổi thành công ty cổ phần để có điều kiện gọi vốn ngoài xã hội và định hướng trở thành công ty đại chúng để đủ điều kiện niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.
Doanh nghiệp cần nỗ lực để hội đủ điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu dự án, phát hành cổ phiếu và cao nhất là niêm yết trên sàn chứng khoán ở nước ngoài.
Một hướng đi khác là các doanh nghiệp cần lựa chọn đối tác có vốn đầu tư nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài có uy tín và năng lực tài chính để hợp tác đầu tư, kinh doanh, phát triển dự án.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã và đang gặt hái được thành công khi đi theo xu hướng này như Tập đoàn Nam Long với các dự án liên kết với quỹ đầu tư đến từ Nhật Bản, hay Tập đoàn An Gia, Phúc Khang…
-
Lo siết tín dụng BĐS cao cấp sẽ làm khó thị trường
CafeLand - Thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang tính chuyện siết cho vay mua nhà đất, căn hộ cao cấp trên 3 tỉ đồng đang khiến những người trong ngành lo ngại sẽ ảnh hưởng tới thị trường căn hộ nếu chương trình này kéo dài.
-
Giới đầu tư nghi Fed sẽ không giảm lãi suất vào tháng 12
Các dữ liệu kinh tế và lạm phát mạnh mẽ đang làm dấy lên cuộc tranh luận giữa các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về tốc độ và mức độ cắt giảm lãi suất, trong khi thị trường tiếp tục hạ thấp kỳ vọng về việc cắt giảm lãi su...
-
Sau thông báo phát tiền cho dân, Trung Quốc giảm lãi vay mua nhà
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) ngày 29/9 cho biết sẽ yêu cầu các ngân hàng thương mại trước ngày 31/10 tiến hành hạ lãi suất đối với các khoản vay thế chấp nhà hiện có, như một phần của chính sách toàn diện nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản...
-
Trung Quốc tính giảm 0,8% lãi suất các khoản vay bất động sản hiện có trên toàn quốc
Các cơ quan quản lý tài chính của Trung Quốc Trung Quốc đang cân nhắc cắt giảm lãi suất thế chấp lên tới 5.300 tỷ USD để giảm chi phí vay cho hàng triệu gia đình.